Cần có chính sách hỗ trợ hiệu quả các tác phẩm báo chí chất lượng cao

Theo ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, việc tháo gỡ khó khăn cho chương trình hỗ trợ các tác phẩm báo chí chất lượng cao đã và đang tạo ra những tác phẩm báo chí không chạy theo thị hiếu, sự thương mại hóa tầm thường. Vì vậy, các Chi Hội nhà báo cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn tại các địa phương để đội ngũ làm báo được hưởng những hỗ trợ thiết thực từ chương trình này.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại hội nghị. 

Chiều 18/3, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 558/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, sau 3 năm triển khai (từ năm 2021 - 2023) chương trình này đã tạo động lực lớn cho các nhà báo phấn đấu có những tác phẩm hay, chất lượng, lan tỏa các tấm gương, mô hình mới tiên tiến, đóng góp xây dựng kinh tế - xã hội Việt Nam ngày càng phát triển.

Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, sau 3 năm triển khai thực hiện Quyết định 558, các cấp Hội Nhà báo trong cả nước được hỗ trợ kinh phí trong công tác nghiệp vụ, các nhà báo đã có thêm điều kiện thâm nhập thực tế, viết bài. Nhiều tác phẩm báo chí được hỗ trợ đã đoạt giải cao ở các giải báo chí địa phương và giải báo chí các Bộ, ngành, cao hơn nữa là Giải báo chí Quốc gia hằng năm. Hội viên Hội Nhà báo trong diện được hỗ trợ kinh phí, không chạy theo thị hiếu, sự thương mại hóa tầm thường, thấp kém. Ngoài ra, các tác phẩm được hỗ trợ kinh phí có điều kiện đi sâu hơn vào những đề tài cách mạng, kháng chiến, lịch sử dân tộc và các lĩnh vực của sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phản ánh về đời sống, về các điển hình tiên tiến, nhân tố mới ở mọi vùng đất nước, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Lợi, trong 3 năm qua, chương trình đã hỗ trợ kinh phí sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao đối với Hội Nhà báo các địa phương trong cả nước là 27,7 tỷ đồng và các địa phương cũng đã nhận giải ngân khoảng 25 tỷ đồng. Tổng số kinh phí còn lại chưa được giải ngân là do vướng ở một số cấp thẩm quyền của một số địa phương không phân bổ kinh phí gồm: Sơn La (trong 3 năm) không phân bổ kinh phí 400 triệu đồng; Tiền Giang năm 2021 không phân bổ kinh phí 80 triệu đồng và Lai Châu (năm 2023) không phân bổ kinh phí 160 triệu đồng.

Ghi nhận hiệu quả của chương trình, đại diện một số Hội Nhà báo cho biết, nhờ có kinh phí bổ sung hỗ trợ các tác phẩm chất lượng cao, nhiều cấp Hội Nhà báo khó khăn về tài chính đã có thêm nguồn lực đầu tư vào hoạt động sáng tác tác phẩm chất lượng cao, được coi như một “phao cứu sinh” trong lúc kinh tế khó khăn. Trong khi đó, nhiều nhà báo cũng cho biết, đối với những cơ quan báo chí còn eo hẹp về kinh phí hoạt động thì đây là một nguồn hỗ trợ rất quan trọng. Riêng với những cơ quan thuận lợi về tài chính thì đây cũng là nguồn khích lệ, tiếp sức cho anh chị em nhà báo, hội viên sáng tạo hay hơn, cao hơn… Ngoài ra, chương trình cũng tạo cho Hội Nhà báo có thêm điều kiện hoạt động, tìm tòi đề tài mới theo nội dung chương trình vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Là 1 trong 3 Hội Nhà báo không thể nhận hỗ trợ từ chương trình này trong 3 năm qua, đại diện Hội Nhà báo tỉnh Sơn La cho biết, sau khi nhận thông tin về Chương trình hỗ trợ các tác phẩm báo chí chất lượng cao theo cơ sở đặt hàng các tác phẩm báo chí, đơn vị đã có đề xuất hỗ trợ sang cấp chính quyền của địa phương, tuy nhiên cấp chính quyền địa phương trả lời không thể thực hiện khoản hỗ trợ này với lý do "không đủ cơ sở chi". Vì vậy mà trong 3 năm qua, các nhà báo tại địa phương không thể tiếp cận một chính sách thiết thực của Chính phủ dành cho những cống hiến của mình tại địa phương; trong khi các đơn vị Hội Nhà báo, nhà báo của các tỉnh, thành khác đều đã tiếp cận nguồn kinh phí hỗ trợ này. 

Chú thích ảnh
Đại diện các cơ quan báo chí nhận bằng khen của Hội Nhà báo Việt Nam trong chiều 18/3.

Chia sẻ khó khăn với Hội Nhà báo tỉnh Sơn La, đại diện Hội Nhà báo tỉnh Thái Bình cũng cho biết, cần xem xét tình trạng giải ngân các khoản hỗ trợ từ cấp Trung ương đến địa phương. Bởi trong khi 60 tỉnh, thành khác triển khai hiệu quả chương trình thì chỉ có một vài tỉnh, thành phố không thể tiếp cận mà nguyên nhân là do vướng ở các thủ tục hành chính giải ngân ở cấp chính quyền địa phương. Theo đó, Hội Nhà báo Việt Nam cần kiến nghị Chính phủ giao đầu mối xét duyệt kinh phí hỗ trợ của chương trình cho Hội Nhà báo Việt Nam mà không cần qua trung gian là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật. Bởi chính Hội Nhà báo Việt Nam sẽ là đơn vị giải trình, kiến nghị sát sườn với Chính phủ và nắm rõ các khó khăn, vướng mắc của từng Hội Nhà báo tại địa phương.

Ghi nhận các ý kiến đóng góp, ông Nguyễn Đức Lợi cho biết sắp tới, Hội sẽ tiếp tục kiến nghị tình trạng của tỉnh Sơn La, Tiền Giang và Lai Châu để có bước tháo gỡ cụ thể. Hội cũng sẽ thành lập các đoàn kiểm tra đi làm việc với UBND các tỉnh có các vướng mắc, khó khăn về giải ngân để kịp thời tháo gỡ cho đội ngũ làm báo tại địa phương. Đối với đề xuất giao Hội Nhà báo Việt Nam làm đầu mối xét duyệt các khoản hỗ trợ các bài báo chất lượng cao thì theo quy định phải có một cơ quan quản lý nhà nước phụ trách công việc này. Hội nhận thấy giao Bộ Thông tin và Truyền thông phụ trách đầu mối xét duyệt các khoản hỗ trợ là hợp lý và Hội cũng đã có đề xuất giao Bộ này thay cho Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xét duyệt kinh phí hỗ trợ chương trình như hiện nay.

Dịp này, Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã trao tặng Cờ Thi đua của Hội Nhà báo Việt Nam cho 18 đơn vị đã có thành tích xuất sắc nhất trong phong trào thi đua năm 2023; trao Bằng khen của Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho 29 tập thể và 51 cá nhân xuất sắc trong hoạt động thi đua năm 2023. Trong đó, Liên Chi hội nhà báo Thông tấn xã Việt Nam và phóng viên Nguyễn Văn Oanh (Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại tỉnh Lai Châu) đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Báo chí cần tiếp tục phát huy vai trò xung kích trên mọi mặt trận
Báo chí cần tiếp tục phát huy vai trò xung kích trên mọi mặt trận

Ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, báo chí cần phải phát huy vai trò xung kích trên mọi mặt trận, tuyên truyền gương người tốt việc tốt, những cách làm hay, những mô hình mới, qua đó củng cố và phát huy những giá trị tốt đẹp, đạo đức và văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN