Các đại biểu thảo luận bên lề Quốc hội. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
Trao đổi với phóng viên bên lề Kỳ họp sáng 29/5, đại biểu Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hoá) – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng, tài sản thuộc ngân sách nhà nước giao cho các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập, các đơn vị lực lượng vũ trang hàng năm rất lớn. Tuy nhiên, theo các quy định hiện hành, việc ghi nhận và quản lý giá trị tài sản này rất khiêm tốn.
Theo báo cáo của Chính phủ, hiện nay tài sản công đang được ghi nhận và quản lý là khoảng 2,56 triệu tỷ đồng, tương đương chỉ khoảng 12-15% giá trị tài sản công thực tế của quốc gia. Vì thế, việc ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) nhằm quản lý, ghi nhận, sử dụng có hiệu quả hơn tài sản được hình thành, có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công là cần thiết và cấp bách trong điều kiện hiện nay. Bởi, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công, quản lý, sử dụng, khai thác tài sản công phù hợp với công năng mà mục tiêu ban đầu sẽ là cơ sở đảm bảo hoàn trả nợ công và giảm nợ công.
Để làm được điều này, cần thống kê, đánh giá được tài sản công hiện nay đang nằm ở đâu và cơ quan quản lý chịu trách nhiệm như thế nào. Người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về tài sản công đã được Chính phủ, Nhà nước chuyển giao. Tài sản công, mục đích sử dụng tài sản công phải được công khai để người dân được biết.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, dự án Luật cần quy định chế độ quản lý đối với một số tài sản đặc biệt như sân bay, bến cảng, bến tàu, các trụ sở của Đảng, Nhà nước, tiền kho dự trữ quốc gia… Các tài sản này cần áp dụng quy chế đặc biệt, giống như quản lý vũ khí, khí tài, các phương tiện quân sự phục vụ quốc phòng an ninh.
Ban soạn thảo và Cơ quan thẩm tra cũng cần nghiên cứu quy định về chế độ sử dụng, quản lý đối với đất đai phục vụ cho quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, cần rà soát các quy định của dự án Luật này với Luật Đất đai để tránh hiện tượng trùng lắp, mâu thuẫn.