Nhà báo Đào Tùng: Con người và con đường

Chúng tôi về thăm Bắc Giang, quê hương nhà báo Đào Tùng cùng những người thân trong gia đình ông và những đồng nghiệp trẻ ở kênh truyền hình thông tấn.

Chú thích ảnh
Nhà báo Đào Tùng dự ngày vui của phóng viên Trần Mai Hưởng và cô giáo Bùi Thị Kim Vân (1976).

Những trận mưa thu thoáng qua như nhắc nhớ. 32 năm trước, cố Tổng Giám đốc Đào Tùng đi xa đúng vào ngày kỷ niệm lần thứ 45 thành lập TTXVN, cơ quan mà ông dành nhiều tâm huyết công hiến, xây dựng. Thành phố Bắc Giang này là nơi ông sinh ra và lớn lên, tham gia cách mạng từ những năm tuổi trẻ.

Một tin vui với tập thể cán bộ, phóng viên TTXVN khi mới đây, Hội Đồng dân tỉnh Bắc Giang đã quyết định đặt tên hai con đường ở thành phố Bắc Giang mang tên các nhà báo Trần Kim Xuyến và Đào Tùng, hai nhà lãnh đạo TTXVN. Đường Trần Kim Xuyến có chiều dài gần 600m, lòng đường rộng 7,5m, vỉa hè 2x4,5m; đường Đào Tùng có chiều dài gần 1.200m, lòng đường rộng 12m, vỉa hè 2x6m.

Như vậy đến nay trong cả nước đã có 7 con đường mang tên các nhà báo của TTXVN. Năm con đường đã đặt tên trước đây là: Đường Trần Kim Xuyến tại Hà Nội và Hương Sơn (Hà Tĩnh). Đường mang tên nhà báo Bùi Đình Tuý, cố Phó Giám đốc Thông tấn xã Giải phóng, ở TP Hồ Chí Minh. Hai con đường khác mang tên hai nhà nhiếp ảnh nổi tiếng: Đường Trần Bỉnh Khuôi tại thành phố Bạc Liêu. Đường Lâm Hồng Long ở thành phố Phan Thiết.

Nhà báo Trần Kim Xuyến là người lãnh đạo đầu tiên của TTXVN, một trí thức trẻ tham gia cách mạng, đại biểu Quốc hội khoá I , hy sinh trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến chống Pháp. Ông là liệt sĩ đầu tiên của giới báo chí trong cuộc chiến đấu bảo vệ nền độc lập của tổ quốc. Hai nhà báo Bùi Đình Tuý và Trần Bỉnh Khuôi là những nhiếp ảnh nổi tiếng, ngã xuống trên chiến trường miền Nam. Nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long, giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật, là người con của quê hương Phan Thiết, tác giả của những bức ảnh lịch sử “Bác bắt nhịp Kết Đoàn", “Mẹ con ngày gặp mặt” và nhiều tác phẩm khác.

Chú thích ảnh
Nhà báo Đào Tùng với các đồng nghiệp.

Trong số những nhà báo tiêu biểu cho đội ngũ những người làm thông tấn, nhà báo Đào Tùng có một vị trí đặc biệt. Liên tục 25 năm - từ 1965 đến 1990, ông là người đứng đầu cơ quan thông tấn quốc gia. Tổng Biên tập - Tổng Giám đốc Đào Tùng đã cùng Ban lãnh đạo TTXVN khi ấy, những nhà báo dày dạn bản lĩnh, kinh nghiệm, đưa toàn ngành vượt qua những nhiều thách thức, khó khăn ác liệt trong chiến tranh và hoà bình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Các danh hiệu Anh hùng được nhà nước trao tặng cho TTXVN -  hai danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang (cho TTXVN và TTXGP), danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới - là sự ghi nhận xứng đáng cho những cống hiến hy sinh của đội ngũ những người làm thông tấn.

Nhà báo Đào Tùng còn là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội nhà báo Việt Nam trong nhiều năm; Phó Chủ tịch Tổ chức quốc tế các nhà báo OIJ, có nhiều đóng góp trong hoạt động báo chí của Việt Nam và quốc tế.

