Tại Lễ kỷ niệm, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam ghi nhận, chúc mừng, đánh giá cao những thành tích, đóng góp quan trọng của Báo Lai Châu thời gian qua, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của hệ thống báo Đảng cả nước.
Ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh, Báo Lai Châu cần tiếp tục đổi mới trong xu thế phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số; nâng cao chất lượng tác phẩm, hình thức các ấn phẩm, phát triển theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, truyền tải thông tin nhanh, chính xác, hấp dẫn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lai Châu Vũ Mạnh Hà ghi nhận, biểu dương những thành tích Báo Lai Châu đạt được trong 60 năm qua.
Ông Vũ Mạnh Hà đề nghị, cán bộ, phóng viên, người lao động Báo Lai Châu tích cực tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, sự kiện chính trị; quảng bá hình ảnh địa phương, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh đến bạn đọc trong và ngoài nước; thực hiện nghiêm quy định của Đảng, Nhà nước về công tác báo chí, hoạt động báo chí. Cùng với đó, xây dựng Báo Lai Châu phát triển theo hướng cơ quan truyền thông đa phương tiện, đa nền tảng, đa dịch vụ, mô hình tòa soạn hội tụ; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, phóng viên báo chí, bồi dưỡng chính trị gắn với bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.
Theo Tổng Biên tập Báo Lai Châu Nguyễn Viết Mạnh, ngày 16/4/1964, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định thành lập Báo Lai Châu và xuất bản số báo đầu tiên vào ngày 1/5/1964. Đến năm 1994, Báo được đổi tên thành Báo Điện Biên Phủ, phát hành 2 kỳ/tuần, với 4 trang in. Tháng 11/1997, Báo Điện Biên Phủ dành cho đồng bào các dân tộc vùng cao phát hành số đầu ra mắt bạn đọc, mỗi tháng phát hành một kỳ.
Thực hiện Nghị quyết số 22/2003/QH11, ngày 26/11/2003 của Quốc hội về việc chia tách và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, Lai Châu được chia tách thành 2 tỉnh: Lai Châu và Điện Biên. Cơ quan Báo Lai Châu được tái thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2004 với tên gọi Báo Lai Châu. Báo Lai Châu đến nay xuất bản 4 kỳ/tuần, 4.000 tờ/kỳ, Báo Cuối tuần 2.000 tờ/kỳ, Báo Lai Châu dành cho đồng bào các dân tộc vùng cao 3 kỳ/tháng, 4.400 tờ/kỳ.
Năm 2010, Báo Lai Châu điện tử đi vào hoạt động với giao diện hiện đại, thông minh, tiện ích, giới thiệu, quảng bá hình ảnh con người, thiên nhiên, văn hóa, tiềm năng, lợi thế phát triển của tỉnh. Đặc biệt, chuyên mục truyền hình internet xuất bản đều đặn hằng ngày nhận được sự đón nhận và đánh giá cao từ công chúng. Các sản phẩm được thiết kế dưới dạng E-Magazine, inphographic, sự kết hợp giữa nội dung chữ viết, hình ảnh và các video, clip… trong một sản phẩm báo chí góp phần làm đa dạng sản phẩm đa phương tiện của Báo Lai Châu.
Dịp này, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tặng bức trướng cho Báo Lai Châu với dòng chữ “Cách mạng - Sáng tạo - Hiện đại - Phát triển”. Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 2 tập thể, 10 cá nhân có nhiều đóng góp trong quá trình xây dựng và phát triển Báo Lai Châu.