Trong thời gian ở Nhật Bản, đoàn đã tới khảo sát khu vực bị ngập lụt do nước tràn đê ở quận Setagaya (thủ đô Tokyo) thuộc khu vực hạ lưu sông Tama và các điểm đê xung yếu bị vỡ ở sông Chikuma thuộc tỉnh Nagano, sông Naka và sông Kuji thuộc tỉnh Ibaraki.
Bên cạnh đó, đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để cập nhật thông tin về các hậu quả của siêu bão Hagibis, đồng thời tìm hiểu về hệ thống quản lý thiên tai, công tác chuẩn bị phòng chống mưa lũ ở Nhật Bản, đặc biệt là vấn đề xây dựng, quản lý hệ thống đê điều và chuẩn bị cơ sở vật chất cho việc ứng phó với các sự cố vỡ đê.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Wakui Junji (Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường toàn cầu của JICA, cho biết sức tàn phá của siêu bão Hagibis đã vượt quá sự tưởng tượng của nhiều người và điều này đã góp phần thúc đẩy những nhận thức mới về công tác phòng chống thiên tai ở Nhật Bản.
Trong bối cảnh tình hình biến đổi khí hậu đang diễn biến hết sức phức tạp, ông Junji khẳng định JICA sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực phòng chống thiên tai. Ông nói: “JICA và các cơ quan chức năng khác của Nhật Bản có lịch sử lâu dài trong việc hợp tác phòng chống thiên tai với các nước, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, vấn đề phòng chống thiên tai sẽ mang tầm quan trọng mới trong quan hệ hợp tác này”.
Về phần mình, ông Vũ Xuân Thành, Phó Tổng Cục Trưởng Tổng cục Phòng chống Thiên tai, đã bày tỏ sự cảm thông sâu sắc trước những thiệt hại mà siêu bão Hagibis gây ra cho người dân Nhật Bản, đồng thời đánh giá cao công tác phòng chống và ứng phó với siêu bão của các cơ quan chức năng Nhật Bản. Bên cạnh đó, ông cũng bày tỏ hy vọng Chính phủ Nhật Bản nói chung và JICA nói riêng hỗ trợ Việt Nam xây dựng kịch bản ứng phó với mưa lũ, lũ quét và sạt lở đất ở khu vực miền núi phía Bắc và thiết lập hệ thống quan trắc tự động trên các sông ở Việt Nam.
Siêu bão Hagibis đổ bộ vào Nhật Bản tối 12/10 vừa qua, mang theo mưa lớn với lượng mưa đo được cao nhất trong lịch sử ở nhiều khu vực thuộc vùng Tohoku ở phía Đông Bắc và vùng Kanto-Koshin, bao gồm cả thủ đô Tokyo. Mưa lũ đã uy hiếp nhiều tuyến đê trong các vùng này, trong đó có 140 điểm đê bị vỡ trên 71 sông và nước tràn đê ở 298 sông. Có ít nhất 25.000 hécta đất bị ngập lụt. Các số liệu thống kê mới nhất của Chính phủ Nhật Bản cho thấy siêu bão đã khiến 91 người thiệt mạng và 4 người khác mất tích, gây hư hỏng 9.964 ngôi nhà và làm ngập 84.383 ngôi nhà khác.