Phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành việc xuất bản Quốc sử, Quốc chí

Sáng 17/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với Ban Chủ nhiệm 5 đề án khoa học lớn: Biên soạn Bộ Lịch sử Việt Nam (Quốc sử); Xây dựng bộ Địa chí quốc gia Việt Nam (Quốc chí); Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông; biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam; Hệ tri thức Việt số hóa.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: Minh Đức/TTXVN.

Tại cuộc làm việc, Ban Chủ nhiệm 5 đề án khoa học đã báo cáo tiến độ triển khai, rà soát, kiến nghị giải quyết những vấn đề còn vướng mắc. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, đến nay, toàn bộ bản thảo 33 tập sách trong bộ Quốc sử (gồm 25 tập thông sử, 5 tập biên niên sự kiện, 3 tập cơ sở dữ liệu với 27.000 trang) đã được nghiệm thu cấp Nhà nước với sự tham gia của 96 nhà khoa học. Các đề tài được đánh giá nghiêm túc, khoa học, khách quan và sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh, nâng cao, bảo đảm chất lượng, tính thống nhất giữa các đề tài.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đề xuất, trước khi xuất bản cần có hội đồng chuyên môn để rà soát những vấn đề còn ý kiến khác nhau, bảo đảm tính liên tục của các tập trong Bộ Quốc sử trước khi xuất bản.

Về bộ Quốc chí bắt đầu triển khai từ đầu năm 2018, thu hút gần 1.000 nhà khoa học tham gia, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phạm Bảo Sơn cho biết, Đại học Quốc gia Hà Nội đã xây dựng Bộ Quy chuẩn biên soạn Quốc chí, lập danh mục sưu tầm tài liệu cơ bản, đẩy mạnh công tác khảo sát tại các địa phương, bước đầu tạo lập hệ sinh thái về địa chí trên toàn quốc, góp phần hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua kiểm đếm tài nguyên lịch sử, văn hóa, xã hội… 

Đến cuối năm 2020, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức xây dựng thuyết minh, thẩm định và phê duyệt triển khai 27/32 tập, tương ứng với các lĩnh vực nội dung biên soạn, trong đó đã ký hợp đồng 16 tập.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, Ban Chủ nhiệm các đề án sẽ hoàn thành biên soạn và xuất bản toàn bộ Quốc sử, Quốc chí.

Đối với Dự án “Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông” do Đại học Quốc gia Hà Nội triển khai từ quý II/2019, đã tạo dựng mạng lưới hàng trăm cộng tác viên dịch thuật, thẩm định, hiệu đính, biên tập… Đại học Quốc gia Hà Nội đã hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn để hỗ trợ triển khai dự án như: Bộ Quy chuẩn - Thể lệ dịch thuật để hình thành tính thống nhất, nghiêm ngặt cao, bảo đảm chất lượng, sự đồng đều của các sản phẩm; Bộ hồ sơ dịch thuật Phật Tạng, Bộ từ vựng Phật học; thử nghiệm phần mềm dịch thuật và quản lý dự án…

Ban Chủ nhiệm đề án đã ký hợp đồng dịch thuật đợt 1 hàng chục tác phẩm của “Hợp phần dịch thuật Phật tạng tinh yếu” (35 tác phẩm); “Hợp phần dịch thuật Phật điển Việt Nam” (8 tác phẩm); “Hợp phần dịch thuật toàn dịch Nho tạng” (9 tác phẩm).

Đại học Quốc gia Hà Nội đã xây dựng Thư viện kinh điển phương Đông, trong đó vận động, thu thập khoảng 12.000 đầu sách và dữ liệu nghiên cứu đã được số hóa. Trong thời gian tới, Ban Chủ nhiệm đề án sẽ xuất bản 5 tác phẩm trong năm 2021; tiếp tục ký hợp đồng dịch thuật đợt 2 đối với 3 hợp phần trên.

Báo cáo tình hình thực hiện Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Bùi Nhật Quang cho biết, đang triển khai biên soạn 38 quyển trên cơ sở 66.500 mục từ đã được hội đồng khoa học nghiệm thu. Các nhiệm vụ hỗ trợ biên tập, biên soạn và quản lý đề án được thực hiện song song với quá trình biên soạn, điều hành, trên cơ sở lý luận về bách khoa toàn thư, tổng kết thực tế, học tập kinh nghiệm của các bộ bách khoa toàn thư khác trên thế giới.

Ban Chủ nhiệm đề án kiến nghị áp dụng phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng để thuật lợi cho quá trình biên soạn, biên tập, giảm bớt thủ tục hành chính; thực hiện dự án bách khoa thư số theo đề án Hệ tri thức Việt số hóa. 

Về đề án Hệ tri thức Việt số hóa, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, đề án tiếp tục là “vườn ươm ý tưởng sáng tạo phục vụ cộng đồng”. Dự án thu hút kỷ lục sự tham gia của cộng đồng công nghệ thông tin, các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hàng trăm doanh nghiệp công nghệ thông tin.

“Những dự án thành công hay không thành công đều là những kinh nghiệm quý giá để Hệ tri thức Việt số hóa triển khai những dự án mới phục vụ cộng đồng rất nhanh. Điển hình như dự án “Thầy thuốc đồng hành” hỗ trợ thăm hỏi, tư vấn từ xa cho người mắc COVID-19 điều trị tại nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… với sự tham gia của hàng nghìn thầy thuốc được triển khai chỉ trong vòng 3 ngày”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết.

Cùng với đó, đề án gắn rất chặt với các chương trình khoa học công nghệ quốc gia, nhất là với các đề án Quốc sử, Quốc chí, Bách khoa toàn thư, Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030… hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung cho tất cả các ngành, lĩnh vực…

Diệp Trương (TTXVN)
Phê duyệt Đề án về xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia
Phê duyệt Đề án về xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 2067/QĐ-TTg ngày 8/12/2021 phê duyệt Đề án "Kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo và xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN