Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: 'Không để dịch bệnh lây lan trong các khu công nghiệp'

Dịch bệnh xảy ra ở tất cả các nơi đều nguy hiểm nhưng xung yếu nhất là bệnh viện, sau đó đến các nhà máy, đặc biệt các nhà máy trong khu công nghiệp. Các địa phương nỗ lực không để dịch bệnh lây lan trong khu công nghiệp.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp trực tuyến Thường trực Ban Chỉ đạo và lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng về công tác phòng, chống dịch bệnh trong các khu công nghiệp, sáng 12/5, tại Trụ sở Chính phủ.

Nghiêm túc tự đánh giá công tác phòng, chống dịch bệnh

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam hoan nghênh tinh thần vào cuộc khẩn trương, thần tốc, trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh của các địa phương: Bắc Ninh, Bắc Giang và Đà Nẵng. Tình hình dịch bệnh tại các khu công nghiệp còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhưng lãnh đạo các địa phương đều khẳng định “cơ bản khoanh vùng được”. Qua thực tế, Bộ Y tế, Bộ Công thương theo sát công tác phòng, chống dịch của các địa phương này để xây dựng kinh nghiệm thực tiễn, phổ biến cho các địa phương khác.

Cả nước hiện có 369 khu công nghiệp tập trung, gần 30 khu cửa khẩu, chế xuất, tương đương 3,8 triệu lao động; gần 700 cụm công nghiệp với 600 nghìn lao động, với đặc thù cùng làm việc trong môi trường kín; di chuyển về các khu ký túc xá cùng thời điểm, sinh hoạt trong nhà trọ chật chội, đông đúc; các dịch vụ phục vụ đời sống sinh hoạt công nhân dày đặc, nhiều xe cộ qua lại… Ngay từ rất sớm, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã nhiều lần nhắc nhở về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở các khu vực này.

Phó Thủ tướng đề nghị, không chỉ Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, tất cả các địa phương khác trên cả nước nghiêm túc vào cuộc, khẩn trương chỉ đạo các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, các khu công nghiệp cập nhật việc tự đánh giá công tác phòng, chống dịch bệnh định kỳ lên Bản đồ chung sống an toàn với dịch COVID-19 (https://antoancovid.vn/). Bộ Công thương tiếp tục quán triệt sâu sát các địa phương thực hiện nhiệm vụ này bởi nếu dịch bệnh xảy ra trong các khu công nghiệp có thể làm đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế đất nước.

Phó Thủ tướng nêu rõ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Hà Nội đã có sự sáng tạo trong việc kết hợp giữa xét nghiệm khẳng định Realtime-PCR với các công nghệ xét nghiệm mới, xét nghiệm nhanh để đảm bảo mục tiêu trong thời gian sớm nhất, xét nghiệm theo kịp tốc độ lấy mẫu. Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Y tế đẩy nhanh việc cấp phép các công nghệ xét nghiệm mới, nhanh hơn, rẻ hơn, sàng lọc được nhiều hơn, đồng thời có hướng dẫn cụ thể các địa phương trong việc sử dụng kết hợp các loại xét nghiệm ở tình huống dịch bệnh khác nhau, tại những khu vực có nguy cơ khác nhau.

Nhấn mạnh Đà Nẵng chuẩn bị tốt khâu xét nghiệm, Phó Thủ tướng cho biết, trong đợt phòng, chống dịch tháng 7/2020, Đà Nẵng cho phép xét nghiệm gộp 5 mẫu; đến nay đã gộp đến 10, thậm chí 20 mẫu tùy từng trường hợp. Phó Thủ tướng đề nghị Đà Nẵng tổng kết thành hướng dẫn, chia sẻ với các địa phương khác trong việc áp dụng xét nghiệm mẫu gộp với số lượng khác khau trong tình huống khác nhau, vừa tiết kiệm chi phí, vừa đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm. Đồng thời, Bộ Y tế tiếp tục xem xét, đẩy nhanh việc cấp phép các công nghệ xét nghiệm mới trong nước và nước ngoài; qua đó giúp phát hiện nhanh hơn, rẻ hơn, sàng lọc được nhiều hơn.

Nhắc lại chỉ đạo trong những đợt chống dịch trước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tất cả các địa phương thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, nhưng không được “ngăn sông, cấm chợ”; không thể để tình trạng xe đưa đón công nhân vào các khu công nghiệp bị ách tắc như báo cáo của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh. Phó Thủ tướng yêu cầu, trước mắt, các địa phương, khu công nghiệp đang có dịch, gửi văn bản (danh sách số xe, tuyến đường…) cho các địa phương có xe đi qua để được di chuyển thuận lợi, không gây ách tắc.