Những năm tháng nhà báo Đào Tùng lãnh đạo là một thời kỳ lịch sử rất quan trọng của đất nước và của TTXVN. Ông cùng Ban lãnh đạo đã thực hiện thành công những nhiệm vụ lịch sử của thời kỳ này: Bảo đảm công tác thông tin của toàn ngành liên tục trong điều kiện rất khó khăn ác liệt, khi cuộc chiến tranh lan rộng trên cả hai miền Nam - Bắc, trên các chiến trường, với nhiều chiến dịch lớn mà đỉnh cao là Mùa xuân 75 lịch sử. Thống nhất và đổi mới hoạt động của toàn ngành trong điều kiện khó khăn sau hòa bình cho đến những năm đầu Đổi Mới để TTXVN vươn lên ngang tầm yêu cầu của thời kỳ mới…

Trên cương vị người đứng đầu, nhà báo Đào Tùng, bằng tầm nhìn xa trông rộng, bản lĩnh, tâm huyết, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông đã cùng ban lãnh đạo ngành xác định những định hướng chiến lược quan trọng nhất cho từng thời kỳ, làm tốt công tác tổ chức trên các địa bàn rộng lớn, quan tâm đến công tác cán bộ, chuẩn bị và rèn luyện đội ngũ, cũng như các công tác kỹ thuật, hậu cần… Về công tác tư tưởng, ông và tập thể ban lãnh đạo qua thực tiễn công tác, bằng chính tấm gương của mình đã tạo niềm tin, sự hứng khởi cho cả một đội ngũ vượt lên gian khổ hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đặt ra. Một nền tảng cơ bản với những giá trị cốt lõi của TTXVN được hình thành trong thời kỳ lãnh đạo của ông suốt 1/4 thế kỷ.

Chú thích ảnh
 Tổng Biên tập Đào Tùng trên đường đi chiến dịch Hồ Chí Minh (4/1975).

Tôi có nhiều kỷ niệm với cố Tổng Giám đốc Đào Tùng. Những mới vào cơ quan, tôi rất ấn tượng với phong cách sôi nổi và khả năng tạo niềm hứng khởi cho những người trẻ bằng  tư duy mới mẻ, nhiều ý tưởng có tầm nhìn rất xa của người đứng đầu cơ quan.

Khi B52 Mỹ đánh Hà Nội, tôi có những ngày giúp việc cho Phòng Thư ký biên tập. Những ngày ấy, đêm nào Tổng Biên tập Đào Tùng cũng lên cơ quan làm việc. Ông đọc và xử lý thông tin rất nhanh và rồi ký duyệt ở góc trái bản thảo bằng một chữ D hoa rất gọn. Không ít lần trong những đêm đó, máy bay Mỹ xâm phạm vùng trời Hà Nội. Bom nổ ở nhiều nơi. Tên lửa, đạn cao xạ sáng trời. Có những lúc  những người trực đêm phải xuống căn hầm phòng không ở bên khu nhà in, sát ngõ Phan Huy Chú. Xuống hầm, trong ánh đèn mờ, công việc vẫn tiếp tục.

Tôi nhớ dáng đọc tin chăm chú của nhà báo Đào Tùng, mái tóc bạc húi cua hơi nghiêng ngiêng, có lúc ông đưa tay lên bóp trán suy nghĩ, gương mặt chăm chú, đôi mắt rất tinh nhanh sau cặp kính.  Những lúc rảnh rỗi, ông hỏi chuyện về cuộc sống của anh em phóng viên ngoài mặt trận, những khó khăn nguy hiểm qua mỗi chiến dịch. Ông dặn bây giờ đang chiến tranh nhưng khi có điều kiện, lớp trẻ phải cố gắng học, nhất là ngoại ngữ, để sau này theo được yêu cầu công việc. Tôi không bao giờ quên hình ảnh người đứng đầu TTXVN trong những ngày ấy: Đầu đội mũ sắt, cặp tài liệu bên vai, dáng điệu mạnh mẽ, quả quyết, tự lái chiếc xe máy Star hàng ngày đến cơ quan trong tầm bom đạn.

Đầu tháng 4/1975,  vừa từ Đà Nẵng giải phóng trở về, đoàn công tác của Tổng biên tập Đào Tùng trên đường vào chiến trường ghé qua Huế. Tôi đưa ông và các anh trong đoàn (Văn Bảo, Trần Mai Hạnh, Phạm Vỵ, Nguyễn Chí...) đi thăm chùa Thiên Mụ, chợ Đông Ba và một số nơi trong thành phố.  Sau khi làm việc với anh em ở Huế, trao đổi với Hà Nội, ông và Ban lãnh đạo ngành quyết định thành lập tổ phóng viên mũi nhọn  từ Huế hành quân theo bước chân thần tốc của cánh quân phía đông.

Khi ấy tôi cũng không ngờ lại được gặp ông giữa Sài Gòn giải phóng và được làm việc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông. Một số bài viết của tôi những ngày này đều được ông trực tiếp sửa, trong đó có bài tường thuật lễ ra mắt của Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định (viết cùng anh Trần Mai Hạnh), “Ngày vui ở khu phố Bàn Cờ”, ”Đất thép nở hoa”, "Thăm Vũng Tàu giải phóng”, "Nổi dậy từ hầm sâu Côn Đảo”… Tôi nhớ một nhận xét ông ghi bên lề một lần đọc bài: “Còn thiếu những chi tiết có sức động viên mạnh”. Đấy là một trong những bài học về nghề đối với tôi. Sau đó, ông quyết định cử tôi ở lại làm việc trong phân xã VNTTX tại Sài Gòn sau giải phóng.

Chú thích ảnh
Nhà báo Đào Tùng và đoàn TTXVN thăm Thông tấn xã Campuchia SPK (1979).

Tháng 11/1978, tôi được cử trong đoàn chuẩn bị giúp thành lập thông tấn xã Campuchia SPK. Trong buổi gặp anh em trước khi đi, ngoài công việc, Tổng Giám đốc Đào Tùng quan tâm đến nguyện vọng, hoàn cảnh riêng của từng người. Trong thời gian ở Campuchia cũng như sau này về công tác tại Ban tin trong nước hoặc Báo Ảnh Việt Nam, tôi vẫn luôn nhận được sự quan tâm, chỉ bảo của ông trong công việc. Năm 1986, tôi nhận được quyết định do ông ký cử học dài hạn tại Matxcova. Năm 1990, tôi vừa về nước thì ông đã lâm trọng bệnh và đi xa.

Nhà báo Đào Tùng đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp thông tấn báo chí, để lại những dấu ấn nổi bật trong sự phát triển của ngành. Hình ảnh một nhà báo, nhà lãnh đạo năng động, lạc quan, nhiệt thành với con người và công việc của ông còn mãi trong lòng bạn bè, đồng nghiệp trong những năm tháng không quên ấy. Cùng với đường Trần Kin Xuyến, đường mang tên Đào Tùng tại thành phố Bắc Giang quê hương là sự tưởng nhớ, ghi nhận những cống hiến của ông trong những đóng góp chung của đội ngũ những người làm thông tấn báo chí cách mạng. Trên con đường lớn các nhà báo Trần Kim Xuyến, Đào Tùng và những bậc tiền bối của ngành khai phá, đặt nền tảng, những thế hệ  hôm nay của TTXVN vẫn đang tiếp bước.

Chú thích ảnh
Các nhà báo Trần Mai Hạnh và Trần Mai Hưởng viếng mộ cố Tổng Giám đốc Đào Tùng tại nghĩa trang thành phố Bắc Giang.

Xin chia sẻ lại bài thơ Những con đường Thông tấn với lòng biết ơn và niềm vui chung:

NHỮNG CON ĐƯỜNG THÔNG TẤN

Có những con đường mang tên các anh
Trải khắp ba miền đất nước
Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bạc Liêu, Hương Sơn, Phan Thiết
Những con người thông tấn đã đi xa

Khúc trầm hùng của một bài ca
Suốt dọc thời gian đồng hành cùng đất nước
Mấy thế hệ nối nhau tiếp bước
Những nẻo đường gian khó quang vinh

Hơn 260 nhà báo - chiến sĩ đã hy sinh
Có nhà lãnh đạo đầu tiên của ngành từ ngày đầu kháng chiến
Có những phóng viên tay bút và tay súng
Bắn máy bay rơi, diệt xe tăng Mỹ giữa trận càn

Có những địa bàn phân xã bị xoá sổ ba lần
Bất chấp hiểm nguy vượt gian nan gây dựng lại
Có những nhà cha con, anh em là đồng đội
Chung một chiến hào, vì mỗi bức ảnh, dòng tin

Những con người thầm lặng hy sinh
Vì danh xưng chung- Người phóng viên thông tấn
Những người chép sử bằng máu mình trong lửa đạn
Trên mỗi nẻo đường chiến tranh

Đất nước mãi không quên các anh
Trong lớp lớp người  điệp trùng ra trận
Những con người không tiếc máu xương vì nền độc lập
Những con đường sáng mãi mỗi dòng tên

Bài và ảnh: Trần Mai Hưởng
 Câu chuyện về lá thư đầu tiên và cũng là cuối cùng của nhà báo liệt sỹ Nguyễn Đức Thanh
Câu chuyện về lá thư đầu tiên và cũng là cuối cùng của nhà báo liệt sỹ Nguyễn Đức Thanh

Trong kí ức của ông Nguyễn Đức Đông, em trai liệt sỹ Nguyễn Đức Thanh, thì anh trai mình là một người hiền lành, hết lòng yêu thương các em, luôn có ý thức trách nhiệm giúp bố mẹ chăm lo cho các em của mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN