Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến cuối năm 2018, cả nước có 868 cơ quan báo in, báo điện tử; 66 đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương; khoảng 41.600 người làm việc trong lĩnh vực báo chí, trong đó, có hơn 19.000 nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí được cấp thẻ hành nghề.
Nhiều thách thức đối với đội ngũ làm báo
94 năm ra đời và phát triển, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của đất nước. Từ khi báo chí cách mạng manh nha và sự ra đời của tờ báo Thanh Niên do Bác Hồ sáng lập ở Quảng Châu (Trung Quốc) đến nay, báo chí là vũ khí sắc bén truyền bá tư tưởng cách mạng tiến bộ.
Qua nhiều cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đến thời kỳ xây dựng, phát triển đất nước, mặt trận tư tưởng văn hóa, trong đó có báo chí là phương tiện quan trọng hàng đầu trong việc tuyên truyền, phổ biến chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cũng như kết nối xã hội, tạo ra sức mạnh to lớn. Những nội dung do báo chí đưa ra đều có tác động đến các cấp chính quyền, những người hoạch định chính sách để tạo cơ chế, chính sách tốt hơn. Trong lĩnh vực giám sát và phản biện xã hội, báo chí cũng đã đạt được những kết quả mang tính hiệu quả cao.
Bước vào thời kỳ kỷ nguyên số, báo chí phát triển thêm một bước mới. Trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nền báo chí Việt Nam đứng trước những cơ hội và thách thức lớn. Công nghệ hiện đại tạo ra rất nhiều cơ hội cho nghề báo, như: hỗ trợ cho hoạt động của các nhà báo trong các công đoạn khai thác thông tin để truyền tải cho công chúng. Nếu như trước đây, trước khi đi khai thác thông tin, nhà báo phải dựa vào sách báo cũ, thư viện để tìm hiểu, phải đến tận nơi quan sát, theo dõi. Nhưng, giờ đây, nhà báo có thể tìm kiếm thông tin hết sức dễ dàng, thuận tiện bởi mạng internet như một thư viện khổng lồ để các nhà báo tra cứu. Chưa kể, phóng viên có thể ở tòa soạn kết nối thông tin trên toàn thế giới trong thời gian ngắn…
Câu chuyện phát triển thông tin trong thời đại công nghệ số hiện nay cũng đặt ra rất nhiều thách thức. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hà Huy Phượng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận định: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên nền tảng phát triển kỹ thuật công nghệ sau ba cuộc cách mạng công nghiệp, đã tạo thuận lợi cho nhiều lĩnh vực phát triển, trong đó có lĩnh vực thông tin - truyền thông, báo chí. Nhiều báo trên thế giới đã ứng dụng các kỹ năng công nghệ cao để phát triển, thậm chí có nơi còn nhắc đến việc sản xuất ra nhà báo robot – trí tuệ nhân tạo để thay thế lực lượng lao động. Có thể trong tương lai, các nhà khoa học sẽ phát minh ra robot này; nhưng dù khoa học công nghệ có phát triển đến đâu cũng cần đến trí tuệ của con người.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hà Huy Phượng cho rằng, về mặt tư duy, phải xác định được tầm quan trọng của cuộc cách mạng khoa học công nghệ này và ứng dụng trong lĩnh vực báo chí, đổi mới tư duy, cách làm báo, đặc biệt là việc tiếp cận với công nghệ. Nếu không bắt kịp với sự phát triển này, các cơ quan báo chí cũng như đội ngũ nhà báo sẽ bị tụt hậu. Nhận thức về sự đổi mới là rất quan trọng và tư duy đó không chỉ người làm lãnh đạo, kể cả đội ngũ làm báo nói chung đều cần thấy rằng khoa học công nghệ tạo điều kiện tốt để hành nghề trong môi trường hiện đại.
Nhưng thực tế là không phải nhà báo nào cũng nhận thấy điều này hoặc có nhận thấy nhưng còn trì trệ trong việc tiếp cận, thậm chí trong đó có cả nhiều nhà báo trẻ. Nhiều nhà báo kỳ cựu, lâu năm vẫn cố gắng tiếp cận công nghệ làm báo, làm chủ các phương tiện kỹ thuật và có những sản phẩm báo mang tính hiện đại hơn nhưng lại có một bộ phận các bạn trẻ làm báo chưa làm chủ công nghệ dù sử dụng công nghệ để làm việc khác như giải trí. Đơn cử như làm báo trong thời đại này nhưng nhiều bạn trẻ chưa biết sử dụng các phần mềm điện tử để ứng dụng trong làm báo, như: soạn thảo văn bản chuẩn, sử dụng phần mềm để xử lý hình ảnh, dựng audio, video hoặc quản trị một sản phẩm báo chí trên nền tảng công nghệ, thậm chí có thể kinh doanh các sản phẩm dịch vụ trên tờ báo của mình. Đây là một trong những rào cản của việc làm chủ công nghệ của các nhà báo hiện nay.
Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng tạo ra môi trường truyền thông mở. Tiến trình toàn cầu hóa phương tiện thông tin đại chúng diễn ra mạnh mẽ, tạo ra sự cạnh tranh lớn giữa các loại hình sản phẩm truyền thông, đặc biệt là các sản phầm truyền thông mới. Báo chí không chỉ còn là phương tiện truyền thông độc quyền, còn có nhiều phương tiện truyền thông khác. Điều khó khăn là việc truyền thông đưa thật giả lẫn lộn, đen trắng rất khó tường minh. Vì thế, báo chí phải thể hiện được sức mạnh: cơ quan phát ngôn đáng tin cậy để công chúng tin tưởng.