Qua kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh của Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang và những đợt dịch trước, Phó Thủ tướng yêu cầu tất cả các tỉnh/thành phố làm việc, phổ biến quy định phòng, chống dịch bệnh cho các doanh nghiệp có đông công nhân, đặc biệt doanh nghiệp trong các khu công nghiệp. Các doanh nghiệp tích cực tham gia thực hiện xét nghiệm sàng lọc định kỳ, xét nghiệm từng bộ phận để bảo đảm sản xuất an toàn.

Phó Thủ tướng lưu ý: “Phải chuẩn bị sẵn sàng các khu cách ly tập trung; tránh tình trạng, một nhà máy có dịch, dồn tất cả công nhân vào khu cách ly chưa được chuẩn bị kỹ, dẫn đến lây nhiễm chéo. Đồng thời, tránh tình trạng cực đoan, cảm thấy nguy cơ có dịch cho tạm ngừng sản xuất để công nhân trở về địa phương, rất nguy hiểm”.

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Y tế cho biết, đến nay, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn đầy đủ về việc bảo đảm an toàn dịch bệnh trong các cơ sở sản xuất nhưng các địa phương chỉ “khoán gọn” cho ngành Y tế. Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng yêu cầu, ngay trong tuần này, Bộ trưởng Bộ Công thương chủ trì, phối hợp Bộ Y tế, tổ chức tập huấn trực tuyến toàn quốc về đảm bảo an toàn trong sản xuất công nghiệp, đặc biệt trong các khu công nghiệp.

Kiểm soát được dịch bệnh trong các khu công nghiệp

Chú thích ảnh
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Theo báo cáo của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Đà Nẵng nghiêm túc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh. Đà Nẵng chỉ đạo toàn dân thực hiện nghiêm thông điệp 5K, sử dụng ứng dụng Blue-zone; cương quyết xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm; qua đó tuyên truyền, nhắc nhở, răn đe trên phạm vi toàn thành phố. Đến nay, cơ bản dịch bệnh tại Đà Nẵng kiểm soát được tình hình.

Ngày 11/5, Đà Nẵng phát hiện trường hợp mắc COVID-19 tại Công ty cổ phần Trường Minh chi nhánh Đà Nẵng, thuộc Khu công nghiệp An Đồn (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng). Xác định nguy cơ có trường hợp dương tính trong khu công nghiệp, Đà Nẵng nhanh chóng lấy mẫu trong đêm, phát hiện thêm 32 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2. “Các trường hợp này lây nhiễm rất nhanh”, ông Lê Trung Chinh cho biết.

Nhận thấy tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức họp khẩn, tiến hành công việc phòng, chống dịch bệnh trên tinh thần “huy động toàn lực thành phố, xử lý dịch bệnh tại Khu công nghiệp An Đồn và những nơi 33 trường hợp bệnh lưu trú. Cùng với đó, 660 mẫu công nhân, bảo vệ, tiểu thương… khu vực xung quanh khu công nghiệp được lấy mẫu xét nghiệp, cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Riêng các trường hợp F1, liên quan 33 trường hợp mắc COVID-19, dự kiến trong ngày hôm nay có kết quả.

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho biết, hiện nay, thành phố đã tiến hành “phong tỏa mềm”, “phong tỏa cứng” 1 số khu vực. Căn cứ vào kết quả xét nghiệm 33 trường hợp mắc COVID-19, thành phố Đà Nẵng sẽ có giải pháp phù hợp, dồn nguồn lực, vật lực để truy vết và có quyết định giãn cách phù hơp trên địa bàn. Ngoài ra, sau khi phát hiện 1 số ca khác liên quan đến ổ dịch quán bar New Phương Đông (đường Đống Đa, quận Hải Châu), Đà Nẵng đã huy động toàn lực truy vết, xét nghiệm và dự kiến, trong ngày hôm nay có kết quả.

Liên quan đến các trường hợp mắc COVID-19 trong các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Giám đốc sở Y tế tỉnh Bắc Ninh Tô Thị Mai Hoa cho biết, sau khi phát hiện trường hợp mắc COVID-19 ở Công ty TNHH Sam Sung Electronic Việt Nam, các lực lượng đã truy vết được 49 trường hợp F1 và 1.166 trường hợp F2. Bắc Ninh đã lấy mẫu xét nghiệm 1.160 mẫu các trường hợp F1, F2 và công nhân của công ty, cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.

Đối với trường hợp mắc COVID-19 tại Công ty TNHH Công nghệ Johnson Healths Việt Nam, Bắc Ninh đã truy vết, rà soát lại 27 trường hợp F1, 589 trường hợp F2; lấy 2.800 mẫu và đang chờ kết quả xét nghiệm. Cùng với đó, các lực lượng đã rà soát, truy vết được 40 trường hợp F1, 533 trường hợp F2 của mắc COVID-19 tại Công ty TNHH Canon Việt Nam; lấy 1.998 mẫu và phát hiện 2 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 trong đêm 11/5. Trong bối cảnh trên, Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh đề xuất tăng cường xét nghiệm sàng lọc bằng test nhanh tại các khu công nghiệp; đồng thời đề nghị công nhân các khu công nghiệp khi về nhà, hạn chế tiếp xúc, giao lưu với công nhân nhà máy khác, hạn chế nguy cơ lây nhiễm.

Chú thích ảnh
Các điểm cầu tham dự họp trực tuyến. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Hương Giang cho biết, từ ngày 29/4 đến 6 giờ ngày 12/5, tỉnh Bắc Ninh ghi nhận 123 trường hợp mắc COVID-19 tại 6/8 huyện, thị xã, thành phố, trong đó, tình hình dịch bệnh tại huyện Thuận Thành diễn biến căng thẳng, tập trung chủ yếu ở xã Mão Điền với 95 trường hợp mắc COVID-19. Sau khi phát hiện các trường hợp mắc COVID-19, Bắc Ninh đã nhanh chóng vào cuộc, kích hoạt hơn 24.000 Tổ an toàn COVID-19 trong cộng đồng và doanh nghiệp; thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, trong đó tập trung hỗ trợ xã Mão Điền 15.000 mẫu xét nghiệm.

Đối với các trường hợp mắc COVID-19 trong các khu công nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh khẳng định: “Với đặc thù 16 khu công nghiệp tập trung với trên 300.000 công nhân, nếu để ảnh hưởng dịch bệnh trong các khu công nghiệp sẽ rất khó khăn. Tinh thần phải cố gắng hết mức có thể để giữ được trận địa này. Hiện, Bắc Ninh kiểm soát được dịch bệnh trong các khu công nghiệp”.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị Chính phủ, các địa phương tháo gỡ khó khăn cho Bắc Ninh trong việc vận chuyển, đưa đón công nhân, chuyên gia khi đi qua các địa phương. Theo đó, các xe chỉ sử dụng 50% số ghế ngồi, mỗi xe không quá 20 người, thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh như đo thân nhiệt, khử khuẩn… Tuy nhiên, khi đi qua các địa phương, một số chốt chặn không cho xe đi qua dẫn đến xe phải đi đường vòng, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến sản xuất. Bắc Ninh đề xuất gửi danh sách các xe đi theo tuyến, gửi các tỉnh liên quan để các địa phương hỗ trợ Bắc Ninh trong việc đưa đón công nhân, chuyên gia.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn cho biết, hiện Bắc Giang có 2 ổ dịch ở xã Phương Sơn (huyện Lục Nam) và Công ty TNHH Shin young Việt Nam, Khu công nghiệp Vân Trung (huyện Việt Yên). Tính đến 7 giờ ngày 12/5, Bắc Giang có 79 trường hợp mắc COVID-19. Sau khi phát hiện ca mắc COVID-19 tại Khu công nghiệp Vân Trung, các lực lượng nhanh chóng triển khai các giải pháp cần thiết để truy vết nhanh trường hợp này. “Đây là ổ dịch rất phức tạp do công nhân tập trung đông (khoảng 90.000 người)”, ông Mai Sơn nhận định.

Đến nay, Bắc Giang đã lấy được gần 24.000 mẫu xét nghiệm của các trường hợp F1, F2, công nhân liên quan đến 75 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, liên quan đến ổ dịch này; đồng thời, phong tỏa khu có đông công nhân ở trọ (khoảng 15.000 người, trong đó, đã lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả âm tính của 4.000/8.000 mẫu, các mẫu còn lại sẽ sớm có kết quả).

Diệp Trương (TTXVN)
Ngành giao thông đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch COVID-19
Ngành giao thông đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch COVID-19

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 những ngày vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về đẩy mạnh khai báo y tế điện tử, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch; truyền thông, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành khai báo y tế điện tử thông qua mã QR Code, sử dụng một trong các phần mềm như: Tờ khai y tế, Bluzone.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN