Cách đây hơn 60 năm, khi đang theo học một trường Trung học ở Sài Gòn, với tinh thần yêu nước, chàng thanh niên 18 tuổi này đã tham gia vào phong trào học sinh-sinh viên. Tại đây, ông Ba Phong cùng một số sinh viên thường đi rải truyền đơn ở ngã tư Hàng Xanh, Khánh Hội, Xóm Gà, Xóm Đình ở Bà Chiểu… Đến cuối năm 1961 bị mật thám phát hiện, ông trở về quê liên lạc với tổ chức, thoát ly gia đình vào chiến khu đánh giặc.
Vào chiến khu, ông Ba Phong được giao nhiệm vụ làm thư ký văn phòng Mặt trận giải phóng huyện Bến Thủ (nay là 2 huyện Thủ Thừa và Bến Lức). Công tác được 3 tháng, ông được cử đi dự học lớp đào tạo phóng viên, nhiếp ảnh và kỹ thuật chiếu phim tại Ban Tuyên Văn Giáo tỉnh. Ở đây, ngoài việc học viết tin, bài, cách chụp hình, ông Ba còn được hướng dẫn cách tráng phim, in hình một cách thành thạo. Những tin, bài, hình ảnh của ông gửi về được báo Quyết Tiến (nay là báo Long An) đăng và phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam được đông đảo người dân trong vùng giải phóng đón nhận. Điển hình như những bài viết, hình ảnh về chiến thắng trận Bến Phà, thu về 2 cây súng trung liên, 8 cây súng trường tự động, bắt một số tù binh; Đồng bào huyện Đức Hòa đi đấu tranh chính trị; Người dân huyện Đức Huệ đào hầm chông, xây dựng xã chiến đấu; Sự phẫn nộ của người dân đối với tội ác của quân địch khi xem hình ảnh gia đình anh Cai ở xóm Giồng Nhỏ bị pháo 105 ly bắn từ huyện Đức Hòa, làm 4 người bị chết không toàn thây…
Sau đó, ông Ba Phong kinh qua các chức vụ như: Bí thư Huyện ủy Bến Thủ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, Bí thư Tỉnh ủy Long An khóa V, khóa VI (1993-1999), Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An khóa IX, Phó Trưởng Bộ phận thường trực Tiểu ban TW6 (lần 2) về Chỉnh đốn Đảng trực thuộc Bộ Chính trị (9/1999-2002), Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Long An và Phó Chủ tịch Trung ương Hội khuyến học Việt Nam. Hiện ông là Chủ tịch vinh dự Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tỉnh. Dù ở cương vị nào, ông Ba Phong cũng luôn quan tâm đến báo chí. Đặc biệt qua thông tin báo chí, ông nắm được tình hình địa phương và có những chỉ đạo kịp thời trong việc biểu dương những cách làm, mô hình sản xuất giỏi; đồng thời chấn chỉnh ngay những vấn đề địa phương còn gặp khó khăn, vướng mắc, hay những chủ trương chưa tạo được sự đồng thuận của người dân.
Nhà báo Lê Đại Anh Kiệt, nguyên Phó Tổng thư ký Tòa soạn báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, khi ông còn công tác ở báo Long An, với cơ quan báo chí, ông Phạm Thanh Phong với vai trò Bí Thư Tỉnh ủy luôn mềm mại, gần gũi và thấu hiểu. Ông Ba đọc báo rất kỹ và xem báo Đảng của tỉnh như một nguồn thông tin để xây dựng các quyết sách cho địa phương. Ông Ba yêu cầu và hướng dẫn phóng viên phải điều tra, xác minh chính xác những vụ tiêu cực tại địa phương trước khi thông tin đến người dân.
Nhà báo Lê Đại Anh Kiệt cho biết thêm, ông Ba Phong luôn cởi mở và sẵn sàng cung cấp thông tin cho báo chí bằng nhiều hình thức, thậm chí còn viết bài cho báo để giải thích, làm rõ cho người dân thông suốt. Với những thông tin nhạy cảm, ông chủ động cung cấp thông tin rõ ràng cho báo chí. Bài học quý giá ông học được từ ông Ba Phong là mối quan hệ giữa lãnh đạo và báo chí luôn có hai chiều là nghe và hiểu.
Hiện nay tuy tuổi đã cao nhưng hàng ngày ông Ba Phong vẫn đọc báo, theo dõi tình hình thời sự thường xuyên, liên tục. Trong đó, ông đặc biệt quan tâm đến tờ báo Long An - một tờ báo của Đảng bộ tỉnh. Khi thấy những vấn đề còn hạn chế, gây trở ngại cho người dân từ cấp chính quyền địa phương, ông đều đóng góp ý kiến tại các cuộc họp nguyên lãnh đạo, hay gọi điện trực tiếp để tìm hiểu, có ý kiến tham mưu trong cách giải quyết…
Ông Ba Phong cho biết, ngày nay, lực lượng làm báo khác so với thời kháng chiến vì được đào tạo một cách bài bản, phương tiện tác nghiệp nhanh và hiện đại hơn. Là công cụ tuyên truyền sắc bén với năng lực dự báo cao, các cơ quan báo chí, các nhà báo tích cực ủng hộ nhân tố mới, cổ vũ toàn dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, từng bước đưa đất nước đi lên.
Theo ông Ba Phong, người làm báo cần phải nâng cao và trau dồi hơn nữa đạo đức của mình. Phóng viên, nhà báo phải bám sát với đời sống chính trị - xã hội của đất nước; thông tin phong phú, có hiệu quả với phương thức hấp dẫn, hiện đại. Có như vậy, báo chí mới thật sự trở thành diễn đàn của nhân dân cũng như nói lên tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của người dân đối với những công cuộc trọng đại của đất nước.