Thêm nữa, nguồn nhân lực cho báo chí truyền thông hiện nay rất đa dạng, vì vậy nảy sinh ra quan niệm: bất cứ ai cũng có thể làm báo. Có những người không học bất cứ trường lớp đào tạo báo chí nào nhưng vẫn làm việc tại một số tờ báo, trang thông tin điện tử, viết bài với sự thoải mái, thậm chí tùy tiện. Họ cũng không nắm được luật pháp về báo chí và đạo đức nghề nghiệp nên để xảy vi phạm trong công việc. "Con sâu làm rầu nồi canh", công chúng nghĩ rằng đó là nhà báo, thậm chí nhiều độc giả đánh đồng báo chí với mạng xã hội, làm cho niềm tin đối với báo chí giảm sút.
Nếu các cơ quan quản lý nhà nước không minh bạch trong cấp phép, nhiều cơ quan báo chí xin giấy phép xuất bản trang thông tin điện tử, biến trở thành tờ báo điện tử, sẵn sàng thông tin đưa các thông tin giật gân, câu khách, thậm chí vi phạm lợi ích quốc gia, cá nhân, tập thể - Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hà Huy Phượng nói.
Đổi mới trong từng tòa soạn và người đứng đầu
Nhiều cơ quan báo chí hiện nay đã sẵn sàng đón nhận thách thức của thời đại công nghệ số. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Thị Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: Nói đến khái niệm báo chí truyền thống từ trước là nhắc đến báo in, phát thanh, truyền hình nhưng hiện nay, khái niệm về báo chí truyền thống đã được "hòa tan".
Từ khi internet ra đời, trên thế giới hình thành những cơ quan báo chí mới. Vẫn có những độc giả, khán giả xem báo in, truyền hình, nghe phát thanh nhưng điều quan trọng là cơ quan báo chí đó phải sử dụng internet để làm ra trang phiên bản điện tử và đó là chính là thể loại để vươn tới độc giả nhiều hơn. Đây cũng là một cơ hội của các cơ quan báo chí. Báo chí truyền thống hiện tại không đứng riêng lẻ một mình, phải trở thành một tòa soạn đa phương tiện, mới để có thể đưa được nhiều thông tin đến độc giả nhất.
Nhiều tòa soạn báo chí đã xây dựng các chương trình đa phương tiện để hấp dẫn công chúng. Trong đó, có nhiều loại hình thông tin được kết hợp với nhau, như: văn bản, hình ảnh, video, đồ họa… để mang mang lại tính tương tác cao, cung cấp thông tin cho độc giả một cách linh hoạt… Khó khăn trong việc đưa tin đa phương tiện là đội ngũ phóng viên, kỹ thuật viên phải rất nỗ lực, đầu tư nhiều công sức trong thời gian nhanh nhất để có được một tác phẩm báo chí đa phương tiện.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Thị Thúy Hằng chỉ rõ: Điều cần thay đổi quan trọng nhất là trong mỗi cơ quan báo chí và người lãnh đạo cần có các giải pháp để thay đổi chất lượng nguồn nhân lực. Mỗi phóng viên báo giấy còn phải là người thông thạo làm báo mạng. Báo giấy hay báo mạng ở đây chỉ là cách thay đổi cho phù hợp. Công việc báo chí dù theo thể loại gì, cũng là một, nghĩa là phải đưa tin chính xác, trung thực, có kỹ năng viết thông tin hấp dẫn.
Đưa ra giải pháp để tăng tính hấp dẫn, thu hút độc giả trung thành với báo giấy, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hà Huy Phượng khẳng định: Báo mạng điện tử là loại hình báo chí phá vỡ toàn bộ quy chuẩn của báo chí truyền thống. Sự hấp dẫn của báo điện tử còn là yếu tố đa phương tiện, khả năng tích hợp thông tin, tương thích đa loại hình sản phẩm truyền thông. Loại hình này còn đa ngôn ngữ, đa hình ảnh, có âm thanh, có tương tác đa chiều nên hấp dẫn hơn các loại hình báo chí khác. Với báo giấy, cần có sự đổi mới tư duy trong mỗi tòa soạn. Thông tin trên báo giấy hôm nay ngoài việc dành chỗ chỗ cho tin tức, cần dành nhiều chỗ cho các bài viết phân tích, lý giải, bình luận. Nhật báo phân tích, bình luận theo ngày; báo tuần phân tích, bình luận theo tuần.
Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng đưa tin bài tùy tiện, vi phạm đạo đức, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hà Huy Phượng, nguồn nhân lực báo chí phải được đào tạo một cách bài bản, chuyên nghiệp từ các cơ sở đào tạo hoặc các cơ quan báo chí cần đào tạo lại cho đội ngũ làm báo một cách chính quy, hiện đại về tất cả ứng dụng công nghệ trong thời đại 4.0 này để tạo ra sản phẩm báo chí có chất lượng cao.
Bài 2 - Hạn chế tác động xấu của mạng xã hội đến công chúng