“Nới rộng” chính sách, bảo đảm thoát nghèo bền vững

Việc bình xét hộ nghèo, xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều; chính sách giúp thoát nghèo bền vững... là những vấn đề được nhiều cán bộ, cũng như người dân ở các địa phương quan tâm, gửi đến Bộ trưởng Bộ trưởng Lao động - Thương binh & Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trong Chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời”, trên VTV1, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, TTXVN và một số cơ quan truyền trông khác.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội đã có Thông tư số 21/2012/TT-BLĐTBXH về việc hướng dẫn quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo hàng năm. Theo Thông tư, từng cơ sở, từng thôn, bản phải xác lập danh sách hộ nghèo, trên cơ sở tổ chức bình xét công khai với sự tham gia của các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể. “Nếu địa phương nào bình xét hộ nghèo theo kiểu luân phiên, nhà này được thì năm sau nhường nhà khác sẽ bị xử lý. Tỷ lệ hộ nghèo phải được điều tra, đánh giá một cách thực chất, vì vậy nếu địa phương nào ấn định tỷ lệ các hộ nghèo cũng là trái với quy định. Chính quyền các cấp cần kiểm tra, xem xét để bảo đảm các đối tượng hộ nghèo đều được hưởng chính sách”, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết.

Trong phiên họp Chính phủ tháng 9 vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo: Chính sách giảm nghèo vẫn tiếp tục được ưu tiên, đặc biệt là đối với người nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng miền núi, để giảm khoảng cách chênh lệch. Hiện nay, vẫn có nhiều huyện miền núi chiếm 30 - 40, cá biệt có nơi chiếm tới 50% hộ nghèo. Chính phủ sẽ tập trung nguồn lực để giúp những địa phương này thoát nghèo.

Cũng theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, chuẩn nghèo hiện nay được tính theo từng giai đoạn và dựa trên thu nhập của người dân. Giai đoạn 2011- 2015, nông thôn là 400.000 đồng/người/tháng, thành thị là 500.000 đồng/người/tháng. Thực chất, việc đưa ra chuẩn nghèo là nhằm có những chính sách hỗ trợ, để cho người nghèo giảm bớt khó khăn, cố gắng vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, việc tiêu chí bình xét hộ nghèo hiện nay chỉ tính trên thu nhập là chưa phù hợp với xu thế chung, kể cả các nước trong ASEAN. Vì vậy, Chính phủ đã đồng ý cho nghiên cứu chuẩn nghèo đa chiều; trong đó có nghèo về thu nhập, nghèo về thụ hưởng an sinh xã hội như: Chăm sóc y tế, học tập, nhà ở... trên cơ sở đó, tùy từng đối tượng để hỗ trợ cụ thể, đối tượng nào cần hỗ trợ lĩnh vực nào thì hỗ trợ lĩnh vực ấy.

“Chuẩn nghèo đa chiều sẽ được công bố vào năm 2015, để áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020. Mặt khác, tới đây việc xác định đối tươjợng nghèo sẽ gồm nhiều tiêu chí. Tiêu chí đầu tiên là cơ sở vật chất khó khăn, đời sống thiếu thốn. Thứ hai, hộ nghèo đó không có khả năng lao động, không có kinh nghiệm sản xuất. Trong trường hợp do gia đình có người ốm đau, mặc dù đã được hỗ trợ từ nguồn lực khác, nhưng vẫn không có khả năng lao động sản xuất sẽ được đề xuất để chuyển sang đối tượng hộ được hưởng bảo trợ xã hội. Chính phủ sẽ tiếp tục đầu tư cho 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a. 30 huyện được hưởng 70% chính sách theo nghị quyết này, cũng sẽ được tiếp tục được đầu tư tăng cường hạ tầng cơ sở: Thủy lợi, giao thông, phúc lợi tối thiểu để họ có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao đời sống để thoát nghèo. Bên cạnh những chính sách nói trên, cũng cần tăng mức cho vay đối với hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo để giúp họ sớm thoát nghèo và giảm dần chính sách cho không. Có như vậy nhiều đối tượng ở các khu vực khác nhau mới được thụ hưởng điều kiện của họ” Bộ trưởng cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng, giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo hiện nay chênh lệch không đáng kể. Ở nông thôn thu nhập 400.000 đồng là hộ nghèo, 420.000 - 430.000 đồng đã là hộ cận nghèo... vì vậy việc thiết kế chính sách cho hộ cận nghèo phải được tăng lên. “Trước đây, hộ cận nghèo không được hỗ trợ y tế, nay đã được hỗ trợ y tế. Hộ cận nghèo đã tiếp tục được vay vốn, với số tiền 50 triệu đồng/năm… Tới đây, cũng cần nghiên cứu tiếp để hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tiếp tục được tiếp cận sự hỗ trợ của nhà nước với thứ tự ưu tiên: Hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo, để họ thoát nghèo một cách bền vững. Việc thiết kế chính sách cũng sẽ ưu tiên cho đối tượng là hộ nghèo, sau đó hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo. Trước đây, hộ mới thoát nghèo không được hưởng chính sách, nhưng Chính phủ đã điều chỉnh hộ mới thoát nghèo vẫn tiếp tục được hưởng một số chính sách trong 1 năm, sau đó nếu thoát nghèo sẽ được hưởng chính sách cận nghèo (tăng cường vay vốn, bảo hiểm y tế cũng như một số chính sách khác)”, Bộ trưởng cho biết.

Trọng Thủy


Giúp gia đình chính sách thoát nghèo bền vững
Giúp gia đình chính sách thoát nghèo bền vững

Trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa dành nhiều sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình có công thoát nghèo bền vững bằng những việc làm thiết thực như xây mới, sửa chữa hàng nghìn ngôi nhà tình nghĩa, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN