Chuyện làm báo trong nhà tù 'địa ngục trần gian' Côn Đảo

Trong nhà tù Côn Đảo, nơi được ví như "địa ngục trần gian", vượt lên sự kiểm soát gắt gao, đàn áp dã man của địch, những từ tạp chí, nội san đã được ra đời, phát hành rộng rãi trong nội bộ tù nhân, trở thành "vũ khí", khích lệ tinh thần đấu tranh của các chiến sĩ trong lao tù.

Chú thích ảnh
Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Châu Văn Mẫn. Ảnh: NVCC.

Biến nhà tù thành cơ sở cách mạng

Dù đã ngoài 70 tuổi, nhưng Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Châu Văn Mẫn vẫn nhớ như in những tháng ngày bị giam giữ và làm báo tại nhà tù Côn Đảo.

Trung tướng Châu Văn Mẫn bị địch bắt và lưu đày ra nhà tù Côn Đảo khi mới tròn 20 tuổi. Ông kể, trước ngày 30/4/1975, Côn Đảo là một trại tù khổng lồ. Chế độ Mỹ - ngụy giam giữ nơi đây hàng vạn tù chính trị và chia thành nhiều trại, khu. Trại tù giam giữ những người tù biệt lập là trại 7 (chuồng cọp Mỹ). Trại giam giữ những người tù câu lưu, cấm cố mang tên trại 6 khu B (6B), là những người tù chính trị đã nhiều năm chống đối địch.

Những người tù lao 6B bị giam cầm biệt lập tại phòng, thường xuyên phải đối mặt với các đợt đàn áp, khủng bố dã man của địch. Chính trong điều kiện khắc nghiệt đó, các đảng viên cộng sản của trại 6B đã thành lập Đảng bộ lấy tên Đảng bộ Lưu Chí Hiếu để lãnh đạo các hoạt động chính trị. Số lượng tù chính trị trại 6B khoảng 800 người, được chia ra giam giữ ở 10 phòng. Trong vô vàn các hình thức hoạt động sinh hoạt chính trị phong phú và đa dạng của nhà lao 6B, đặc biệt nhất phải kể đến là hoạt động làm báo.

Ở các phòng, các chi bộ đã tự phát hoạt động làm báo. Các tờ báo, tạp chí đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của các tù chính trị. Nổi bật lúc đó phải kể đến là tờ: “Sinh hoạt”, “Rèn luyện”, “Niềm tin”, “Đoàn kết”, “Vươn lên”…

Sau khi các tờ báo này ra đời và thu hút đông đảo tù chính trị tham gia, trở thành tài liệu được các tù nhân chuyền tay nhau đọc đi đọc lại, Đảng ủy lao 6B quyết định xây dựng một tờ báo chính thống, cơ quan ngôn luận của Đảng ủy. Tờ nội san “Xây dựng” ra đời từ đó.

Trung tướng Châu Văn Mẫn kể, do trình độ văn hóa, nhận thức của một số tù chính trị ở Côn Đảo rất khá nên nội dung của tờ nội san “Xây dựng” rất phong phú, bổ ích và lý thú cả về phần chính trị, văn hóa, văn nghệ và các kiến thức khoa học lịch sử. Tờ “Xây dựng” của trại tù 6B gần như là tài liệu học tập quý giá của anh em tù chính trị và là tài liệu giác ngộ cách mạng cho các tù nhân.

Chú thích ảnh
Tờ nội san “Xây dựng” do các chiến sĩ trong nhà tù Côn Đảo viết năm 1973 được trưng bày tại Nhà tù Hỏa Lò.

Làm báo trong ngục tù

 “Số báo đầu tiên ra đời từ giữa năm 1972. Đồng chí Nguyễn Đằng là Tổng biên tập. Anh Lê Minh Sang gần như là Thư ký tòa soạn đặt bài, biên tập bài và đưa chú Lê Đằng duyệt nội dung, phần trình bày bìa, vẽ minh họa, viết tít bài do chú Nguyễn Văn Nhẫn (Tứ Đọa) và Hoàng Văn Nghiêm, học sinh trường Chu Văn An ở Sài Gòn trực tiếp làm. Phần chép lại nội dung các bài báo, trình bày tờ báo là do tôi và một số anh em khác là những người chữ viết đẹp nhất thì được chọn”, cựu tù Côn Đảo Châu Văn Mẫn kể lại.

