Vi phạm của Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015, của Ban cán sự Đảng UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2011 - 2016 và các cá nhân là nghiêm trọng, đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền thành phố, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét kỷ luật. Đây là một trong những nội dung kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về sai phạm tại dự án Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm.
Ảnh hưởng xấu uy tín cấp ủy
Theo Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Thường vụ Thành ủy và Ban cán sự Đảng UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện dự án đầu tư KĐTM Thủ Thiêm, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của một bộ phận nhân dân thành phố, gây bức xúc trong xã hội.
Về trách nhiệm cá nhân, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ, ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy. Ông Lê Hoàng Quân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên Chủ tịch UBND thành phố cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy và chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng UBND Thành phố.
Ông Nguyễn Văn Đua, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Ủy viên Ban cán sự Đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố; bà Nguyễn Thị Hồng, ông Lê Văn Khoa, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Ủy viên Ban cán sự Đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố; ông Vũ Hùng Việt, nguyên Thành ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự Đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy, của Ban cán sự Đảng UBND Thành phố và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công.
Vi phạm của Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015, của Ban cán sự Đảng UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2011 - 2016 và các cá nhân nêu trên đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền Thành phố, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét kỷ luật.
Trước đó, ông Tất Thành Cang, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã bị kỷ luật, cách chức Ủy viên Trung ương Đảng do vi phạm trong vụ chuyển nhượng 32 ha đất công Phước Kiển, huyện Nhà Bè. Đồng thời trong thời gian giữ cương vị Thành ủy viên, Ủy viên UBND Thành phố, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, ông Tất Thành Cang đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng trong việc ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong KĐTM Thủ Thiêm. Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, những vi phạm của ông Tất Thành Cang là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Phá vỡ quy hoạch
Theo thông tin phóng viên thu thập được, ngày 4/6/1996, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt ký Quyết định số 367/TTg (gọi tắt là Quyết định 367) phê duyệt quy hoạch xây dựng KĐTM Thủ Thiêm với diện tích 930 ha; trong đó, khu đô thị mới là 770 ha, khu tái định cư 160 ha.
Ngày 22/2/2002, Chính phủ có Công văn số 190/CP-NN cho phép UBND Thành phố căn cứ vào Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ để thu hồi 930 ha thuộc các phường An Khánh, Bình An, Bình Khánh, An Lợi Đông và Thủ Thiêm, Quận 2 để bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tiếp đó, ngày 6/3/2002 ông Vũ Hùng Việt, Phó Chủ tịch UBND Thành phố ký văn bản số 718/UB-ĐT giao UBND quận 2 xác định rõ địa điểm, diện tích và ranh giới giao đất 930 ha, nếu thiếu cho phép điều chỉnh diện tích các khu đất các dự án trên địa bàn Quận 2 để thu đủ diện tích theo Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ.
Sau khi có Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ, UBND Thành phố đã ban hành nhiều quyết định, kế hoạch thực hiện dự án với nhiều sự điều chỉnh, không thống nhất, không phù hợp, thậm chí có dấu hiệu làm trái chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, gây thiệt hại, bức xúc, khiếu nại, tố cáo của người dân. Với Thông báo 1483/TB-TTCP ngày 4/9/2018 (gọi tắt là Thông báo 1483) và Thông báo 1041/TB-TTCP ngày 26/6/2019 (gọi tắt là Thông báo 1041), Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại dự án KĐTM Thủ Thiêm.
Đến ngày 22/3/2002, Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh có công văn số 77/TB-VP thông báo kết luận của ông Lê Thanh Hải, lúc này đang là Chủ tịch UBND thành phố (về sau giữ chức Bí thư Thành ủy Thành phố) giao Kiến trúc sư trưởng thành phố, Giám đốc Sở Địa chính nhà đất (nay là Sở Tài nguyên và Môi trường) có trách nhiệm cắm mốc giao đủ 770 ha đất khu trung tâm, theo giải pháp bổ sung diện tích khu tái định cư Bình Khánh vào trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm.
Cũng trong ngày 22/3/2002, Văn phòng UBND Thành phố tiếp tục có văn bản số 78/TB-VP thông báo kết luận của ông Lê Thanh Hải chỉ đạo việc xác định diện tích khu tái định cư 160 ha phải thu đủ, nhưng không nhất thiết một địa điểm, có thể bố trí từ 3-4 địa điểm trên địa bàn Quận 2.
Hai chỉ đạo nói trên của ông Lê Thanh Hải không phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 367 và của Chính phủ tại Công văn số 190/CP-NN, “bật đèn xanh” và gây ra hệ luỵ cho việc mở ranh giới quy hoạch, lấy 4,3 ha đất khu phố 1 phường Bình An, Quận 2 vốn dĩ nằm ngoài ranh quy hoạch khu trung tâm đô thị mới “đắp vào” khu tái định cư 160 ha, dẫn tới khiếu nại dai dẳng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi. Trong khi đó, tháng 5/2002, Sở Địa chính nhà đất thành phố xác định, thực tế diện tích toàn khu ĐTM Thủ Thiêm đo được chỉ là 787,6 ha, trong đó có 659,1 ha mặt đất, còn lại là mặt nước và diện tích tuyến đường giao thông Đại lộ Đông Tây. Trên thực tế Thành phố chỉ ban hành quyết định thu hồi được 621,4 ha.
Đến tháng 12/2005 ông Nguyễn Văn Đua - Phó Chủ tịch UBND Thành phố ký Quyết định số 6565/QĐ-UBND về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5000 trong đó giảm diện tích khu trung tâm theo từ 770 ha theo Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ xuống còn 737 ha, đồng thời đưa ra dự án “mới lạ” là khu chỉnh trang 80ha nhằm hợp thức hoá cho việc đã giao đất tái định cư cho doanh nghiệp làm dự án nhà ở, dịch vụ thương mại mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 367. Ngoài ra tại Điều 2 của Quyết định 6565/QĐ-UBND nói trên, ông Nguyễn Văn Đua đã thể hiện sự vượt quyền khi xác định “Thay thế Quyết định số 367/TTg ngày 4/6/1996 của Thủ tướng Chính phủ”.
Diễn biến trên cho thấy, trong quá trình triển khai dự án KĐTM Thủ Thiêm, việc kiểm đếm, đo đạc địa chính, điều tra nhu cầu tái định cư thiếu chính xác, không sát thực tế. Trong khi trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 367 phê duyệt quy hoạch 930 ha thì trước đó một số khu đất trên bán đảo Thủ Thiêm đã được giao cho doanh nghiệp làm dự án nên không đủ diện tích. Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh từng chỉ rõ việc 55 dự án được giao đất sau khi có Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ chứng tỏ thành phố nắm không sát và quản lý đất đai không tốt, ảnh hưởng đến khu tái định cư 160 ha.
Bài cuối: Lấy lại niềm tin của nhân dân