Giải quyết tốt vấn đề bảo hiểm xã hội
Bảo đảm an sinh xã hội là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, khi tham gia vào quan hệ lao động, người sử dụng lao động và người lao động, theo các trường hợp luật định, phải cùng nhau có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Trường hợp các bên không thực hiện nghĩa vụ của mình sẽ bị áp dụng các trách nhiệm pháp lý, trong đó có trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, không phải lúc nào chủ doanh nghiệp cũng thực hiện đúng trách nhiệm của mình.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex nợ lương từ tháng 1/2017 và nợ bảo hiểm xã hội từ tháng 7/2011 của toàn bộ gần 500 công nhân. Tính đến trước tháng 3/2023, số tiền công ty này nợ bảo hiểm xã hội của người lao động là hơn 15 tỷ đồng. Ròng rã 6 năm, người lao động đi tìm gặp các lãnh đạo công ty qua các thời kỳ trước và sau khi cổ phần hóa nhưng câu trả lời mà người lao động nhận được là: “Doanh nghiệp khó khăn, chưa có tiền chi trả cho người lao động”.
Sau khi dư luận lên tiếng, với sự vào cuộc tích cực của tổ chức Công đoàn, các cơ quan chức năng và báo chí, đến thời điểm hiện tại, Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex đã trả hết số tiền hơn 15 tỷ đồng nợ đọng bảo hiểm xã hội của người lao động.
Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, tình trạng nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội đang diễn ra phức tạp, gây nhiều hệ luỵ, ảnh hưởng quyền lợi trước mắt, trực tiếp của người lao động, ảnh hưởng đến quyền lợi an sinh xã hội lâu dài, ảnh hưởng đến niềm tin của người lao động vào hệ thống bảo hiểm xã hội.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, nhiều doanh nghiệp giữ bảo hiểm xã hội để lấy tiền đó kinh doanh, thay vào việc đi vay ngân hàng. Lợi thế này không phải là lợi thế pháp luật cho phép, mà vi phạm đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Không chỉ vậy, tình trạng này còn gây ra sự bất công, không công bằng giữa các doanh nghiệp. Mặc dù, hệ thống pháp luật đã xác định hành lang pháp lý để giải quyết nợ, trốn đóng nhưng còn nhiều bất cập, xa thực tế, thiếu thống nhất, dẫn đến thiếu tính khả thi, khiến tình trạng nợ bảo hiểm xã hội gia tăng và diễn biến phức tạp.
Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Quang Dũng cho biết, đã có nhiều vi phạm, tội phạm phát sinh trong lĩnh vực bảo hiểm nói chung, đặc biệt là bảo hiểm xã hội vì động cơ vụ lợi, với số tiền vi phạm như trốn đóng, chậm đóng, chiếm đoạt… lên đến hàng trăm tỉ đồng, gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của nhân dân. Đặc biệt, việc trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các doanh nghiệp, tổ chức xã hội đã tác động, ảnh hưởng đến số lượng lớn người lao động, gây thất thu đối với Quỹ bảo hiểm, khiến an sinh xã hội không được bảo đảm, tác động đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Hoàn thiện những quy định về pháp luật
Thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, từ tháng 1 đến hết tháng 11 năm 2022 , cả nước đã có 144 cuộc ngừng việc tập thể tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, tăng hơn so với các năm trước. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng tới cả nền kinh tế quốc gia. Những thách thức nói trên đặt ra yêu cầu cần phải có những biện pháp, giải pháp kịp thời nhằm giải quyết những khó khăn trước mắt của người lao động bị mất việc làm, bảo đảm quyền an sinh xã hội cho họ và đề ra những giải pháp dài hạn cho tương lai.
Ông Phan Nghiêm Long (Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do chủ sử dụng lao động chưa tuân thủ pháp luật; cơ quan quản lý tại địa phương chưa nghiêm trong xử lý…
Để khắc phục tình trạng trốn, chậm đóng bảo hiểm xã hội, ông Phan Nghiêm Long đề nghị bổ sung quy định của pháp luật đối với cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm xác định, khai thác và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội. Nhằm tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật và sự tuân thủ pháp luật của người sử dụng lao động, ông đề nghị có thể cân nhắc bổ sung quy định của pháp luật về việc cơ quan bảo hiểm xã hội có quyền khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động như Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 có quy định.
Ông Dương Văn Hào, Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) cho biết, Cơ quan Bảo hiểm Xã hội có hai nhiệm vụ cơ bản là tổ chức thực hiện chính sách và đề xuất với cơ quan có thẩm quyền để thực hiện chính sách. Với chức năng nhiệm vụ của mình, cơ quan Bảo hiểm Xã hội đã triển khai nhiều giải pháp: cử cán bộ thường xuyên nắm bắt tình hình của doanh nghiệp để đôn đốc số nợ đọng bảo hiểm xã hội, gửi thông báo kết quả đóng bảo hiểm xã hội về chủ doanh nghiệp. Đặc biệt ngành Bảo hiểm đã triển khai sử dụng bảo hiểm xã hội số, tỷ lệ người lao động được cài đặt VSSID hơn 90%. Hiện nay, người lao động có thể kiểm tra quá trình đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế,...
Để hạn chế tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, bên cạnh khởi kiện hình sự, cơ quan Bảo hiểm Xã hội đề xuất với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cấm xuất cảnh với chủ nợ từ 12 tháng trở lên; đồng thời không vinh danh, không khen thưởng đối với các doanh nghiệp nợ bảo hiểm...
Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Quang Dũng cho rằng, trong doanh nghiệp cần thiết có một cơ quan đại diện để đứng ra khởi kiện; đồng thời đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cơ quan cao nhất đại diện cho người lao động có ý kiến với Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền tích cực đẩy mạnh việc này.
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, chức năng khởi kiện ra tòa đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động được chuyển giao cho tổ chức Công đoàn. Những năm qua, tổ chức Công đoàn đã gửi hàng nghìn hồ sơ doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội sang Tòa án các cấp đề nghị khởi kiện. Kết quả vẫn chưa được như mong muốn nhưng đã đóng góp phần nào bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cần thiết chế hành lang pháp lý để giải quyết tình trạng nợ bảo hiểm xã hội hiện tại; đồng thời đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quan tâm, có tiếng nói trong quá trình xây dựng pháp luật, kể cả ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng, các cơ quan thanh tra lao động và chính quyền địa phương cần đề cao trách nhiệm quản lý hoạt động sử dụng lao động; tiếp tục tăng cường sự tham gia tuyên truyền, hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi của người lao động; hoàn thiện quy định pháp luật, đặc biệt là cơ chế bảo vệ quyền lợi của người lao động bị nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đem lại sự công bằng trong mối quan hệ lao động, từ đó đảm bảo tốt vấn đề an sinh xã hội.