Làm báo ở Trường Sa

Với những người làm báo, được vượt sóng gió đến với Trường Sa để tác nghiệp, phản ánh về đời sống cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo là một niềm vinh dự, tự hào.

Chú thích ảnh
Các phóng viên báo chí tác nghiệp tại đảo Thuyền Chài B trong chuyến công tác tháng 5/2022.

Đài phát thanh giữa biển

“Mời các đồng chí và các bạn lắng nghe bản tin nội bộ trên tàu KN290. Thưa các thủ trưởng, các đồng chí và quý khách trên tàu!...”.

Giọng nói của nữ phóng viên Trần Thị Thúy Vân, Đài Tiếng nói Nhân dân TP Hồ Chí Minh đều đặn mỗi buổi tối lại phát đi từ ca bin của tàu như xóa tan cảm giác mênh mông giữa biển khơi.

Do hải trình đi thăm quân và dân trên các điểm, đảo trên quần đảo Trường Sa dài ngày nên đoàn công tác số 9 của TP Hồ Chí Minh và Quân chủng Hải quân có sáng kiến cử các nhà báo, phóng viên của các cơ quan báo chí tham gia đoàn công tác, hàng ngày thu thập tin tức, làm bản tin phát thanh phát vào khung giờ 20 giờ 30 phút hàng ngày. 

Sau lời dẫn của phóng viên Thúy Vân, đều đặn mỗi bản tin có từ 3-5 tin, bài hoặc bài thơ của các thành viên trong đoàn công tác sáng tác nhân chuyến đi được phát đều đặn xen lẫn những ca khúc viết về biển đảo quê hương.

Theo phóng viên Thúy Vân, đây là chuyến công tác đầu tiên của cô đến với Trường Sa và Nhà giàn DK1. Một trải nghiệm đáng nhớ trong các chuyến làm báo trong đời khi được đặt chân đến Trường Sa, được làm chương trình phát thanh trên tàu KN290.

Chú thích ảnh
Phóng viên Trần Thị Thúy Vân, Đài Tiếng nói Nhân dân TP Hồ Chí Minh tác nghiệp tại Trường Sa.

“Tôi đã làm phát thanh 16 năm, nên để thực hiện một chương trình phát thanh không quá khó. Nhưng được làm phát thanh viên, đọc và dẫn chương trình trên tàu KN290 là điều rất ý nghĩa. Câu chuyện về những người lính Hải quân giữa biển Đông, trên những hòn đảo đã đi vào huyền thoại như Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma, Sinh Tồn, Song Tử Tây, Đá Nam… mà tôi được đọc qua nhiều bài cảm nhận, bài thơ của các đại biểu viết về sự hy sinh của chiến sĩ ở Trường Sa làm tôi xúc động. Khi đọc những bài viết về Trường Sa, đọc thơ giữa biển Đông, tôi thấy rất thiêng liêng, như đang đọc cho chính những người lính anh hùng ở Trường Sa năm xưa nghe. Họ đang nghe những lời của tôi trên sóng phát thanh con tàu KN 290 và đó là một trải nghiệm mà sau này trở về đất liền sẽ rất khó có được. Đây là một kỷ niệm sâu sắc, ý nghĩa nhất với tôi”, phóng viên Thúy Vân tâm sự. 

Chú thích ảnh
Cuốn “Cờ thắm giữa biển xanh” là những bài viết về Trường Sa và lực lượng Cảnh sát biển được nhà báo Nguyễn Viết Tôn – Báo Tin tức (TTXVN) viết và lưu lại in thành sách tặng cán bộ, chiến sĩ Trường Sa nhân chuyến công tác tháng 5/2022.

Những người “vào trước - về sau”

Mỗi khi tàu thả neo để đoàn công tác lên đảo, những phóng viên báo chí luôn được ưu ái “đến trước - về sau” để tranh thủ từng giây phút quý giá tác nghiệp ở vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Vượt qua những cơn say sóng, hễ đặt chân đến đảo, ai cũng sẵn sàng máy ảnh, máy quay, điện thoại để ghi lại những thước phim, hình ảnh, câu chuyện quý giá. Nhiều phóng viên đã có được những bức hình, thước phim đẹp và sinh động về cuộc sống cán bộ, chiến sĩ nơi đầu sóng, ngọn gió Trường Sa.

Lần đầu tiên đi công tác Trường Sa nên phóng viên Nguyễn Quang Phúc, Báo Sài Gòn Giải phóng đã chuẩn bị chu đáo cho chuyến đi biển dài ngày.

Anh Quang Phúc đã tham khảo nhiều đồng nghiệp để “lên đồ” với những thiết bị tác nghiệp hiện đại như máy ảnh, ống kính góc rộng tốt nhất có thể, kể cả máy quay dưới nước. Nhiều tác phẩm ảnh của phóng viên Quang Phúc sau chuyến đi, trong đó có loạt phóng sự ảnh “Nụ cười Trường Sa”, đã để lại trong lòng bạn đọc nhiều ấn tượng.

Sau 2 năm chinh chiến trên mặt trận COVID-19, năm nay phóng viên Nguyễn Thị Hà Thanh, Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh may mắn được đi công tác ra thăm lại Trường Sa.

Hà Thanh cho biết: “Lần thứ 2 trở lại Trường Sa nhưng lần nào cũng vậy, dù trái tim rắn rỏi đến đâu tôi cũng không giấu được niềm xúc động. Trên tay tôi luôn nâng niu bông hoa cúc và cánh hạc bay khi con tàu dừng lại nơi vùng biển Cô Lin, Len Đao, trái tim hướng về phía đảo Gạc Ma, nơi những người lính hải quân đã kiên cường bất khuất, anh dũng hy sinh giữ Trường Sa vững vàng trước sóng gió”.

Chú thích ảnh
Các phóng viên đang tác nghiệp trên đảo Trường Sa.

Phóng viên Hà Thanh cho biết: “Khi xuồng CQ đưa đoàn công tác cập “đảo chìm, đảo nổi”, nhiệm vụ của tôi là gặp gỡ, ghi lại câu chuyện về những người lính trẻ hải quân hôm nay không ngại gian khó, tình nguyện ra nơi đầu sóng ngọn gió để cống hiến một phần thanh xuân cho Tổ quốc”. 

Đọng lại sau chuyến công tác của các nhà báo, nhất là những phóng viên lần đầu đến Trường Sa là hình ảnh gương mặt người lính biển đầy nắng gió. Nhưng từ trong gian khó, chính nụ cười lạc quan, tinh thần quyết tâm của những người lính hải quân đã tiếp thêm cho những người con từ đất liền một sức mạnh, niềm tin về sức trẻ ở Trường Sa.

“Dịp 21/6 năm nay, món quà tôi mang về đất liền chính là những câu chuyện kể, bức ảnh ghi lại khoảnh khắc tươi vui rạng rỡ của những người lính hải quân trẻ tuổi luôn lạc quan dù đối mặt với vô vàn gian lao, vất vả”, phóng viên Hà Thanh cho biết. 

Và những bức ảnh quý giá ấy đã được các phóng viên báo chí trong đó có Hà Thanh gửi đến những người cha, người mẹ, người vợ và cả người yêu của các chiến sĩ nơi đảo xa đang ngày đêm thương nhớ, đặt trọn niềm tin yêu về người lính hải quân giữ chắc tay súng bảo vệ biển đảo, gìn giữ bình yên Tổ quốc.

Viết Tôn/Báo Tin tức
Hội Nhà báo Việt Nam: Nơi đoàn kết, tập hợp, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo
Hội Nhà báo Việt Nam: Nơi đoàn kết, tập hợp, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo

Với truyền thống vẻ vang của những người làm báo cách mạng qua gần một thế kỷ, đội ngũ người làm báo cách mạng nước ta, tập hợp dưới mái nhà chung là Hội Nhà báo Việt Nam, đã nỗ lực phấn đấu, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN