Chiều 27/1, đoàn công tác chính phủ do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn đầu đã làm việc với UBND Thành phố Hồ Chí Minh về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2014 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2015 trên địa bàn thành phố.Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những nỗ lực của Thành phố Hồ Chí Minh trong việc quản lý, đảm bảo an toàn thực phẩm trong thời gian qua.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phương Vy-TTXVN |
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, chúng ta chưa thể hài lòng với con số người ngộ độc ít, vì hằng ngày người dân vẫn phải sử dụng một số sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn an toàn. Nếu không làm chặt chẽ ngay từ bây giờ, sau này, chúng ta lại phải tốn kém cho công tác điều trị, chăm sóc sức khỏe người dân.
Phó Thủ tướng đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh thời gian tới cần quản lý chặt chẽ nguồn thực phẩm ngay từ các chợ đầu mối và các siêu thị.
Tại 3 chợ đầu mối của thành phố, cần nhanh chóng thành lập các điểm xét nghiệm thực phẩm trước khi đưa vào lưu thông trên thị trường. Bên cạnh đó, thành phố xây dựng một lộ trình, trong đó quy định rau quả từ các tỉnh khác khi vào Thành phố Hồ Chí Minh phải giống như tiêu chuẩn xuất khẩu, nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, những quy định này không phải gây khó khăn cho nông dân, mà là bước quan trọng giúp nông dân làm quen với nếp sản xuất mới để tăng giá trị sản phẩm.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành xây dựng kế hoạch tuyên truyền lồng ghép giữa sản xuất rau an toàn với các cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới… để bà con nâng cao ý thức, trách nhiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thành phố hiện có hơn 20.000 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố với gần 24.000 người tham gia kinh doanh.
Trong năm 2014, các ngành chức năng của thành phố đã thanh tra, kiểm tra 43.137 cơ sở và 11.968 vụ, trong đó 2.647 cơ sở và 8.776 vụ vi phạm; tiến hành lấy 27.146 mẫu về nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, trong đó 23.997 mẫu đạt chuẩn quy định.
Thành phố cũng đã tổ chức vận động xã hội hóa các vật dụng, dụng cụ hỗ trợ cho các đối tượng kinh doanh thức ăn đường phố; tổ chức tập huấn và cấp giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm miễn phí cho 10.474 người kinh doanh.
Trong lĩnh vực cung ứng hàng hoá lương thực thực phẩm an toàn, có nguồn gốc, Thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết thỏa thuận hợp tác quản lý với 22 tỉnh, thành phố có nguồn nông sản thực phẩm đưa về thành phố tiêu thụ. Từ đó phối hợp kiểm soát nguồn nông sản thực phẩm hàng tháng khoảng 71.500 tấn rau, quả; 13.600 tấn thịt lợn; 4.976 tấn thịt gà; 76,9 triệu quả trứng gia cầm; 16.721 tấn thủy sản.
Theo ông Lê Thanh Liêm, các nguồn sản phẩm động vật hiện đã có giấy chứng nhận kiểm dịch đi kèm lô hàng; trong khi đó, sản phẩm thủy sản, rau, quả chưa quy định điều này. Do vậy, việc truy xuất nguồn gốc đối với các loại sản phẩm rau quả, thủy sản gặp nhiều khó khăn.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành trong đoàn công tác cũng đã trả lời một số kiến nghị, vướng mắc của thành phố trong việc quản lý an toàn thực phẩm. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho rằng, việc đảm bảo an toàn thực phẩm không chỉ “đối phó” trong dịp Tết, mà đó là công tác thường xuyên để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân.
Thành phố cần tăng cường hệ thống giám sát ở các chợ đầu mối và phân cấp việc giám sát để quản lý chặt chẽ hơn. Về giấy chứng nhận kiểm dịch theo lô hàng, thành phố cần kiến nghị với chính phủ quy định theo hướng các loại thực phẩm khi nhập vào thành phố phải có giấy chứng nhận an toàn đi kèm (như chứng nhận VietGap đối với rau quả).
Vũ Tiến Lực (TTXVN)