Những điều thú vị về bút danh của Bác Hồ

Phó Tiến sĩ ngữ văn học Anatoly Sokolov là chuyên gia hàng đầu về lịch sử quan hệ Nga - Việt, lịch sử và những vấn đề văn hóa - xã hội của Việt Nam đương đại thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Australia và châu Đại dương của Viện Nghiên cứu Phương Đông trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga (RAS).

Mối quan hệ gần gũi với ông đã giúp ích rất nhiều cho tôi, một phóng viên TTXVN tại LB Nga, trong công việc nhờ những công trình nghiên cứu của ông, đặc biệt là những nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chuyên gia này không chỉ nổi tiếng trong giới các nhà Việt Nam học Nga mà ông cũng quen biết hầu hết các nhà Nga học của Việt Nam. Lĩnh vực ông nghiên cứu rất đặc thù vì lịch sử và văn hóa xã hội Việt Nam là một lĩnh vực khó, cụ thể là với những người rất tỉ mỉ và cẩn thận như ông khi tìm tư liệu về Việt Nam phục vụ cho nghiên cứu của mình.

Mối lương duyên “công việc” của tôi với ông Sokolov bắt đầu năm 2015, khi ông giới thiệu với tôi nghiên cứu “Hồ Chí Minh: Các chuyến thăm Liên Xô từ năm 1950 đến năm 1952” của mình. Dựa trên đó, tôi đã thực hiện bài “Chuyến công du đối ngoại bí mật lịch sử của Hồ Chí Minh”, đăng đúng dịp 19/5, hé lộ bước đi ngoại giao quan trọng nhằm thu hút sự ủng hộ của Trung Quốc, Liên Xô đối với Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ. Đặc biệt, trong những chuyến đi này có thể kể đến chuyến thăm Liên Xô bí mật của Bác đầu năm 1950.

Trong sự nghiệp học thuật của mình, chuyên gia Sokolov đã thực hiện hơn 100 bài viết và công trình khoa học về Việt Nam thuộc các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, văn học, xã hội. Những công trình lớn của ông là các cuốn sách “Quốc tế Cộng sản và Việt Nam”, “Người Nga ở Việt Nam”, “Hoàng tử Vyazemsky tại Việt Nam. Nhật ký” và cả 3 cuốn sách này đều đã được dịch sang tiếng Việt. Gần đây, ông Sokolov đã thực hiện hai nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đó là bài nghiên cứu “Hồ Chí Minh - nhà giáo, nhà nghiên cứu, nhà báo trong thời gian làm việc ở Quốc tế Cộng sản (1923-1938)" và bài nghiên cứu “Các bí danh và bút danh của Hồ Chí Minh”, được Viện Nghiên cứu Phương Đông công bố năm 2021. Trong số này, nghiên cứu về các bí danh và bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh quả thực thú vị với những người chuyên nghề viết lách. Nó đã cho thấy sự sáng tạo trong việc sử dụng ngôn ngữ cũng như những dấu ấn cuộc đời cách mạng của Bác.

Nghiên cứu đánh giá Bác đã đến thăm nhiều nước trên thế giới, tích cực làm việc với nhiều báo và tạp chí nước ngoài. Ngòi bút của Bác ghi dấu ấn ở nhiều bài báo chính trị và sách báo châm biếm, tiểu luận, truyện ngắn và thơ trữ tình. Chính vì vậy, nghiên cứu đã thống kê được tổng cộng hơn 160 bí danh và bút danh của Bác trong các hoạt động cách mạng, chính trị, văn học và báo chí.

Nhà nghiên cứu Sokolov phân loại các bí danh và bút danh của Hồ Chí Minh theo hai khía cạnh: thực tiễn sử dụng căn cứ theo nhiệm vụ cụ thể của hoạt động chính trị và chức năng. Ông cho biết tên "Nguyễn Ái Quốc" (có nghĩa là người yêu nước họ Nguyễn) lần đầu tiên xuất hiện ngày 18/6/1919 trong “Yêu sách của Nhân dân An Nam” đăng trên báo L’Humanite. Các yêu sách này sau đó đã được những người yêu nước của thuộc địa Đông Dương sống ở Paris (Pháp) gửi đến Hội nghị Hòa bình Versailles. Nghiên cứu cũng điểm lại khó khăn mà Bác phải đối mặt khi đi từ Paris đến nước Nga Xô Viết mùa Hè năm 1923 và phải sử dụng tên Chen Wang, vì khi đó Bác “là kẻ thù thực sự đối với nhà chức trách Pháp”.

Nghiên cứu kết luận rằng các bí danh của Hồ Chí Minh thời kỳ này có đặc điểm là gần như giấu hoàn toàn tên thật và quốc tịch, thích ứng với điều kiện chính trị cụ thể ở một quốc gia cụ thể. Vì vậy, ở Trung Quốc, Bác sử dụng những cái tên "Lý Thụy", "Hồ Quang",  "Sung Man Cho", ở Moskva  là "Lin", ở châu Âu là "Paul", "Victor Lebon" hay ở Thái Lan là "Thầu Chín" … Nghiên cứu cũng tổng kết rằng tên Hồ Chí Minh được "khai sinh" tháng 8/1942, khi Bác từ tỉnh biên giới Cao Bằng sang Trung Quốc để liên lạc với các nhà cách mạng Việt Nam ở đó.

Trong nghiên cứu của mình, chuyên gia Sokolov cho biết Bác Hồ có một bí danh Latinh là "Lucius", bí danh này do sĩ quan Mỹ Charles Fenn thuộc Văn phòng Dịch vụ chiến lược (OSS) đặt cho Người. Lucius là tên nam thời La Mã cổ đại, có nghĩa là “tươi sáng, rực rỡ”. Ở đây có thể thấy ẩn ý của bí danh này với cái tên "Hồ Chí Minh", “tạm dịch là Hồ khai sáng, sáng suốt”. 

Chuyên gia Sokolov cũng tổng kết về những bút danh ý nghĩa trong các bài viết của Hồ Chủ tịch để khuyến khích, cổ động nhân dân hăng hái đóng góp vào sự nghiệp cách mạng. Ví dụ như tháng 3/1947, Hồ Chí Minh viết tác phẩm nổi tiếng "Đời sống mới", trong đó Người đề cập đến những vấn đề cấp bách của xã hội Việt Nam và sử dụng bút danh "Tân Sinh", trong tiếng Việt cổ có nghĩa là "Cuộc sống mới". Năm 1951, Hồ Chí Minh hoàn thành bản dịch truyện ký “Tỉnh uỷ bí mật” của A.F. Fedorov sử dụng bút danh "Nguyễn Du Kích", ám chỉ người có kinh nghiệm về chiến tranh du kích.

Năm 1960, Bác Hồ đã viết hơn 20 bài báo về sự cần cù, tiết kiệm trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa trên cả nước. Phía dưới các bài báo này là bút danh "C.K.", chữ cái viết tắt của từ “cần kiệm”. Điều này cũng có thể giải thích nguyên nhân các bài viết về nông nghiệp đăng trên báo Nhân Dân giai đoạn 1964-1965 được Bác sử dụng bút danh "Lê Nông", tức là "Lê nông dân", còn trong loạt bài “Cần, kiệm, liêm, chính” gồm 4 bài đăng trên báo Cứu Quốc (30/5 - 2/6/1949), bút danh "Lê Quyết Thắng" được Bác sử dụng. Bác cũng sử dụng bút danh "Trần Thắng Lợi" trong bài báo “Đảng ta” năm 1949.

Ở một khía cạnh khác, theo nghiên cứu, trong cuộc đời hoạt động của mình, Bác Hồ cũng đã đặt tên cho nhiều người. Bác thích đặt cho mọi người những cái tên mới, thay tên họ và đã có rất nhiều trường hợp như vậy. Ví dụ như từ cuối thập niên 20 đầu thập niên 30 của thế kỷ trước, 3 thanh niên Việt Nam yêu nước từ làng Kim Liên - quê hương Bác đã sang Xiêm, rồi sang Trung Quốc, gặp Hồ Chí Minh. Dưới sự lãnh đạo của Người, họ bắt đầu hoạt động cách mạng và học tập. Ở đó, họ nhận được những cái tên mới do Hồ Chí Minh đặt là "Lý Nam Thanh", "Lý Thúc Chất" và "Lý Anh Tự". Lý là họ chung của họ, từ đó họ trở thành cháu họ của Bác vì lúc đó Hồ Chí Minh được gọi là "Lý Thụy".

Sau đó, họ đến Liên Xô, cùng với hai người Việt Nam nữa - Vương Thúc Tình và Lý Phú San, tình nguyện gia nhập Hồng quân chiến đấu bảo vệ thủ đô Moskva trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Bốn người trong số họ, trừ ông Lý Phú San, đã hy sinh anh dũng trên tuyến phòng thủ phía Nam thủ đô Moskva từ tháng 10/1941 đến tháng 1/1942. Nghiên cứu cũng nêu trường hợp nhà khoa học, kỹ sư quân sự tài năng Phạm Quang Lễ được Chủ tịch Hồ Chí Minh đổi sang tên mới rất ý nghĩa là Trần Đại Nghĩa, người mãi mãi đi vào lịch sử với tư cách "cha đẻ" của ngành quốc phòng Việt Nam. Một ví dụ khác cũng đề cập đến là trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, 8 người xung quanh Bác đã được Người đặt những tên mới là Trường-Kỳ-Kháng-Chiến-Nhất-Định-Thắng-Lợi, ám chỉ cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam nhất định đi đến chiến thắng vẻ vang. 

Nhà nghiên cứu Sokolov kết luận rằng Bác Hồ biết nhiều ngoại ngữ (trong phiếu điều tra đại biểu tham dự Đại hội toàn thế giới Quốc tế Cộng sản lần thứ VII ghi rằng Bác nói được tiếng Anh, Pháp, Trung, Italy, Đức và Nga), Bác đã đọc các tác phẩm của Dickens, Zola, Hugo, Lỗ Tấn bằng ngôn ngữ gốc. Vì vậy, việc Bác viết và ký “sáng tạo” nhiều bài báo của mình theo đúng quy tắc ngôn ngữ Bác sử dụng là điều hoàn toàn tự nhiên.

Duy Trinh (TTXVN)
132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: 'Người là tình yêu thiết tha nhất...'
132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: 'Người là tình yêu thiết tha nhất...'

“Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất, trong lòng dân và trong trái tim nhân loại”. Lời thơ, lời ca ấy đã phần nào nói lên được mối liên hệ kỳ diệu giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và tình yêu thương, niềm tự hào của nhân dân Việt Nam và của nhân loại tiến bộ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN