Nơi linh thiêng Bàn thờ của Tổ quốc - Bài cuối: Côn Đảo huyền thoại

Côn Đảo ngày nay đã trở thành vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc ghi dấu sự đấu tranh kiên cường bất khuất của các anh hùng, chiến sỹ cách mạng, đồng bào yêu nước trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Với những cựu tù chính trị Côn Đảo, đây còn là nơi lưu giữ ký ức của tháng năm hoạt động cách mạng, của tình đồng đội sâu nặng, thiêng liêng.

Sâu nặng nghĩa tình đồng đội

Chú thích ảnh
Bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước, cựu tù chính trị Côn Đảo, cùng đồng đội thăm bà Nguyễn Thị Ni hay còn gọi là bà Tư Hoàng (sinh năm 1939), cựu tù Côn Đảo hiện đang sinh sống ở huyện Côn Đảo.

Tháng 7 năm nay, Côn Đảo lại đón thêm nhiều người từ khắp mọi miền đất nước về đây tham quan, sinh hoạt, học tập. Đây cũng là dịp các cựu tù Côn Đảo hội tụ về để tưởng nhớ đồng đội năm xưa đã ngã xuống cho độc lập tự do của Tổ quốc, trong đó ngày 20/6 Âm lịch được nhiều cựu tù chọn là ngày giỗ chung của các chị, các anh.

Trải qua những năm tháng đau thương, mỗi lần trở lại Côn Đảo là một lần ông Võ Ái Dân nhìn lại những hiện vật đong đầy kỷ niệm.

Ông Võ Ái Dân chia sẻ, cả quãng đời thanh niên, ông cũng như nhiều anh em khác ở trong ngục tù. Trong những khoảnh khắc đó, các tù nhân tự nguyện nếu còn sống ngày nào vẫn cống hiến ngày đó. Đến hôm nay, dù thời gian ngày càng hạn hẹp nhưng bằng chính sức lực của mình, ông nguyện tiếp tục đóng góp phần nhỏ bé để trả ơn nhân dân, trả ơn các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Chú thích ảnh
Bà Nguyễn Thị Ni hay còn gọi là bà Tư Hoàng (phải - sinh năm 1939) vui mừng đón các đồng chí, đồng đội từng bị giam giữ tại trại tù Côn Đảo. 

Tương tự, bà Tư Hoàng (cựu tù Côn Đảo Nguyễn Thị Ni) dẫu quê ở tỉnh Tiền Giang, nhưng đã chọn Côn Đảo là nơi để sống và làm việc từ sau ngày giải phóng đến nay.

“Côn Đảo những năm gần đây phát triển rất nhanh, nơi “địa ngục trần gian” năm xưa không ngừng thay đổi. Tôi mong muốn có thật nhiều sức khỏe, còn sức lực là còn đóng góp xây dựng mảnh đất linh thiêng này”, bà Tư Hoàng cho biết.

Đến Côn Đảo, vùng đất lưu giữ ký ức những tháng năm bi hùng của các nhà yêu nước, chiến sỹ cách mạng bất khuất, kiên trung, ai cũng cảm thấy bồi hồi, xúc động. Về Côn Đảo hôm nay, mỗi người dân Việt Nam không chỉ dâng trào cảm xúc, lòng tự hào dân tộc, mà còn tự nhắn nhủ mình phải sống tốt hơn, xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ cha anh, những người đi trước đã ngã xuống cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Đặt ngọn nến trước bia mộ của Liệt sỹ Nguyễn Văn Trí (hy sinh năm 1957), ông Nguyễn Kim Quang cho hay đây chính là cha mình. Cha ông từng là Ủy viên Thường vụ tỉnh Gia Định, nay là Thành phố Hồ Chí Minh, đã hy sinh khi bị biệt giam ở Côn Đảo lúc ông Quang mới 1 tuổi.

Không có nhiều kỷ niệm nhưng mỗi lần đến đây, ông Nguyễn Kim Quang luôn xúc động và tự hào. Thấy Côn Đảo đổi thay, hồi sinh mạnh mẽ, ông rất mừng vì xương máu của cha ông và bao thế hệ đi trước không vô nghĩa.

Với ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, sự hy sinh của các Anh hùng liệt sỹ ở Côn Đảo đã tô thắm thêm trang sử hào hùng cho dân tộc, tiếp thêm ngọn lửa cho phong trào cách mạng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Sự hy sinh của các chị, các anh ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh và là bài học giáo dục truyền thống sâu sắc về lòng yêu nước, tinh thần dân tộc cho các thế hệ hôm nay, mai sau.

Vang mãi bản hùng ca

Chú thích ảnh
Nữ cựu tù Côn Đảo Bùi Thị Son (người đi đầu) trở lại nghĩa trang Hàng Dương - Côn Đảo. 

Nhà tù Côn Đảo đã giam giữ hàng vạn cán bộ, chiến sĩ yêu nước trong 2 cuộc kháng chiến, trên 20.000 người tù vĩnh viễn nằm lại ở hòn đảo này. Song đến nay, Nghĩa trang liệt sỹ Hàng Dương chỉ mới quy tập được gần 2.000 ngôi mộ, trong số đó chỉ khoảng 1/3 ngôi mộ có tên.

Trải qua khoảng thời gian khốc liệt nhất, nữ cựu tù Côn Đảo Bùi Thị Son cho rằng, không có sự đau thương, mất mát nào to lớn hơn nơi nhà tù Côn Đảo. Cuộc đấu tranh khốc liệt, sự hy sinh của các chị, các anh để bảo vệ khí tiết, bảo vệ lý tưởng cộng sản, đưa Côn Đảo linh thiêng trở thành Bàn thờ của Tổ quốc, nơi đã huấn luyện cho thanh niên trước đây giác ngộ cách mạng để nối tiếp truyền thống của ông cha.

Hiểu rõ lịch sử nhà tù Côn Đảo trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc giúp thế hệ hôm nay có được những bài học về lòng yêu nước, tinh thần sẵn sàng hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc…

Chú thích ảnh
Đông đảo khách tham quan phòng số 6, khám 6, trại giam Phú Hải ở huyện Côn Đảo.

Từ những câu chuyện bi hùng của các cựu tù, chị Trần Nguyễn Ngọc Phượng, Bí thư Đoàn Thanh niên Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh không giấu được sự xót xa trước những đau thương, mất mát. Đó là những vết thương còn hằn trên thịt da người chiến sỹ bị địch bắt tù đày, là những người ra đi mãi mãi nơi biển sâu.

May mắn được sinh ra trong thời bình nên chị Trần Nguyễn Ngọc Phượng cũng như bao thế hệ trẻ khó có thể cảm nhận đầy đủ sự gian khổ, hy sinh của các thế hệ cha, anh đi trước.

“Có dịp đến Côn Đảo lần này chúng tôi mới thấy lòng quả cảm, tinh thần yêu nước, ý chí quật cường và sự hy sinh to lớn của các dì, các chị, các anh để đem lại độc lập, hòa bình cho dân tộc. Đó cũng là bài học mà tuổi trẻ hôm nay phải gắng sức để đóng góp xây dựng đất nước”, chị Trần Nguyễn Ngọc Phượng chia sẻ.

Còn với anh Trương Minh Tước Nguyên, Phó Bí thư Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, sự hy sinh anh dũng của các thế hệ cha anh đã cho đất nước được ngày giải phóng, giang sơn thu về một mối, Tổ quốc hồi sinh. Côn Đảo không chỉ là “trường học đấu tranh cách mạng”, nơi tôi luyện nhiều thế hệ lãnh đạo và chiến sỹ cách mạng kiên trung như Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu... mà còn là vùng đất thiêng liêng, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lòng yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt Nam.

Chú thích ảnh
Trại giam Phú Hải ở huyện Côn Đảo thu hút đông đảo khách tham quan trong những ngày tháng 7. 

Đứng trước hàng vạn ngôi mộ chiến sỹ cách mạng và những người yêu nước ở Nghĩa trang Hàng Dương, nhiều đoàn viên thanh niên cảm nhận được sự linh thiêng của đất trời, sự hy sinh của các thế hệ cha anh là niềm tin tất thắng và là niềm tự hào của dân tộc. Thế hệ trẻ hôm nay nguyện son sắt một lòng giữ vững mục tiêu, lý tưởng của Đảng, Bác Hồ, học tập, noi theo ý chí chiến đấu, chí khí cách mạng, lòng kiên trung và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sống xứng đáng với các thế hệ cha anh, với truyền thống vẻ vang, hào hùng của dân tộc, đất nước.

Tháng 7 về với Côn Đảo nghe những câu chuyện lịch sử hào hùng của mảnh đất này để càng thấu hiểu hơn độc lập, tự do của đất nước được xây đắp bằng xương, máu và sự hy sinh cao cả của lớp cha anh đi trước. Tháng 7 về với Côn Đảo để nghe tiếng sóng biển vỗ về, những hàng dương rì rào như đang thì thầm kể về những con người đã làm lên huyền thoại Côn Đảo.

Bài và ảnh: Thanh Vũ (TTXVN)
Nơi linh thiêng Bàn thờ của Tổ quốc - Bài 1: Hồi ức về Côn Đảo
Nơi linh thiêng Bàn thờ của Tổ quốc - Bài 1: Hồi ức về Côn Đảo

Trong 160 năm tồn tại, hệ thống nhà tù tại Côn Đảo có gần 113 năm giam giữ cán bộ, chiến sĩ yêu nước trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ trước ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN