Ghi nhận, đánh giá cao những kết quả ngành đã đạt được trong những tháng đầu năm, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đề nghị 6 tháng cuối năm, các đơn vị, địa phương cần tập trung cho công tác xây dựng thể chế, phấn đấu hoàn thành 100% chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương cần nâng cao năng lực dự báo cung - cầu lao động; phát triển hệ thống thông tin thông tin thị trường lao động, sớm hoàn thành việc tích hợp cơ sở dữ liệu lao động - việc làm với cơ sở dữ liệu dân cư; tăng cường kết nối, điều tiết cung - cầu lao động nhằm huy động, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, ngành tiếp tục thực hiện tốt các chính sách, đặc biệt là chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ, người yếu thế; không để xảy ra tiêu cực trong quá trình thực hiện chính sách. Các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công và ba chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023; đặc biệt chú trọng chương trình giảm nghèo và chương trình dành cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị ngành Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số toàn diện lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, đáp ứng yêu cầu quản lý của ngành. Ngành kiện toàn tổ chức bộ máy, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và đề cao trách nhiệm người đứng đầu.
Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; kịp thời xử lý, phản ứng chính sách; vừa thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, vừa chú trọng xử lý những tồn đọng, những vấn đề mới phát sinh.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, thị trường lao động tương đối ổn định, các chỉ số thị trường lao động vẫn có sự tăng trưởng nhẹ. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,3 triệu người, tăng 867 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 67,5%. Lao động có việc làm đạt hơn 51 triệu người, tăng 902 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, các doanh nghiệp thiếu vốn, cắt giảm đơn hàng, làm gia tăng số lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo ngành nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, kịp thời có những giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; đẩy mạnh giải ngân vốn cho vay giải quyết việc làm...
Các địa phương tăng cường tổ chức thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách trợ cấp thường xuyên cho hơn 1,1 triệu đối tượng với kinh phí 6 tháng đầu năm khoảng 14.000 tỷ đồng. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, huy động nguồn lực xã hội chăm lo đời sống người có công với cách mạng được đẩy mạnh. Đời sống người có công và thân nhân người có công không ngừng được cải thiện, nâng cao hơn.
Bên cạnh đó, ngành tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đã phân bổ từ ngân sách Trung ương đạt 12.692 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 902 tỷ đồng. Ngân sách Trung ương bố trí trên 20.000 tỷ đồng để thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách dạy nghề, hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, hỗ trợ tiền điện, chính sách trợ giúp pháp lý.