Phát triển Ninh Thuận trở thành tỉnh có nền kinh tế xanh, sạch, năng lượng tái tạo

Nhân dịp Xuân mới Nhâm Dần 2022, phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Nam - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận về những tiềm năng, lợi thế phát triển của địa phương.

Chú thích ảnh
Ông Trần Quốc Nam - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận.

Để nâng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tạo thế cạnh tranh và bức phá, tỉnh Ninh Thuận đã có những giải pháp gì thưa ông?

Năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, tỉnh Ninh Thuận đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả 128 chỉ tiêu của 10 chỉ số thành phần. Mục tiêu cơ bản nhất là phải cải thiện điểm số của từng chỉ số thành phần cụ thể; tập trung cải thiện mạnh các chỉ số thành phần giảm điểm, giảm thứ hạng hoặc điểm số còn thấp như: tính minh bạch, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động và các chỉ số có yếu tố quyết định đến vị trí xếp hạng.

Tỉnh yêu cầu các sở, ngành, chính quyền địa phương khẩn trương xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai chương trình hành động nâng cao chỉ số PCI. Giải pháp xuyên suốt là tăng cường gặp gỡ, đồng hành, đối thoại rộng mở với doanh nghiệp, doanh nhân… để nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh; qua đó tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để khai thông lực cản; đồng thời, có giải pháp hỗ trợ kịp thời để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công; triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư kinh doanh một cách thuận lợi, tiết kiệm tối đa chi phí và thời gian.

Chất lượng hoạt động của Cổng thông tin điện tử tỉnh, Trang thông tin điện tử được nâng cao theo hướng minh bạch, tạo thuận lợi để các doanh nghiệp, doanh nhân tiếp cận, nắm bắt nhanh chóng các tài liệu có liên quan đến cơ chế, chính sách thu hút đầu tư. Cụ thể như vấn đề quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, kế hoạch phát triển của tỉnh, dự án đầu tư công, danh mục dự án kêu gọi đầu tư, thông tin đấu thầu..., tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong tiếp cận thông tin, tìm hiểu cơ hội đầu tư.

Ngoài ra, Ninh Thuận sẽ hỗ trợ, xây dựng chương trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp, ứng dụng giao dịch thương mại điện tử để ứng phó kịp thời với đại dịch COVID-19; đẩy mạnh triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục triển khai khảo sát và công bố bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương thuộc tỉnh; qua đó, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế tạo đột phá nâng cao chỉ số PCI trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Ninh Thuận có nhiều tiềm năng, thế mạnh; đặc biệt là năng lượng tái tạo và phát triển du lịch cũng như nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vậy tỉnh đã phát huy lợi thế này ra sao, thưa ông?

Chúng tôi đã định hướng chiến lược phát triển Ninh Thuận trong những năm tới là phát triển một nền kinh tế xanh, sạch, tập trung phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, cũng như điện khí để trở thành một trong những trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung xây dựng ngành du lịch độc đáo, đặc thù và đẳng cấp cũng như phát triển nông nghiệp công nghệ cao bằng những sản phẩm đa dạng và có sức cạnh tranh để đưa Ninh Thuận trở thành tỉnh “xanh - sạch” trong giai đoạn tới. Ninh Thuận mong muốn xây dựng thành trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch của cả nước nên rất cần thêm sự quan tâm của Chính phủ bổ sung quy hoạch điện VIII cho tỉnh công suất 4.600M điện khí LNG Cà Ná...

Thời gian tới, chúng tôi mong muốn Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ cho Ninh Thuận sơ kết đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết 31 khi dừng 2 nhà máy điện hạt nhân cũng như 3 năm thực hiện Nghị quyết 115 của Chính phủ. Bên cạnh đó, Ninh Thuận mong muốn Trung ương hỗ trợ địa phương trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và có những cơ chế, chính sách đặc thù cho Ninh Thuận để địa phương vươn lên thoát khỏi tỉnh khó khăn, trở thành tỉnh khá của khu vực trong những năm tới.

Chú thích ảnh
Dự án điện gió và điện mặt trời tại xã Lợi Hải và Bắc Phong (Thuận Bắc) được triển khai nhanh nhờ sự hỗ trợ lớn của tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Minh Hưng/TTXVN

Để triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 1 từ năm 2021 – 2025, trong thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận đề ra những giải pháp cụ thể như thế nào, thưa ông?

Ninh Thuận là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, thường xuyên xảy ra thiên tai, hạn hán; nguồn thu ngân sách chưa đáp ứng nhu cầu chi, nguồn lực đầu tư cho phát triển còn nhiều hạn chế, chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của ngân sách Trung ương. Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn và toàn diện đến kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm đến vùng DTTS và miền núi. Đây là công tác xuyên suốt nhiều giai đoạn mà từ Trung ương đến các địa phương đều dành sự quan tâm đặc biệt cho bà con, để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi một cách bền vững.

Tôi tin tưởng rằng, Quyết định 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là cơ sở quan trọng để Ninh Thuận tiếp tục hỗ trợ đầu tư về cơ sở hạ tầng, đầu tư về nguồn nhân lực cho bà con DTTS và miền núi tiếp tục thoát khỏi khó khăn, vươn lên trong cuộc sống và phát triển bền vững. Mỗi vùng đồng bào DTTS đều có đặc thù riêng, mỗi vùng DTTS phát triển, thì cả đất nước sẽ phát triển vững bền trong tương lai.

Tỉnh Ninh Thuận đã có kế hoạch rất chi tiết, đã chuẩn bị sẵn sàng để triển khai thực hiện Chương trình. Không chỉ riêng Ninh Thuận, mà vùng DTTS của cả nước đều mong đợi việc này, sẵn sàng với tinh thần trách nhiệm nhất, quyết tâm nhất, mang lại hiệu quả cao nhất cho nhân dân. Chúng tôi đặt mục tiêu cụ thể về giảm tỷ lệ hộ nghèo cao hơn mục tiêu Chính phủ đề ra. Cụ thể, Ninh Thuận đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 1,5 - 2%/năm.

Ngoài ra, Ninh Thuận sẽ bổ sung nguồn lực của địa phương ưu tiên cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Chú trọng việc lồng ghép các nguồn lực đầu tư tổng hợp, tránh chồng chéo, phát huy hiệu quả nhất nguồn lực đầu tư. Ưu tiên đầu tư cho khu vực miền núi, chăm lo nâng cao đời sống của người DTTS, không để ai bị bỏ lại phía sau là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.

Tỉnh Ninh Thuận cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi một cách bền vững. Trọng tâm của tỉnh là phát triển đồng bộ hệ thống kết nối hạ tầng KT-XH, nhất là hạ tầng nông thôn và liên kết vùng; hỗ trợ sản xuất gắn với giải quyết việc làm; hỗ trợ đa dạng các hình thức sinh kế phù hợp với từng địa bàn, từng nhóm dân tộc; tạo điều kiện cho các hộ đồng bào DTTS, người nghèo tiếp cận các chính sách, nguồn lực, thị trường để phát triển kinh tế…

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Viết Tôn/Báo Tin tức (thực hiện)
Ninh Thuận phát triển 'lá chắn xanh' rừng phòng hộ ven biển
Ninh Thuận phát triển 'lá chắn xanh' rừng phòng hộ ven biển

Tỉnh Ninh Thuận tập trung quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển nhằm tạo “lá chắn xanh” ứng phó với biến đổi khí hậu, giữ gìn đa dạng sinh học; qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN