Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Bắc Giang, tỉnh Bắc Ninh tiếp nhận khoảng 500 lượt công dân mỗi ngày thực hiện các thủ tục hành chính.
Hoạt động tích cực, giảm phiền hà cho người dân
Phường Bắc Giang, tỉnh Bắc Ninh được thành lập trên cơ sở sáp nhập 7 phường của thành phố Bắc Giang cũ gồm: Thọ Xương, Ngô Quyền, Xương Giang, Hoàng Văn Thụ, Trần Phú, Dĩnh Kế và Dĩnh Trì, với quy mô dân số gần 123.000 người. Là địa bàn trung tâm, có mật độ dân cư cao, ngay từ khi bắt đầu vận hành ngày 1/7, Trung tâm Phục vụ hành chính công của phường luôn trong tình trạng quá tải, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 500 lượt công dân, có thời điểm lên tới hơn 700 người.
Trước áp lực lớn, Ủy ban nhân dân phường đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị và bố trí nhân sự tại Trung tâm Phục vụ hành chính công nhằm bảo đảm việc tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính diễn ra nhanh chóng, thuận lợi, không bị gián đoạn. Hiện, Trung tâm được bố trí tại hai địa điểm là trụ sở Ủy ban nhân dân phường Ngô Quyền (cũ) và Ủy ban nhân dân phường Dĩnh Kế (cũ), mỗi nơi có 10 quầy giao dịch. Đồng thời, phường tăng cường 3 cán bộ và 3 đoàn viên thanh niên hỗ trợ người dân thao tác hồ sơ trực tuyến, tạo tài khoản định danh điện tử VNeID và hướng dẫn sử dụng các tiện ích số.
Ông Lê Thiện Tích, phường Bắc Giang đến làm thủ tục nhận lương hưu và trợ cấp thương binh qua tài khoản chia sẻ: “Tôi được cán bộ hướng dẫn tận tình, chu đáo nên hoàn thành thủ tục nhanh chóng, không phải đi lại nhiều lần”.
Ông Lương Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Bắc Giang, cho biết: "Ngay ngày đầu đi vào vận hành (1/7), Trung tâm đã niêm yết đầy đủ bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền cấp phường, đồng thời phối hợp với đơn vị tư vấn, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh vận hành phần mềm giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm đội ngũ cán bộ sử dụng thành thạo phần mềm".
Tuy nhiên, theo ông Huy, phần mềm cơ bản đã thông suốt nhưng vẫn xảy ra tình trạng nghẽn mạng vào một số thời điểm do lượng truy cập lớn; một số thủ tục chưa thực hiện được trực tuyến. Với những trường hợp này, Trung tâm linh hoạt tiếp nhận hồ sơ bản giấy và hỗ trợ nộp thay qua hệ thống trực tuyến.
Ông Huy cũng cho biết thêm, nhiều người dân đánh giá mô hình chính quyền hai cấp mang lại thuận lợi rõ rệt khi các thủ tục hành chính được gom về cấp phường, giúp tiết kiệm thời gian, công sức do không phải đi lại nhiều nơi. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả phục vụ, cần sớm hoàn thiện phần mềm, tăng tốc độ truy cập nhằm bảo đảm hệ thống vận hành trơn tru.
Đoàn viên thanh niên hướng dẫn người dân bấm số thực hiện thủ tục hành chính.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Bắc Giang Trần Văn Thanh cho hay: “Do tiếp nhận khối lượng công việc từ 7 phường trước đây nên số lượng công dân đến làm thủ tục rất lớn. Chúng tôi đã chủ động bố trí thêm quầy giao dịch, tăng cường nhân lực và yêu cầu cán bộ, công chức làm việc cả ngoài giờ, kể cả cuối tuần để giải quyết kịp thời nhu cầu của người dân”.
Dự kiến thời gian tới, phường sẽ rà soát lại quỹ nhà đất công để quy hoạch một trung tâm hành chính tập trung, hiện đại, khang trang hơn nhằm phục vụ người dân thuận tiện nhất.
Cần hoàn thiện hệ thống, đào tạo cán bộ, đồng bộ hạ tầng
Xã Tân Dĩnh, tỉnh Bắc Ninh được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 xã của huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang cũ gồm: Tân Dĩnh, Thái Đào và Đại Lâm. Ngay từ đầu, địa phương đã chuẩn bị kỹ lưỡng về tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể, chuyên môn đúng quy định, bảo đảm hoạt động thông suốt khi chuyển sang mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính tại xã hiện được thực hiện tại hai địa điểm. Theo lãnh đạo xã, sau hơn một tuần triển khai, Trung tâm Phục vụ hành chính công xã đã tiếp nhận gần 500 lượt công dân, các thủ tục được thực hiện đúng quy định, trả kết quả đúng hạn, không phát sinh kiến nghị.
Tuy nhiên, do khoảng 85% người dân tập trung tại điểm trung tâm, việc chỉ có một con dấu của Ủy ban nhân dân xã khiến công dân phải chờ đợi lâu khi đến làm thủ tục ở điểm còn lại. Bên cạnh đó, nhiều thủ tục hành chính chưa được tích hợp đầy đủ lên Cổng dịch vụ công, việc thực hiện trực tuyến còn hạn chế; ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết chưa đồng bộ; chưa có quy định về mức thu phí, lệ phí chung của tỉnh Bắc Ninh nên còn vướng mắc.
Nhiều ý kiến cho rằng, để mô hình chính quyền địa phương hai cấp vận hành nhịp nhàng, tỉnh cần sớm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhằm thích ứng với nhiệm vụ mới, nhất là những nội dung trước đây thuộc thẩm quyền cấp huyện. Đồng thời, tỉnh cần sớm ban hành quy định cụ thể về phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được ủy quyền cho công chức cấp xã để bảo đảm hiệu quả chỉ đạo, điều hành và giải quyết thủ tục hành chính kịp thời.
Các cơ quan Trung ương và tỉnh cần tiếp tục kết nối, hoàn thiện hệ thống giải quyết thủ tục hành chính với cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành như: Hộ tịch điện tử, dân cư, doanh nghiệp, lý lịch tư pháp, đất đai, thuế, kho bạc, bảo hiểm…, phù hợp với mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị cần đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số hiện nay.
Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Bắc Giang, tỉnh Bắc Ninh tiếp nhận khoảng 500 lượt công dân mỗi ngày thực hiện các thủ tục hành chính.
Đánh giá về hoạt động của chính quyền địa phương hai cấp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn khẳng định: Cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc rất quyết liệt và bước đầu thích ứng tốt với yêu cầu, nhiệm vụ mới. Tinh thần, thái độ của cán bộ, công chức đã chuyển từ làm nhiệm vụ hành chính sang phục vụ nhân dân. Tỉnh ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất tốt nhất cho hoạt động của hệ thống chính quyền địa phương hai cấp, đặc biệt là các Trung tâm Phục vụ hành chính công.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục củng cố hoạt động của các Trung tâm Phục vụ hành chính công từ tỉnh đến xã, phường; xác định rõ tinh thần làm việc và trách nhiệm của từng cán bộ, công chức trong tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính. Đối với phần mềm mới, mỗi đơn vị cần bố trí cán bộ kỹ thuật riêng để hỗ trợ vận hành hiệu quả. Các đơn vị, địa phương chủ động rà soát trang thiết bị, cơ sở vật chất, đề xuất bổ sung kịp thời, tránh gián đoạn trong phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Tại buổi tiếp xúc cử tri về tổ chức chính quyền địa phương hai cấp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: “Sự khác biệt của chính quyền địa phương hai cấp là cấp xã có Trung tâm Phục vụ hành chính công - đây là cơ cấu cứng trong tổ chức bộ máy nhằm bảo đảm cấp xã đủ năng lực giải quyết tất cả thủ tục hành chính cho người dân ngay tại nơi cư trú”. Phó Thủ tướng yêu cầu, tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phải đầu tư tốt về cơ sở vật chất, bố trí con người đúng chuyên môn, giỏi nghiệp vụ, đảm bảo phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.