Hội nghị thượng định Phụ nữ toàn cầu 2023 có sự tham dự của hơn 500 đại biểu là đại diện cấp cao các nước, các tổ chức phụ nữ trên toàn cầu cùng nữ lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu thế giới.
Phát biểu chào mừng, Chủ tịch Hội nghị, Tiến sĩ Irene Natividad nhấn mạnh yêu cầu tăng cường bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ trong mọi lĩnh vực, thúc đẩy gắn kết xã hội, thúc đẩy các giải pháp về giáo dục, nâng cao năng lực số, lưu ý các xu hướng mới có tác động đến quyền năng kinh tế của phụ nữ như tài chính công nghệ, trí tuệ nhân tạo…; nhấn mạnh phụ nữ cần chủ động, đoàn kết cùng cộng đồng thích ứng với môi trường đang thay đổi.
Bộ trưởng Kinh tế, Trưởng đoàn nước chủ nhà UAE, đã nhấn mạnh vai trò, đóng góp của lực lượng các nhà khoa học nữ, các doanh nghiệp nữ, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp trong việc thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, góp phần giúp UAE đạt tăng trưởng bền vững trong tình hình nhiều biến động vài năm gần đây; khẳng định mong muốn của UAE và các nền kinh tế trong khu vực phát huy các mạng lưới doanh nghiệp nữ để tăng cường hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế.
Nguyên Bộ trưởng Du lịch và Thể thao, Trưởng đoàn Thái Lan (nước chủ nhà Hội nghị 2022) chia sẻ những đóng góp của các cơ chế, phong trào kết nối phụ nữ, trong đó có Hội nghị thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu, đối với việc nâng cao nhận thức của Chính phủ và người dân các nước đối với bình đẳng giới, phòng chống bạo lực và phân biệt đối xử dựa trên cơ sở giới và mối tương quan giữa vấn đề này với khả năng đóng góp của phụ nữ cho phát triển kinh tế, xã hội.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hoan nghênh chủ đề của hội nghị năm nay, góp phần động viên phụ nữ trên thế giới nỗ lực phát huy tiềm năng, nắm bắt xu thế, chủ động học hỏi để thành công và đóng góp cho xã hội trong bối cảnh thế giới đang trải qua biến động lớn do tác động của nhiều thách thức toàn cầu đan xen với những chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm, chuyển đổi số...
Phó Chủ tịch nước đề nghị tập trung nỗ lực, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ vươn lên phát huy khả năng và tham gia đóng góp cho xã hội, đặc biệt nhấn mạnh cần bảo đảm môi trường quốc tế hoà bình, ổn định, thuận lợi cho hợp tác và phát triển, tăng cường hợp tác đa tầng nấc giữa các quốc gia, các tổ chức và doanh nghiệp trong việc tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ. Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh phát triển giáo dục, đào tạo trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) là yếu tố nền tảng để thúc đẩy sự tham gia, đón đầu của phụ nữ trong kỷ nguyên chuyển đổi số, kinh tế tri thức; đồng thời cần lồng ghép xuyên suốt vấn đề giới và trao quyền cho phụ nữ trong xây dựng và triển khai các chính sách phát triển kinh tế, xã hội.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân chia sẻ về những nỗ lực và thành tựu quan trọng Việt Nam đã đạt được trong công tác bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, cũng như những thành quả của phụ nữ Việt Nam đã đạt được trên nhiều lĩnh vực, trong đó điển hình là tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội chiếm 30,3%; số lượng doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 29,8%, xếp thứ 6 trong số các quốc gia có tỷ lệ nữ doanh nhân cao nhất; đồng thời phụ nữ Việt Nam cũng đang có nhiều đóng góp xử lý các thách thức toàn cầu, điển hình là các nữ cán bộ, chiến sĩ Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc (LHQ). Phó Chủ tịch nước cũng khẳng định những chính sách của Việt Nam đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ trong kinh doanh, khuyến khích phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật để phát huy thế mạnh và tinh thần làm chủ của mình.
Hội nghị thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu 2023 được tổ chức trong các ngày từ 4-6/5. Đoàn Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia tích cực vào các phiên thảo luận toàn thể và chuyên đề với nhiều nội dung thiết thực về đánh giá những thách thức và xu hướng mới nổi trong các khu vực và trên toàn cầu, cũng như về bình đẳng giới trong môi trường làm việc, vai trò của phụ nữ trong ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số và bảo đảm thước đo bình đẳng giới.
Được thành lập và hoạt động từ năm 1990, Hội nghị thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu đã trở thành một diễn đàn quốc tế thường niên lớn về bình đẳng giới. Hội nghị quy tụ các chính khách và doanh nhân từ khắp mọi nơi trên thế giới đến để trao đổi và thúc đẩy các sáng kiến nhằm khuyến khích sự đóng góp và tăng cường vai trò của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế.