Nhìn lại 10 năm cải cách hành chính - Bài cuối: Đi vào chiều sâu trong từng lĩnh vực

Quá trình thực hiện cải cách hành chính thời gian qua đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước ta. Những thành tựu quan trọng đạt được trong thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 đã thể hiện rõ điều này.

Chú thích ảnh
Chiều 30/12/2020, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 1 năm vận hành Cổng Dịch vụ công Quốc gia và công bố dịch vụ công trực tuyến thứ 2.700. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Những dấu hiệu tích cực

Theo báo cáo của Chính phủ, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2011 tăng 5,89%, đến năm 2015 tăng 6,68% và GDP năm 2019 đạt kết quả ấn tượng, với tốc độ tăng 7,02%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng năm đều tăng cả về số dự án và số vốn thực hiện: Năm 2019 số dự án tăng hơn 2.842 dự án và tăng gấp hơn 3,3 lần so với năm 2011, số vốn thực hiện tăng hơn 9,3 tỷ USD, gấp hơn 1,8 lần so với năm 2011. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới năm 2019 tăng hơn 60.600 doanh nghiệp so với năm 2011.

Bên cạnh đó, một loạt chỉ số của Việt Nam được các cơ quan, tổ chức quốc tế đánh giá có sự cải thiện cả về điểm số và vị trí xếp hạng. Năm 2020, chỉ số Chính phủ điện tử của Việt Nam đứng ở vị trí thứ 86/193 quốc gia, tăng 2 bậc so với năm 2018 và đã duy trì thăng hạng liên tục từ năm 2014 đến nay.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, theo đánh giá gần nhất của các tổ chức quốc tế, Việt Nam được đánh giá thăng hạng cả ở chỉ số Môi trường kinh doanh và chỉ số Năng lực cạnh tranh quốc gia 4.0. Chỉ số Môi trường kinh doanh từ vị trí 90/190 quốc gia khi Chính phủ bước vào nhiệm kỳ mới (năm 2016) đã lên vị trí 70 vào năm 2020. Chỉ số Năng lực cạnh tranh quốc gia 4.0, dù không được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đánh giá xếp hạng vào năm 2020 do đại dịch COVID-19, nhưng đã được ghi nhận tăng 10 bậc từ vị trí 77/140 quốc gia và nền kinh tế ở năm 2018 lên vị trí 67 vào năm 2019, là mức tăng cao nhất trên thế giới trong năm qua.

"Kết quả đánh giá của các tổ chức quốc tế uy tín này là những chỉ dấu tích cực phản ánh kết quả mà Chính phủ kiến tạo đã và đang đạt được thông qua sự chủ động thiết kế ra một hệ thống pháp luật tốt, những chính sách tốt, thể chế tốt để nuôi dưỡng nền kinh tế phát triển, việc kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi, và việc xây dựng chính quyền điện tử", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định.

Tổ chức bộ máy hành chính còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc

Tuy đạt được nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực cải cách hành chính, song, thẳng thắn nhìn lại, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ cho rằng, cải cách thể chế vẫn còn những bất cập, hạn chế. Tính ổn định và khả năng dự báo trong một số lĩnh vực chưa cao; một số quy định chưa đồng bộ, thống nhất, khả thi, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thậm chí còn có nội dung chồng chéo, mâu thuẫn.

Vẫn còn văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái luật. Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh chưa được khắc phục triệt để. Chất lượng báo cáo đánh giá tác động (nhất là tác động giới) theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế; chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật.

Cải cách thủ tục hành chính vẫn chưa thực sự là động lực mạnh mẽ cho cải thiện môi trường kinh doanh. Điều kiện kinh doanh chậm được cắt giảm, có những thủ tục hành chính được cắt giảm nhưng lại phát sinh những thủ tục hành chính mới ở các nội dung khác. Cắt giảm thủ tục hành chính ở những lĩnh vực mà người dân, doanh nghiệp ít cần được giải quyết. Tính liên thông trong cải cách thủ tục hành chính chưa cao. Chưa triển khai đầy đủ, thống nhất việc đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy hành chính còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc. Chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của bộ máy hành chính trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa được xác định thật rõ và phù hợp; sự phân công, phân cấp giữa các ngành và các cấp chưa thật rành mạch. Việc sắp xếp tổ chức chưa gắn kết với việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ nên hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa cao. Công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan, địa phương trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước còn hạn chế; phương thức hoạt động, cách thức giải quyết công việc trong nội bộ cơ quan hành chính chưa có sự đổi mới.

Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đánh giá, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức có nơi chưa đồng đều, thậm chí còn yếu; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức khi giải quyết công việc liên quan đến tổ chức và người dân chưa làm hết trách nhiệm, còn có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực. Việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thời gian qua còn hạn chế, nhất là cơ cấu chức danh ngạch, chức danh nghề nghiệp. Công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức vẫn là khâu yếu. Công tác quản lý cán bộ ở một số cơ quan, đơn vị còn chưa nghiêm, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật, còn có sai phạm.

Cải cách tài chính công còn nhiều hạn chế. Việc sử dụng ngân sách và vốn đầu tư công còn lãng phí, thất thoát, kém hiệu quả. Việc đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm; chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trên một số lĩnh vực chưa cao.

Việc xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, xã hội số còn chưa đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương. Hệ thống dữ liệu dùng chung chưa đầy đủ; việc kết nối, liên thông giữa các phần mềm quản lý chuyên ngành, dữ liệu dùng chung của các cơ quan, đơn vị còn khó khăn, gây cản trở cho công tác quản lý và giải quyết công việc cho người dân, tổ chức. Hiệu quả cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4 cho người dân, tổ chức còn thấp.

Chuyển sang cải cách chiều sâu

Trên cơ sở đánh giá kết quả 10 năm thực hiện cải cách hành chính, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã xây dựng một chương trình tổng thể cải cách hành chính mới cho giai đoạn 2021 - 2030. Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, giai đoạn 10 năm trước (2011 - 2020), chúng ta đi từ tổng thể, bao gồm cả 6 nội dung, từ xây dựng thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy, tài chính công, nâng cao trình độ cán bộ, công chức, viên chức và Chính phủ điện tử. Sang giai đoạn này, chiến lược cải cách hành chính hướng đến đi vào chiều sâu trong từng lĩnh vực cụ thể như: hải quan, hành chính công, lĩnh vực phục vụ cho sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp… và mục tiêu cuối cùng hướng tới là xây dựng Chính phủ số, kinh tế số. Đây là điểm mới của giai đoạn 2021-2030 và sẽ có những chuyển biến lớn về Chính phủ điện tử.

Cùng với đó, sẽ tiếp tục thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Những kết quả đạt được trong thực hiện các nghị quyết về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính 2 năm qua mới chỉ là bước đầu và thời gian tới cần tiếp tục thực hiện.

Cũng theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 10 năm tới tập trung vào vấn đề tiếp tục đào tạo nâng cao trình độ của cán bộ, công chức, viên chức.

"Sắp tới, chúng ta có những chương trình đào tạo cả về ngoại ngữ để đảm bảo tỷ lệ 30% công chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện làm việc với nước ngoài. Có thể nói đây là một trong những mục tiêu rất quan trọng. Cải cách hành chính cụ thể hơn, đi vào chiều sâu và phân công trách nhiệm rõ ràng cho các bộ, ngành, địa phương, có tiêu chí, lộ trình, bước đi phù hợp. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các nhiệm vụ thực hiện chương trình sắp tới", Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Nhìn lại 10 năm cải cách hành chính - Bài 1: Đột phá trong cải cách thủ tục và bộ máy hành chính nhà nước
Nhìn lại 10 năm cải cách hành chính - Bài 1: Đột phá trong cải cách thủ tục và bộ máy hành chính nhà nước

Qua 10 năm thực hiện, cải cách hành chính đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, song, cũng còn những tồn tại, hạn chế, đòi hỏi có những đổi mới cho chặng đường 2021 - 2030.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN