Báo chí hiện đại: Khi robot viết tin...

Phần mềm viết tin tức tự động sẽ làm cho cuộc sống của chúng ta dễ dàng hơn hay lấy mất cơ hội việc làm của giới phóng viên cũng như làm cho những bản tin trở nên nhàm chán?

Automated Insights - một công ty công nghệ sáng chế Mỹ tại tiểu bang North Carolina chuyên viết những báo cáo dựa vào kho thông tin khổng lồ sẵn có - vừa công bố một công trình nghiên cứu khoa học giải thích chi tiết phần mềm viết tin Wordsmith. Công nghệ này đã được đưa vào triển khai như một chương trình phần mềm chính thức giúp hãng thông tấn Mỹ AP sản xuất gần 4.300 tin bài/quý - gấp 14 lần lượng sản phẩm trước đó mà những phóng viên, biên tập viên sản xuất trong cùng một khoảng thời gian. Bên cạnh việc biên soạn tin tức, Wordsmith có thể viết báo cáo khách hàng, quảng cáo mô tả sản phẩm và tổng kết tài chính cho nhiều công ty, doanh nghiệp. Những công ty như Yahoo, Greatcall hay Allstate đều đã bắt đầu sử dụng Wordsmith trong việc thống kê số liệu của mình.

Trước mắt, AP chỉ ứng dụng công nghệ này trong việc sản xuất những tin, bài có liên quan đến ngành thương mại, như tổng kết chỉ số chứng khoán, cổ phần, cổ phiếu.

Ưu điểm vượt trội

Đầu tháng 9/2015, tạp chí online Beijing Times cũng sử dụng chú robot phóng viên có tên gọi “Dreamwriter” ra mắt sản phẩm đầu tiên trên trang Tencent.
Điểm đặc biệt của phần mềm Wordsmith và Dreamwriter là có thể cho ra một bản tin mà không cần sự can thiệp của con người. Thông thường khi thống kê các số liệu cho các bản báo cáo, tổng hợp, việc sai sót và tốn thời gian là điều không thể tránh khỏi khi con người phải xử lý quá nhiều lượng thông tin, con số. Trái ngược với nhược điểm này, Wordsmith có thể “viết” được khoảng 2.000 báo cáo chỉ trong tích tắc mà hiếm gặp lỗi sai.

Liệu robot có thể là nguồn nhân lực chủ chốt của báo chí trong tương lai?

Sản phẩm của Wordsmith vận hành trên nguyên tắc kết nối các từ, cụm từ và phần chia mục có sẵn theo ý tưởng của người viết. Sau đó, phóng viên chỉ cần nhập thông tin như số liệu doanh thu một quý của một công ty hay kết quả một trận đấu, chờ một giây sau, một bản tin hoàn chỉnh ra đời. Tin này có thể được sửa chữa để dự trữ làm mẫu cho hàng loạt bản tin tiếp theo.

Cô Lou Ferrara - quản lý biên tập của hãng AP giải thích “thay vì mất thời gian tập trung vào những con số trong dịp các công ty công bố kết quả tài chính và viết những mẩu tin ngắn gọn báo cáo chuyện gì đang xảy ra tại thị trường chứng khoán, thì giờ chúng ta có thể làm việc đó tự động, và dành nhiều thời gian cho việc đánh giá, nhận định tình hình”.

Kotecki - giám đốc truyền thông của Automated Insights cho biết Wordsmith phụ trách mảng thông tin nền, đáp ứng công thức báo chí “Ai, Ở đâu và Khi nào” của một bản tin. Và người phóng viên, sẽ đưa vào lời bình luận, phân tích phức tạp hơn, thêm màu sắc vào bài viết của mình để đưa đến cho độc giả lời giải đáp câu hỏi “Tại sao và Như thế nào”.

Phần mềm Wordsmith có thể dễ dàng sản xuất tin bài trong nháy mắt.

Ví dụ như tờ tạp chí LA Times, nơi ứng dụng phần mềm Quakebot thu thập dữ liệu từ Trung tâm khảo sát địa chất Mỹ - đã áp dụng tốt tính năng vượt trội của hình thức viết bài này. Khi có một trận động đất xảy ra, sử dụng form bài viết có sẵn trong máy và nhập vào các dữ liệu đo được chỉ với vài thao tác đơn giản, một bản tin nóng hổi về trận động đất đã sẵn sàng trên trang nhất của tờ báo sau vài giây lên ý tưởng. Trong lúc đó, phóng viên có thể tìm những chi tiết có giá trị như thiệt hại về người và của trong trận động đất, cũng như mô tả công tác cứu hộ, bày tỏ cảm xúc, sự thương cảm, thấu hiểu để làm bài viết thêm sinh động.

Trở lại mấy năm trước, nguồn gốc của một chú robot phóng viên được bắt nguồn từ sản phẩm công ty khoa học Narrative ở Chicago (Mỹ). Công ty này đã sử dụng một phần mềm tự động để chuyển các thông tin riêng biệt thành một bản báo cáo hoàn chỉnh. Công ty chứng khoán Deloitte và Forbes là những khách hàng đầu tiên của phần mềm này. Người đồng sáng lập Narrative, anh Kristian Hammond dự đoán cho đến năm 2030, sẽ có đến 90% các bản tin báo chí sẽ được viết bởi công nghệ máy tính.