Việc trình bày nội dung rất đơn giản, tất cả nhóm này đều phải chép tay các bài báo. Khổ của cuốn nội san là 13x19cm. Quy trình chép báo đầu tiên chép nháp vào bìa các tông, sau đó chép sạch vào giấy trắng. Bìa các tông xé từng miếng, kê lên đầu gối làm bàn để chép.

“Giấy và bút đều được gửi mua ở ngoài vào. Mực thì các tù chính trị tự chế bằng cách lấy than ở các cục pin pha với nước và 1 ít dung dịch glysérim để bôi trơn. Màu sắc để minh họa trên bìa tạp chí cũng được làm từ vật dụng sẵn có, màu đỏ, màu nâu từ thuốc đỏ y tế; màu vàng là bột nghệ, bột thuốc tetracylin; màu xanh từ màu lá khoai lang hoặc thuốc cétélen”, Trung tướng Châu Văn Mẫn nhớ lại.

Khi nội dung trình bày đã xong, đồng chí Lê Minh Sang trực tiếp cắt xén báo cho gọn gàng và đóng thành từng quyển. Mỗi một số báo ban đầu xuất bản chỉ có 2 cuốn nhưng do nhu cầu đọc quá nhiều, trên 800 tù nhân chuyền tay nhau đọc, đến những người cuối cùng thì tờ báo đã nát, giấy đã rách, chữ không rõ nên Đảng ủy lao 6B quyết định tăng số lượng lên 5 cuốn để phục vụ nhu cầu đọc của tù chính trị. Mỗi một số báo, bộ phận vẽ bìa, trình bày maket và chép bài phải làm tới 5 lần cho cả 5 cuốn. Cứ thế tờ nội san “Xây dựng” ra được 10 số trong điều kiện kiểm soát gắt gao của địch.

“Các tù nhân đấu tranh mỗi ngày được tắm nắng 1 lần nên đó là cơ hội để truyền báo đến các trại giam. Khó nhất là việc cất giấu báo, anh em phải cất trong túi nilong rồi đào nền phòng giam và nhét báo vào đó để bảo tồn quản”, cựu tù Châu Văn Mẫn kể.

Năm 1974, nhận thấy tính chất nguy hiểm của tù chính trị ở lao 6B, địch quyết định phân tán xé lẻ tù nhân chính trị ở lao 6B ra các lao khác. Ông Châu Văn Mẫn cùng một số tù chính trị khác bị đưa vào trại 7. Từ đó tờ nội san “Xây dựng” không thể tiếp tục xuất bản.

“Những ngày làm báo trong trại tù là những ngày hoạt động đầy sôi nổi của chúng tôi. Tờ báo trở thành món ăn tinh thần, giáo dục ý thức chính trị cho các anh em. Nhớ lại những ngày thắp đèn dầu chép bài trong đêm cho kịp ngày ra báo…tôi luôn thấy bồi hồi khó tả. Đó là những ngày tháng không thể quên”, Trung tướng Châu Văn Mẫn chia sẻ.

Thu Trang/Báo Tin tức
 Người làm báo cần nâng cao và trau dồi đạo đức
Người làm báo cần nâng cao và trau dồi đạo đức

"Cần phải nâng cao và trau dồi hơn nữa đạo đức của người làm báo" - là lời tâm sự, nhắn gửi của ông Phạm Thanh Phong (còn gọi là ông Ba Phong) sinh năm 1942, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An, nguyên Phó Trưởng Bộ phận thường trực Tiểu ban TW6 lần 2 (ngụ tại thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) đối với đội ngũ làm báo trong giai đoạn hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN