Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; lãnh đạo tỉnh Nam Định; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cùng trên 350 điển hình tiên tiến tham dự Đại hội.
Kết quả nổi bật
Báo cáo tại Đại hội, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định Ngô Gia Tự cho biết, trong 5 năm qua, phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn đã đạt được kết quả nổi bật ở tất cả các lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục, quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương. Tổng sản phẩm GRDP trong tỉnh (theo giá so sánh năm 2010) tăng bình quân 7,9%/năm. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm còn 17,9%; lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm hơn 82% (tăng hơn 6% so với năm 2015).
GRDP bình quân đầu người của tỉnh gấp khoảng 2 lần; tổng giá trị sản xuất công nghiệp gấp 1,8 lần; thu ngân sách gấp 2,1 lần lần so với năm 2015. Công tác huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội có sự chuyển dịch mạnh theo hướng xã hội hóa. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh trong 5 năm qua ước đạt 175 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 17,4%/năm; trong đó, vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước chiếm 16%, tăng bình quân 3,3%/năm; vốn đầu tư của dân cư và doanh nghiệp tư nhân chiếm 70%, tăng bình quân 23%/năm.
Nhiều công trình, dự án trọng điểm của tỉnh đã và đang hoàn thành, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư. Đặc biệt, Nam Định đã trở thành tỉnh nông thôn mới sớm hơn 1,5 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, là một trong hai tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn Nam Định năm 2019 đạt gần 50 triệu đồng/người, cao gấp nhiều lần so với trước khi xây dựng nông thôn mới.
Nam Định tự hào là địa phương 25 năm liên tục giữ vị trí dẫn đầu toàn quốc về chất lượng giáo dục đào tạo. Nhiều năm qua, tỷ lệ học sinh Nam Định đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế trong tốp đầu cả nước...
Qua phong trào thi đua yêu nước tại tỉnh Nam Định đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân xuất sắc. Điển hình như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cường Tân (huyện Trực Ninh) với mô hình tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất lúa gạo với 68 hộ dân, quy mô 450 ha tại các huyện: Trực Ninh, Xuân Trường, Nghĩa Hưng. Bên cạnh tạo việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn, thu nhập từ 120.000 - 200.000 đồng/người/ngày, doanh nghiệp này còn sản xuất giống lúa chất lượng cung ứng cho nhân dân trên địa bàn, giúp chủ động nguồn giống sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.
Trong số các điển hình tiêu biểu của phong trào thi đua yêu nước tỉnh Nam Định giai đoạn 2015 - 2020 có nhiều trường hợp là lao động trực tiếp sản xuất, có nhiều đóng góp cho cộng đồng, xã hội. Ông Triệu Đình Hợi, xã Hợp Hưng, huyện Vụ Bản là một điển hình nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau làm kinh tế, giảm nghèo bền vững tỉnh Nam Định. Năm 2009, gia đình ông Hợi thuê lại 16.380 m2 đất công ích của xã, đầu tư xây dựng trại nuôi thỏ New Zealand. Với 150 con thỏ bố mẹ ban đầu, đến nay, gia đình ông đã nhân lên trên 10.000 con thỏ. Hàng tháng, ông xuất bán cho Công ty Nippong Zooki từ 1.800 - 2.000 con thỏ thương phẩm, mang lại thu nhập trên 1,2 tỷ đồng/năm. Ông Hợi còn hướng dẫn, hỗ trợ con giống, vốn, kinh nghiệm làm ăn cho 10 hộ dân trong xã cùng phát triển chăn nuôi thỏ tại địa phương.
Hướng đến hiệu quả thiết thực
Phát biểu tại Đại hội, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chúc mừng thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định; đánh giá cao những kết quả, thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước của tỉnh những năm qua.
Phân tích những khó khăn, thách thức trong thời kỳ mới và chỉ rõ những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đến mọi mặt của đời sống xã hội, Phó Chủ tịch nước lưu ý, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp tỉnh Nam Định cần tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả hơn nữa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thi đua, khen thưởng, gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có tư tưởng thi đua yêu nước và tấm gương thi đua mẫu mực của Bác Hồ.
Thời gian tới, Nam Định tập trung triển khai sâu rộng các phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, hiếu học và sức mạnh đại đoàn kết, huy động hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực về con người để phát triển nhanh, bứt phá hơn nữa trên các lĩnh vực.
Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thu hút đầu tư các dự án lớn, công nghệ cao; chú trọng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu; phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa, xã hội. Tỉnh không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, phấn đấu sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa Nam Định trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước...
Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, công tác thi đua khen thưởng phải bảo đảm chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch. Việc phát hiện, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để khen thưởng phải có tính nêu gương thực sự. Các địa phương, đơn vị chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, doanh nghiệp, doanh nhân, học sinh, sinh viên...
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị, phong trào thi đua yêu nước của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 đặt mục tiêu đạt hiệu quả thiết thực, phù hợp với từng địa phương, đơn vị, từng phần việc, nhiệm vụ của mỗi người nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Nam Định phấn đấu đến năm 2025, tổng sản phẩm GRDP (giá so sánh 2020) tăng bình quân 8,5 - 9,5%/năm; thu nhập bình quân đầu người trên 100 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%. Tỷ lệ hộ nghèo không thuộc chính sách bảo trợ xã hội giảm xuống dưới 0,15% (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025). Tỉnh có 50% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; Hải Hậu được công nhận huyện nông thôn mới kiểu mẫu...
Để đưa Nam Định trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đề nghị, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân trong tỉnh thực hiện tốt 4 phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động gồm: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” với mục tiêu cụ thể, thiết thực, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và điều kiện thực tiễn địa phương.
Các huyện, thành phố, sở, ban, ngành, đoàn thể cần cụ thể hóa nội dung, tiêu chí thi đua phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đối tượng và tình hình thực tế. Cán bộ đảng viên, công nhân viên chức người lao động gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thi đua, vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao...
Tại Đại hội, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì những thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ năm 2019. 10 tập thể thuộc tỉnh Nam Định được nhận Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước tỉnh Nam Định năm 2019.
Dịp này, 5 tập thể, 10 cá nhân của tỉnh Nam Định có nhiều thành tích trong sản xuất kinh doanh, khuyến học khuyến tài, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định đã được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.