Những kỷ niệm 'vào sinh ra tử'

Nhân  kỷ niệm 35 năm Ngày Chiến thắng chế độ diệt chủng ở Campuchia (7/1/1979-7/1/2014), những người lính quân tình nguyện Việt Nam từng chiến đấu ở chiến trường Campuchia lại có dịp gặp gỡ, ôn lại những kỷ niệm 35 năm về trước.

Những ngày này, cánh cửa của gia đình Đại úy Nguyễn Văn Hoàn, nguyên Trợ lý tác chiến Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 luôn rộng mở đón tiếp những vị khách đặc biệt là những người đồng đội đã gắn bó với ông trong những năm tháng trên đất nước Campuchia, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.  

Quân khơ me đỏ dùng cuốc đánh vỡ đầu những người dân Campuchia không đi theo chúng. Hơn 3 triệu người Campuchia đã bị giết hại một cách man rợ dưới chế độ cai trị của Pôn Pốt. Ảnh tư liệu. Nguồn: TTXVN


Bỏ xa sự ồn ào, náo nhiệt của phố phường Hà Nội, căn nhà Tình nghĩa của gia đình Đại úy Nguyễn Văn Hoàn ẩn mình trong con hẻm nhỏ đường Hoàng Hoa Thám, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình. Trong bộ quân phục đã sờn bạc, tay bắt mặt mừng, ông mừng rỡ đón các đồng đội năm xưa: Nguyễn Hồng  Nam, Nguyễn Phương Thắng, Nguyễn Đinh Tiến... Họ cùng ôn lại những kỷ niệm không quên trong quãng thời gian sống, chiến đấu trên đất bạn Campuchia.  

Đại úy Nguyễn Văn Hoàn bồi hồi nhớ lại: Sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, gác lại phía sau bao ước mơ, hoài bão của tuổi học trò, chàng trai trẻ Hà Thành khi đó mới mười tám, đôi mươi đã tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau khi miền  Nam  hoàn toàn giải phóng, ông được đơn vị cử đi học tại Trường Sỹ quan Lục quân 2, sau đó, về Sư đoàn 9 thuộc Quân đoàn 4 làm nhiệm vụ huấn luyện.         

Trước họa diệt chủng tại Campuchia, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia đề nghị Việt  Nam  giúp đỡ. Năm 1978, tham gia đội quân tình nguyện sang chiến đấu giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng, Sư đoàn 9 được giao nhiệm vụ đánh hai bên sườn để bảo vệ hướng chủ yếu đánh chiếm và giải phóng Thủ đô Phnompenh. Trước sự tấn công vũ bão của liên quân Việt  Nam  - Campuchia, các đơn vị của Pôn Pốt đã tháo chạy khỏi Phnompenh.

Một số đơn vị bộ đội tình nguyện Việt Nam được lệnh rút quân về nước, riêng Sư đoàn 9 được giao nhiệm vụ ở lại giúp nhân dân Campuchia tái thiết, xây dựng, củng cố chính quyền non trẻ. Khi tàn quân Pôn Pốt tháo chạy, để lại một thành phố hoang tàn, đổ nát nhân dân Campuchia đói khổ, ốm đau, bệnh tật và chết chóc.

Trong bối cảnh đó, bộ đội Việt Nam đã sẵn sàng “nhường cơm sẻ áo”, giúp nhân dân sửa chữa, xây dựng mới nhà cửa, trường học, bệnh viện đồng thời làm nhiệm vụ ổn định tư tưởng nhân dân, bảo vệ tài sản, giúp dân sản xuất… Nhờ đó, đời sống của nhân dân Campuchia ngày càng ổn định tin tưởng và gắn bó sâu sắc hơn với bộ đội Việt  Nam .  

Tiếp tục dòng hồi ức, người Đại úy già kể: “Sau khi giúp bạn xây dựng, củng cố chính quyền, các chiến sỹ Sư đoàn 9 tiếp tục nhận nhiệm vụ hành quân tiến sâu vào biên giới Thái Lan - Campuchia để truy quét tàn quân còn lại. Lúc đó, giữ cương vị là người chỉ huy, để nắm được tình hình tư tưởng của anh em, tôi đã tham gia cùng bộ đội tải gạo vào chốt của ta cắm sâu trong rừng. Đây được xem là vùng rừng núi thâm u, bí hiểm và khắc nghiệt”.    

Là người đã từng sống, chiến đấu trên nước bạn Campuchia gần 5 năm, bác Nguyễn Hồng Nam, nguyên bộ đội trinh sát, Sư đoàn 9 tiếp lời: “Kỷ niệm với nhân dân nước bạn nhiều lắm, nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất là lần đi trinh sát pháo binh cùng bộ binh giải phóng Thủ đô Phnompenh. Để hỗ trợ đơn vị chủ lực đánh thẳng vào Thủ đô, đơn vị tôi được giao nhiệm vụ hành quân bí mật luồn vào phía sau địch, khi nào tuyến chính đánh vào, đơn vị tôi được lệnh đánh lên.


Hành quân bí mật từ 8h tối đến 5 giờ sáng hôm sau mới đến điểm tập kích. Tuy nhiên, vì chưa có lệnh nổ súng, tất cả các chiến sỹ phải nằm chờ trong cánh rừng tràm lúp xúp. Điều đáng sợ là, trong rừng tràm có rất nhiều sâu róm. Sâu ở khắp mọi nơi. Đụng vào đâu cũng thấy sâu. Sâu bò lổm ngổm khắp người… Các chiến sỹ ai cũng sợ hãi, ngứa ngáy, khó chịu nhưng vì nhiệm vụ bí mật nên đành cắn răng chịu đựng. Đó là kỷ niệm mỗi lần kể lại, tôi vẫn cảm thấy khâm phục chính mình. Bởi, tôi vốn là người rất sợ các loại động vật không chân, đặc biệt là sâu róm. Nhưng nghĩ đến bao đồng đội của mình đã ngã xuống, sự quyết tâm đã lấn át nỗi sợ hãi, hoàn thành nhiệm vụ được giao”.  

Bác Nguyễn Phương Thắng tiếp lời đồng đội: “Khi vào chiến trường, do điều kiện và hoàn cảnh, cùng lúc tôi phải đảm nhận 3 nhiệm vụ: sơ cứu vết thương cho đồng đội, trực tiếp cầm súng chiến đấu và khi cần sẵn sàng vác đạn vào trận tuyến. Kỷ niệm nhớ nhất là, trong trận chiến ác liệt giải phóng Thủ đô Phnompenh, tôi đã vác một lúc hai quả đạn nặng 32 kg xông thẳng vào trận địa. Tôi vẫn nhớ như in lời của Đại đội trưởng hét lên “Rơi là nổ”, nhưng không hiểu sao lúc đó ý chí trong tôi cứ ngụt ngụt dâng, quên hết mọi hiểm nguy, nặng nhọc, băng băng vác đạn vào trận địa…”.  

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ Quốc tế mà Đảng, Nhà nước giao, các chiến sỹ quân tình nguyện Việt  Nam  trở về cuộc sống đời thường. Người tiếp tục nhận nhiệm vụ công tác. Người trở về quê hương gắn bó với ruộng vườn. Mỗi người một hoàn cảnh, cứ 5 năm 1 lần, Ban liên lạc Cựu chiến binh Sư đoàn 9 Quân tình nguyện ở Campuchia do Đại úy Nguyễn Văn Hoàn làm Trưởng ban lại tổ chức gặp mặt, giao lưu, ôn lại những kỷ niệm “vào sinh ra tử” đồng thời xây dựng Quỹ Nghĩa tình đồng đội, kịp thời giúp đỡ, động viên nhau khi ốm đau, hoạn nạn.  

Trong không khí sum họp đầm ấm, những người lính năm xưa vẫn hàn huyên không dứt, những tiếng cười ròn tan trong căn nhà nhỏ. Dù ở hoàn cảnh nào, họ vẫn phát huy bản chất Bộ đội cụ Hồ và truyền thống "Sư đoàn 9 - Đoàn kết - Khiêm tốn - Anh dũng sáng tạo - Đi là chiến thắng - Đánh là dứt điểm”. 


Khiếu Tư
   Campuchia: Bộ Quốc phòng quyết tâm bảo vệ kết quả bầu cử và Chính phủ
Campuchia: Bộ Quốc phòng quyết tâm bảo vệ kết quả bầu cử và Chính phủ

Tuyên bố chính thức của Bộ Quốc phòng Campuchia ra chiều 3/1 cho biết quân đội Hoàng gia sẽ bảo vệ kết quả bầu cử Quốc hội Campuchia khóa V và Chính phủ Hoàng gia do Thủ tướng Hun Sen lãnh đạo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN