Học sinh cả nước nô nức khai giảng năm học mới
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lễ khai giảng năm nay có nhiều điểm “đặc biệt” so với những năm học trước. Theo đó, các địa phương có nhiều hình thức khác nhau để tổ chức khai giảng phù hợp, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh, tạo không khí vui tươi, phấn khởi của ngày khai giảng - Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường. Đối với những địa phương thực hiện giãn cách xã hội, nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh, các cơ sở giáo dục tổ chức lễ khai giảng theo hình thức trực tuyến.
Đa số các trường trên cả nước không tập trung toàn bộ học sinh dự lễ khai giảng tại sân trường như mọi năm mà thực hiện giãn cách. Các trường đảm bảo ưu tiên cho 100% học sinh đầu cấp dự lễ khai giảng tại sân trường, các khối còn lại chỉ cử đại diện và tổ chức cho học sinh dự khai giảng tại lớp học.
Theo dự báo quy mô học sinh năm học 2020-2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo dục Mầm non có hơn 5,38 triệu học sinh (trong đó, nhà trẻ có gần 777.000 và mẫu giáo có hơn 4,6 triệu học sinh); giáo dục Phổ thông có hơn 17,5 triệu học sinh (trong đó, Tiểu học hơn 8,7 triệu; Trung học cơ sở hơn 6 triệu và Trung học phổ thông hơn 2,8 triệu).
Năm học mới, toàn ngành tiếp tục tập trung thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu. Trong đó, toàn ngành tiến hành rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trong cả nước; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp; phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; đổi mới quản lý, nâng cao hiệu quả của giáo dục thường xuyên, giáo dục dân tộc; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, bảo đảm an toàn trường học; công tác giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên.
Tiếp đó, toàn ngành nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục, thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục - đào tạo; đẩy mạnh phân cấp và thực hiện tự chủ đối với các cơ sở giáo dục; hội nhập quốc tế trong giáo dục - đào tạo; tăng cường cơ sở vật chất, bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
5 nhóm giải pháp cơ bản tập trung thực hiện trong năm học 2020-2021 là: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính về giáo dục và đào tạo; nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ quản lý giáo dục, đổi mới công tác quản lý, đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, ngăn chặn, xử lý nghiêm những tiêu cực trong hoạt động giáo dục đào tạo; tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục - đào tạo; tăng cường công tác khảo thí, đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục và đẩy mạnh công tác truyền thông.
Thay trụ trì chùa Kỳ Quang 2 sau vụ việc tro cốt gửi tại chùa bị đảo lộn
Sau phiên họp bất thường diễn ra sáng 5/9 tại Việt Nam Quốc tự, Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định tạm ngưng chức chức vụ trụ trì chùa Kỳ Quang 2 (quận Gò Vấp) đối với Hòa thượng Thích Thiện Chiếu do để xảy ra sự việc làm đảo lộn, rơi rớt hình ảnh, danh tính trên các hũ tro cốt thân nhân người dân gửi vào thờ tại chùa.
Theo Đại đức Thích Tâm Hải, Trưởng ban Thông tin - Truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, tại phiên họp bất thường dưới sự chủ trì của Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh thống nhất cho rằng sự việc làm đảo lộn, rơi rớt ảnh, danh tính trên các hũ tro cốt nhân thân người dân gửi thờ tại chùa Kỳ Quang 2 là nghiêm trọng, lỗi do sự thiếu quán xuyến của trụ trì, khiến dư luận bức xúc, nhiều người đau lòng.
Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh quyết định ngưng chức vụ trụ trì chùa Kỳ Quang 2 của Hòa thượng Thích Thiện Chiếu; cử Thượng tọa Thích Quang Thạnh điều hành mọi hoạt động tu học, tín ngưỡng và xã hội của cùa Kỳ Quang 2 kể từ ngày 5/9/2020. Đồng thời yêu cầu Thượng tọa Thích Quang Thạnh có trách nhiệm phối hợp với Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận Gò Vấp và cơ quan chức năng nghiên cứu, thực hiện giải pháp nhằm sắp xếp, ổn định các hũ tro cốt hiện hữu tại chùa Kỳ Quang 2; sớm khắc phục sự việc trong tinh thần phù hợp với truyền thống văn hóa tâm linh của người Việt Nam, đem lại sự an long cho người dân đã gửi tro cốt thân nhân tại chùa.
Tại phiên họp, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng đã chỉ đạo các ban chuyên môn triển khai việc kiểm tra tất cả các cơ sở tự viện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có người dân gửi tro cốt thân nhân thờ phụng. Trước đó, ngày 4/9, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra văn bản yêu cầu các Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố tổ chức khảo sát, thống kê, đánh giá việc gửi và thờ phụng tro cốt tại các cơ sở tự viện Phật giáo tại địa phương, nhằm tao cơ sở để Giáo hội đưa ra định hướng trong công tác quản lý Phật sự đặc thù này.
Việt Nam có 1 ngày 'an toàn' không có ca mắc mới COVID-19
Tính đến 18 giờ ngày 5/9, Việt Nam không có thêm ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, tổng số mắc vẫn là 1.049 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 43.154 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 957 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 14.950 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 27.247 người.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 5/9 Việt Nam có thêm 19 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, bao gồm: 6 bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng là: BN420, BN470, BN480, BN609, BN878, BN710; 9 bệnh nhân tại Trung tâm Y tế Huyện Hoà Vang là: BN629, BN486, BN557, BN680, BN763, BN994, BN1036, BN662, BN1003 (BN763 tiếp tục ở lại điều trị hồi sức thận nhân tạo); và 4 bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam là: BN525, BN777, BN909, BN910.
Trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 lần 1 là 26 ca, lần 2 là 28 ca, lần 3 là 38 ca.
Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 35 ca tử vong COVID-19, số ca điều trị khỏi là 805 ca.
Đã có hơn 7.000 sản phẩm pate Minh Chay bán ra từ đầu tháng 7 đến 22/8
Theo báo cáo của Công ty sản xuất, đã có hơn 7.000 sản phẩm Pate Minh Chay đã được xuất bán ra thị trường từ ngày 1/7 đến ngày 22/8.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội vừa có báo cáo nhanh về việc kiểm tra thông tin cảnh báo khẩn cấp sản phẩm Pate Minh Chay chứa chất gây Botulinum gây ngộ độc, khiến nhiều người nhập viện.
Kết quả điều tra cho thấy, sản phẩm pate Minh Chay do Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới có địa chỉ ở số 53, tổ 2, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội; các sản phẩm do Công ty sản xuất gồm: Chế biến thực phẩm chay (bò, cá, giò, chả, mọc, xúc xích, pate, bánh, ruốc nấm); rang và đóng gói muối vừng các loại hạt. Các sản phẩm của Công ty này được kinh doanh tại Nhà hàng Minh Chay, địa chỉ ở số 30 Mã Mây, Hoàn Kiếm, Hà Nội; bán online trên website minhchay.com; các trang bán hàng điện tử.
Tại thời điểm kiểm tra, Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới đã tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh theo yêu cầu của đoàn kiểm tra Cục An toàn thực phẩm từ ngày 29/8. Công ty đã tổng hợp và cung cấp cho Đoàn công tác danh sách chi tiết khách hàng mua hàng sản phẩm Pate Minh chay; theo danh sách cung cấp, có hơn 7.000 sản phẩm Pate Minh Chay đã được xuất bán ra thị trường từ ngày 1/7 đến ngày 22/8.
Sau khi có thông tin về các ca ngộ độc thực phẩm, Công ty cũng đã thực hiện cảnh báo trực tiếp, trên website và chủ động liên hệ (gọi điện, nhắn tin, liên hệ qua mạng xã hội) đến khách hàng đã mua sản phẩm Pate Minh chay.
Cũng tại thời điểm kiểm tra, Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới đã không còn tồn các thành phẩm, không còn vỏ bao bì chứa đựng thực phẩm. Theo báo cáo của Công ty này và căn cứ bản tự công bố, Công ty có sử dụng các nguyên liệu như: Chân nấm hương hữu cơ, chân nấm hương, mộc nhĩ nấm hương khô, nấm hương khô oganic, nấm đùi gà to... Tuy nhiên Công ty chưa xuất trình được đầy đủ hồ sơ nguồn gốc, xuất xứ các loại nguyên liệu phục vụ sản xuất; chưa cung cấp được số lượng nguyên liệu nhập kho; số lượng toàn bộ sản phẩm đã sản xuất; số lượng toàn bộ sản phẩm đã cung cấp ra thị trường; các hồ sơ theo dõi sản xuất trong thời gian từ 1/7 đến ngày 28/8 để phục vụ công tác điều tra nguyên nhân, truy xuất nguồn gốc sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm.