Thưa Ngài Prayut Chan-o-cha, Thủ tướng Thái Lan,
Thưa bà Irene Natividad, Chủ tịch Hội nghị,
Thưa toàn thể quý vị,
Tôi rất vui mừng tham dự Hội nghị Thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu năm 2022 tại đất nước Thái Lan tươi đẹp và mến khách. Trước tiên, thay mặt đoàn đại biểu Việt Nam, tôi xin gửi đến ngài Thủ tướng Thái Lan, bà Chủ tịch Hội nghị và toàn thể quý vị lời chúc hòa bình, thịnh vượng và phát triển.
Nhân đây, tôi cũng chúc mừng những nỗ lực và kết quả đạt được của Thái Lan trong lĩnh vực bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Điều này được thể hiện trong các quy định của pháp luật và cơ chế giám sát thực thi để bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ; được công nhận qua việc Công chúa Thái Lan được Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) bổ nhiệm làm Đại sứ Thiện chí tại Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, với quyết tâm và mong muốn “Nói không với bạo hành đối với phụ nữ”. Tỷ lệ phụ nữ Thái Lan làm chủ và điều hành các doanh nghiệp đạt 24%, cao hơn mức bình quân trên thế giới (20%) và ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (13%). Đây thực sự là những kết quả rất ấn tượng!
Thưa quý vị đại biểu,
Thế giới đang phải đối mặt với những bất ổn chưa từng có do tác động kép từ đại dịch COVID-19 và các cuộc khủng hoảng, xung đột gây ra. Trong đó, phụ nữ mặc dù có vị trí, vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển nhưng lại chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất. Một bộ phận không nhỏ phụ nữ bị ảnh hưởng sức khỏe, mất việc làm, giảm thu nhập, rơi vào cảnh đói nghèo, bạo lực, tụt hậu về kiến thức, kỹ năng và cơ hội hòa nhập.
Song, nếu chúng ta cùng thay đổi nhận thức và hành động thì những khó khăn, thách thức này hoàn toàn có thể được chuyển hóa thành cơ hội trong điều kiện thế giới hậu đại dịch đang chuyển mình nhanh chóng để phục hồi và vươn lên. Những xu hướng tích cực về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm, chuyển đổi số, tăng cường quan hệ đối tác công tư, bảo đảm an sinh xã hội, cải cách giáo dục… đã và đang tạo ra những cơ hội mới cho phụ nữ.
Do đó, Hội nghị lần này với chủ đề “Phụ nữ: tạo cơ hội trong thực trạng mới”có ý nghĩa rất thiết thực trong việc hoạch định và thực thi chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hậu COVID-19. Đoàn đại biểu Việt Nam lần này với sự tham gia của nhiều lãnh đạo bộ, ngành và hơn 50 doanh nghiệp chắc chắn sẽ có đóng góp tích cực vào thành công của Hội nghị. Tại phiên khai mạc này, tôi xin kiến nghị một số nội dung như sau:
Thứ nhất, tăng cường hơn nữa tiếng nói và sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan lập pháp và hành pháp, cũng như trong quá trình hoạch định, triển khai các chính sách phát triển. Xác định phụ nữ vừa là mục tiêu, vừa là động lực, vừa là chủ thể nhưng cũng đồng thời là đối tượng thụ hưởng của quá trình tạo dựng “thực trạng mới”, xây dựng nền kinh tế toàn diện, một xã hội công bằng và phát triển bền vững.
Thứ hai, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ trong bối cảnh mới. Xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích phụ nữ khởi nghiệp, tiếp cận vốn, tri thức số; trả lương công bằng và đảm bảo việc làm ổn định, phù hợp cho lao động nữ. Phát huy vai trò của các tổ chức, mạng lưới nhằm tập hợp, kết nối phụ nữ ở mọi cấp độ, để phụ nữ có thể chia sẻ kinh nghiệm, truyền cảm hứng và hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh các sáng kiến lồng ghép giới và trao quyền cho phụ nữ trong ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai và bảo đảm sinh kế bền vững. Là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, Việt Nam hiểu rõ sự cấp thiết và đã đề ra nhiều giải pháp nhằm đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường; tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu của người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái.
Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ; phát huy tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của phụ nữ; tận dụng tốt các cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, tiếp cận với tri thức tiên tiến và ứng dụng số để phụ nữ có thể thích ứng với những xu thế lớn của thời đại. Ngay từ bây giờ, phải có chiến lược giáo dục đào tạo đối với trẻ em gái để các em trở thành nguồn nhân lực ưu tú cho tương lai.
Thưa quý vị đại biểu,
Chính sách nhất quán và xuyên suốt của Nhà nước Việt Nam là thúc đẩy bình đẳng giới theo từng giai đoạn phát triển đất nước. Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, nhằm tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng thành tựu trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Hiện nay, phụ nữ Việt Nam chiếm hơn 50% dân số và gần 48% lực lượng lao động xã hội; phụ nữ ngày càng có vị thế và đóng góp nổi bật trong mọi mặt của đời sống xã hội. Trong lĩnh vực chính trị, hơn 30% đại biểu Quốc hội là nữ giới, cao hơn mức bình quân của khu vực; tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt 50%. Trong lĩnh vực kinh tế, tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 29,8%, xếp thứ 6 trong số các quốc gia có tỷ lệ nữ doanh nhân cao nhất. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được tổ chức từ Trung ương đến địa phương, giữ vai trò quan trọng trong việc tập hợp và đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ; mục tiêu cao nhất của Hội là phấn đấu vì sự phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới.
Việt Nam luôn nỗ lực để đạt được hình ảnh một quốc gia tích cực, chủ động, dẫn dắt trong các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; đã đề xuất, chủ trì xây dựng nhiều sáng kiến về bình đẳng giới như Nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền LHQ về Biến đổi khí hậu và quyền của phụ nữ (năm 2018); Nghị quyết 1889 của Hội đồng Bảo an LHQ về vai trò của phụ nữ trong tái thiết hậu xung đột (năm 2009). Một trong những hành động cụ thể là: Việt Nam đã cử các nữ sĩ quan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi, luôn ở tỷ lệ cao hơn mức khuyến khích của LHQ. Đội nữ rà phá bom mìn của tỉnh Quảng Trị ở miền Trung Việt Nam nhiều năm qua đã vượt bao khó khăn, hiểm nguy để trả lại an toàn cho các vùng đất từng một thời bị ô nhiễm bom mìn nặng nề.
Những nỗ lực bền bỉ đó đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia rút ngắn khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua, là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất Mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ. Hiện Việt Nam cũng đang nỗ lực thực hiện Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững 2030, trong đó có các mục tiêu về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.
Gần đây, trước tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, Việt Nam đã liên tục ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn với nhiều đột phá về thể chế đối với cả nhóm đối tượng và quy trình thực hiện, trong đó ưu tiên cho phụ nữ và trẻ em gái. Đến thời điểm hiện tại, đã ban hành 3 gói hỗ trợ với tổng trị giá khoảng 5,5 tỷ USD.
Để góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn tiếp theo, Việt Nam đang tập trung triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nhiều chính sách ưu tiên, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái về sức khỏe, học tập, việc làm, thu nhập, phòng chống bạo lực. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang tích cực hoàn thiện chính sách, pháp luật để tạo thuận lợi hơn nữa cho phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, khuyến khích sự tham gia của phụ nữ vào các lĩnh vực tạo ra giá trị gia tăng cao như như khoa học - công nghệ, kỹ thuật, nông nghiệp chất lượng cao… bằng nhiều giải pháp hữu hiệu.
Tại Hội nghị năm nay, chúng tôi rất mong được lắng nghe chia sẻ những kinh nghiệm hay, các câu chuyện truyền cảm hứng tại các quốc gia, để chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau, lan tỏa nhiều năng lượng tích cực và những bài học thành công vì cộng đồng.
Cuối cùng, xin cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của Chính phủ và nhân dân Thái Lan. Cảm ơn bà Chủ tịch Hội nghị luôn dành những tình cảm tốt đẹp và tạo cơ hội cho đoàn Việt Nam tham dự hội nghị và phát biểu tại phiên khai mạc quan trọng này.
Chúc hội nghị thành công tốt đẹp.