Sáng 20/2, tại phiên họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH14. Trong đó, nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất trên của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, hiện Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước quốc tế quy định về tội pháp nhân. Vì vậy, liều lượng về tội pháp nhân theo quy định trong dự thảo là hợp lý. Nhưng, việc quy định trách nhiệm hình sự với hai tội danh là tài trợ cho khủng bố và rửa tiền thì có bổ sung vào đây không? Ông Nguyễn Hòa Bình bày tỏ sự đồng tình với quan điểm này của Ủy ban Tư pháp và cho rằng việc bổ sung hai tội này là cần thiết.
Theo ông Nguyễn Hòa Bình, rất nhiều ngân hàng trên thế giới trên thế giới đã vi phạm, chẳng hạn ngân hàng ở Hồng Kông (Trung Quốc) đã bị phạt hàng trăm triệu đôla. Với Việt Nam, khi các tổ chức ngân hàng phát hiện các ngân hàng của Việt Nam tham gia chuyển tiền của các tổ chức khủng bố hoặc tham gia rửa tiền thì người ta xếp hạng ngân hàng, và sẽ bị phạt nếu vi phạm nghiêm trọng.
"Nếu một tổ chức tài chính nào đấy rửa tiền ở ngân hàng của ta thì cả ngân hàng của ta và của ngân hàng thế giới đều bị phạt. Điều này cũng thể hiện cam kết của ta vì nó nằm trong các khuyến cáo của Tô chức chống khủng bố, chống rửa tiền thế giới mà ta tham gia với tư cách là quốc gia thành viên", Chánh án Tòa án nhân dân tối cai Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.
Về vấn đề này, theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến, việc quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân với tội rửa tiền và tài trợ khủng bố đã được xem xét trước đây. Trong đó, đã nêu nghĩa vụ của Việt Nam khi cam kết thực hiện công ước quốc tế. Thực tế, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế thì Viết Nam bị xếp vào nhóm các nước có nguy cơ không tuân hoặc thiếu hụt các các cơ chế về phòng chống rửa tiền.
"Vì vậy, về phía Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi tán thành ý kiến của Ủy ban Tư pháp về vấn đề này. Tuy nhiên, cần xem xét thận trọng, phù hợp với luật pháp của Việt Nam. Vì hiện chúng ta đã tham gia công ước quốc tế, như Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Công ước về chống tài trợ khủng bố... cũng như chuẩn mực quốc tế về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố mà chúng ta là một thành viên trong nhóm châu Á-Thái Bình Dương", ông Nguyễn Đồng Tiến cho biết.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cũng thông tin thêm: "Thủ tướng chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nha nước thay mặt Chính phủ cam kết với các tổ chức quốc tế sẽ xây dựng các cơ chế để phòng chống rửa tiền. Vì vậy nếu chúng ta không xử lý chặt chẽ vấn dề này thì sẽ có bất lợi về kinh tế".