Tại buổi làm việc, bà Huỳnh Thị Hằng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước, cho biết: Tỉnh hiện có 747 tổ chức cơ sở đảng và trên39.000 đảng viên. Tháng 12/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước ban hành kế hoạch “Xây dựng và thực hiện sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Bình Phước”, hiện đang triển khai thí điểm tại 3/21 đảng bộ trực thuộc. Việc sử dụng App Sổ tay đảng viên điện tử đã góp phần phục vụ tốt công tác nắm bắt dư luận xã hội và cung cấp thông tin về tình hình quốc tế, trong nước, trong tỉnh; cung cấp tài liệu sinh hoạt định kỳ…
Công tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại được đẩy mạnh; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; tình hình an ninh trên tuyến biên giới được giữ vững ổn định. Đặc biệt, mô hình xây dựng điểm dân cư liền kề, chốt dân quân biên giới, đồn, trạm biên phòng được Bộ Quốc phòng đánh giá cao.
Về tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh Bình Phước có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân nửa đầu nhiệm kỳ đạt 7,92%. Bình Phước đã hoàn thành công tác lập quy hoạch của tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bình Phước đã thu hút được 110 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn 1,27 tỷ USD; lũy kế đến nay tỉnh có 378 dự án FDI, với tổng vốn hơn 4 tỷ USD. Riêng 7 tháng năm 2023, tốc độ tăng trưởng của Bình Phước đạt 7,27%, tăng cao nhất vùng Đông Nam Bộ và đứng thứ 14 so với cả nước.
Tuy nhiên, hiện Bình Phước còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 - 2023 tuy đạt khá (7,92%), nhưng thấp hơn mục tiêu Nghị quyết đề ra. Tiến độ triển khai các dự án trọng điểm và giải ngân vốn đầu tư công hàng năm chậm. Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là hạ tầng giao thông kết nối liên vùng. Đời sống văn hóa tinh thần của một bộ phận người dân vẫn còn gặp khó khăn. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, song chưa có giải pháp hiệu quả để tháo gỡ...
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh cho hay, hiện Bình Phước là một trong 3 tỉnh trên cả nước chưa có trường đại học; đồng thời kiến nghị Trung ương quan tâm, ủng hộ tỉnh và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh mở phân hiệu tại Bình Phước, góp phần đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương.
Theo báo cáo của Tỉnh ủy Bình Phước, thực hiện chủ trương ổn định dân cư biên giới, tỉnh đã xây dựng được 11 điểm dân cư với tổng số 152 căn nhà. Trong đó, điểm dân cư ít nhất là 5 căn nhà, điểm nhiều nhất là 51 căn nhà và 1 nhà văn hóa. Lộ trình đến năm 2025, tỉnh sẽ xây dựng 500 căn nhà tại các điểm dân cư biên giới. Người dân tại các điểm dân cư biên giới mong muốn được giao đất ở ổn định, lâu dài. Bình Phước đã kiến nghị Chính phủ về vấn đề này và mong muốn Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương quan tâm, có ý kiến với Chính phủ về vấn đề trên.
Đồng thời, Tỉnh ủy Bình Phước cũng đề nghị các cơ quan chức năng xây dựng và ban hành quy định về việc bảo vệ cán bộ, đảng viên khi tham gia đấu tranh, phản bác thông tin sai trái, thù địch trên không gian mạng theo tinh thần Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII và có chính sách cho đội ngũ cán bộ làm công tác này.
Phát biểu kết luận, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa biểu dương, đánh giá cao những kết quả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Phước đạt được trong thời gian qua. Trong đó, tốc độ tăng trưởng của Bình Phước 7 tháng năm 2023 đạt 7,27%, đứng đầu Đông Nam Bộ và xếp thứ 14 cả nước.
Ghi nhận những ý kiến kiến nghị của Bình Phước, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết sẽ có ý kiến với các đơn vị liên quan để cùng thống nhất và có phương án tháo gỡ.
Trong bối cảnh chung còn nhiều khó khăn thời gian tới, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tin tưởng tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn để đưa kinh tế - xã hội địa phương phát triển nhanh, bền vững, trong đó lưu ý Bình Phước phát triển kinh tế phải luôn gắn với công tác an sinh xã hội, quan tâm chăm lo đời sống của người dân, đặc biệt là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, Bình Phước cần làm tốt hơn nữa vấn đề quy hoạch, giữ gìn phát huy bản sắc đồng bào các dân tộc thiểu số; xây dựng, phát triển đường biên giới hòa bình, hữu nghị để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Đối với vấn đề phát triển giáo dục đào tạo của địa phương, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đồng tình đối với những trăn trở của tỉnh, trong đó nhấn mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực cần phải gắn với giải quyết việc làm; có các chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực, nghiên cứu và có chế tài đối với nguồn nhân lực được đưa đi đào tạo và cam kết quay trở lại phục vụ địa phương; gắn đào tạo đại học đi đôi với đào tạo nghề…