Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, công tác này đã có sự đổi mới cả về hình thức và nội dung, từ đó nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của cán bộ, nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội, chung tay góp sức khắc phục khó khăn, vượt qua đại dịch.
Đa dạng hóa cách tiếp cận
Ngay từ đầu năm, trước tình hình dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố Hà Nội đã kịp thời ban hành Kế hoạch đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xử lý vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Trong đó đã tổng hợp các mức xử phạt đối với 15 hành vi, nhóm hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống dịch hay xảy ra, gây bức xúc trong dư luận để các cơ quan, tổ chức, người dân tiện theo dõi.
Cùng với đó, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố đã giao Sở Tư pháp chỉ đạo cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền các quy định pháp luật về phòng, chống dịch qua hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở; tiếp tục triển khai mô hình “Cầu thang pháp luật” qua thiết bị điện tử lắp đặt tại thang máy trong các tòa nhà chung cư; tuyên truyền thông điệp 5K và khuyến cáo công tác phòng, chống dịch của Bộ Y tế tại hơn 6.300 màn hình điện tử tại các khu chung cư, tòa nhà văn phòng trên địa bàn.
Một trong những điểm nhấn trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố đó là việc thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Điển hình là cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật trong phòng, chống dịch COVID-19”, nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, nhân dân với hơn 400.000 người dự thi. Mới đây nhất, thành phố đã tổ chức các đoàn xe tuyên truyền, gồm 5 xe mô hình được trang trí panô, áp phích và gắn hệ thống loa phát thanh tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19, tỏa đi các khu vực trung tâm thành phố và các quận, huyện, thị xã. Mô hình này nhằm tuyên truyền để người dân nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội về giãn cách xã hội, những điểm lưu ý cần thực hiện và công bố đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của người dân về những sai phạm trong công tác phòng, chống dịch, việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch trong cộng đồng…
Bên cạnh đó, các quận, huyện, thị xã cũng triển khai nhiều hình thức tuyên truyền; nổi bật là việc tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, các diễn đàn, trang thông tin, facebook, nhóm zalo của cơ quan, đơn vị; tuyên truyền qua các cuộc thi, các buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ quần chúng; qua phát hành tài liệu, tờ rơi, tờ gấp, băng rôn, áp phích; đồng thời tuyên truyền qua các hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, Tủ sách pháp luật, hoạt động hòa giải cơ sở, kết hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng…
Tại tỉnh Vĩnh Phúc, đầu tháng 5/2021, Sở Tư pháp đã tham mưu cho Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh ban hành công văn hướng dẫn tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19. Các cấp, các ngành áp dụng linh hoạt các hình thức phù hợp với diễn biến của thực tiễn, phát huy thế mạnh của các hình thức tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như: Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh, Trang thông tin điện tử các ngành, hệ thống loa truyền thanh cơ sở...
Nhận thấy thế mạnh của ứng dụng công nghệ thông tin trong bối cảnh dịch bệnh, Sở Tư pháp đã tham mưu cho Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn trực tuyến pháp luật về phòng, chống dịch COVID-19 cho gần 300 đại biểu. Nội dung tập huấn tập trung vào những quy định, hướng dẫn về khai báo y tế; cách ly y tế; xét nghiệm y tế, quản lý người sau cách ly, xử trí khi có ca mắc COVID-19; quy định về phòng, chống dịch và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động; các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong điều kiện mới...
Có thể nói, việc đa dạng, linh hoạt các hình thức tuyên truyền pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 đã giúp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân nhận thức đúng về tình hình, tính chất nguy hiểm và tác hại của dịch bệnh, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân, góp phần thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Đột phá từ chuyển đổi số
Trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện giãn cách xã hội, ngành Tư pháp đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, định hướng chuyển đổi số đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên toàn quốc, nhờ đó đã cải thiện điều kiện tiếp cận, bảo đảm tính chính xác, đầy đủ thông tin pháp luật. Các cuộc thi trực tuyến về kiến thức pháp luật với quy mô toàn quốc như Pháp luật học đường, Pháp luật với mọi người… đã thu hút hàng triệu lượt người tham gia, tạo những sân chơi tìm hiểu pháp luật thực sự bổ ích, hiệu quả.
Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Phan Hồng Nguyên nhấn mạnh, chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là tất yếu, là một trong những giải pháp căn cơ, có tính đột phá để thay đổi tổng thể diện mạo, cách thức phổ biến giáo dục pháp luật, tạo điều kiện cho người dân tự học tập, tìm hiểu pháp luật, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân. Từ đó, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật không bị giới hạn về không gian, tạo sự lan tỏa rộng lớn và nhanh chóng các thông tin pháp luật chính thống; nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước; giúp người dân dễ dàng, thuận lợi trong khai thác, sử dụng pháp luật để bảo vệ, thực thi các quyền, nghĩa vụ pháp lý.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, chuyển đổi số trong phổ biến, giáo dục pháp luật là cách tiếp cận mới và chính sự phát triển nhanh của công nghệ số đã cho phép người dân, doanh nghiệp cùng tham gia vào ngay từ đầu trong quá trình xây dựng văn bản. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian tới phải đảm bảo sự đổi mới nhằm thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số trong công tác này là tất yếu, một trong những giải pháp căn cơ, có tính đột phá, từ đó thay đổi tổng thể, toàn diện cách thức phổ biến, giáo dục pháp luật dựa trên sự phát triển của các công nghệ số, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân.
Để chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật khả thi, hiệu quả, thiết thực, nhiều ý kiến cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, công nghệ số phù hợp; xây dựng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương chủ trì xây dựng dữ liệu câu hỏi và trả lời về pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình và tích hợp chung vào cơ sở dữ liệu chung của cả nước do Bộ Tư pháp quản lý để chia sẻ, dùng chung, phục vụ việc tìm hiểu pháp luật của người dân, doanh nghiệp.