Hiện trang mạng tìm kiếm Google đã đầu tư một một khoản không nhỏ cho Jetpac - một ứng dụng có thể phân tích những từ khóa chỉ địa điểm gắn với các hình ảnh trên Instagram, nhằm tìm ra những đặc trưng chính cho hoạt động của con người hay văn hóa tại địa điểm này. Tiếp đó, Google cũng tiến tới một dự án đột phá, kết hợp công nghệ nhận biết hình ảnh của Jetpat và khả năng tập hợp từ thành đoạn tin của Wordsmith song song, qua đó, chỉ sau khi quét qua một bức ảnh, chương trình kết hợp có thể viết ra được câu miêu tả chính xác “Một nhóm các bạn trẻ đang tham gia vào trò chơi ném đĩa bay”.

Phóng viên trước nguy cơ thất nghiệp?

Trong bối cảnh công nghệ cao phát triển một cách chóng mặt, việc một chú robot có thể viết được hàng ngàn tin, bài chuẩn xác, thiết thực gần như dấy lên mối quan ngại đe dọa vị trí của các nhà báo.

Tuy nhiên, theo ý kiến của các nhà báo lão làng, việc robot thay thế người thật viết tin không phải chuyện một sớm một chiều. Chương trình này hiện vẫn đang trong thời gian thử nghiệm ban đầu, và vẫn còn rất nhiều vấn đề phải nghiên cứu sâu và rộng hơn. Robot viết tin nên được coi là một công cụ hữu dụng giúp cho các phóng viên, biên tập viên trong việc sản xuất tin, bài hơn là một đối thủ cạnh tranh trong ngành.

Simon Colton - một giáo sư chuyên ngành sáng tạo công nghệ tại trường Đại học London, đồng thời là chủ phát phát minh của dự án Máy What If - một kho ngân hàng chứa 100 triệu từ vựng và có thể học cách kết nối các từ với nhau tạo thành câu có nghĩa, cho biết “Đối với tôi, những dự án như thế này, bao gồm Wordsmith đơn giản chỉ là từ hóa số liệu. Chúng ta thay vì dùng biểu đồ tròn hay cột để trình bày số liệu thì bây giờ chúng ta dùng ngôn ngữ viết. Vẫn còn rất nhiều khía cạnh đặc trưng mà một con robot phóng viên cần để viết một bản tin hay. Thậm chí nếu như có cải tiến thêm phong cách viết hài hước, khôn ngoan, thì chúng vẫn không thể bằng con người”. Trên thực tế, các phần mềm tự động hiện nay vẫn chưa đạt đến trình độ đó, vì robot phóng viên vẫn không có đủ 5 giác quan của loài người như nhìn, nghe, ngửi, nếm và cảm nhận. “Chúng ta không thể đưa một chiếc iPhone cho một chú robot, bảo nó miêu tả những tính năng vượt trội của sản phẩm đó và định giá trên thị trường”.

Kênh radio uy tín tại Mỹ NPR đã chứng minh sau một cuộc khảo sát người nghe đài, số lượng độc giả yêu thích một bản tin do con người viết áp đảo số người thích robot sản xuất tin vì họ cho rằng những tin tức do con người viết có giá trị và hấp dẫn hơn.

Trong một bài phân tích, Giám đốc truyền thông của Automated Insights đã đưa ra phản biện cho rằng “Mỗi người có thể tự ý thay đổi để viết một bản tin theo cách riêng của mình trên Wordsmith. Chúng tôi tập trung vào nội dung được “cá nhân hóa”. Thay vì viết một câu chuyện và hi vọng hàng triệu người đọc được nó, Wordsmith có thể viết được hàng triệu câu chuyện phục vụ hàng triệu đối tượng người dùng khác nhau, tùy theo sở thích cá nhân của họ. Đó là những câu chuyện riêng biệt và độc đáo, vì Wordsmith dùng chính số liệu của người sử dụng”.

Tuy nhiên, hiện tại robot chưa thể thay thế không có nghĩa là các phóng viên, biên tập viên có thời gian nghỉ ngơi thoải mái. Với công nghệ kỹ thuật ngày một tiên tiến, việc sau này một sản phầm phần mềm có thể “bắt chước” phong cách viết và thậm chí “hình thành” suy nghĩ, đưa ra ý kiến cá nhân không phải là điều không thể.

Có lẽ yếu tố duy nhất có thể giúp một phóng viên sống sót trong cuộc cạnh tranh với những chú robot nhanh nhạy trong ngành truyền thông chỉ có thể là “bản sắc riêng”. Hãy tự gây dựng một lối đi, bản sắc có một không hai, để không thể bị nhạt nhòa, hay chí ít không thể để những chú robot vô tri vô giác bắt chước văn phong độc đáo của bản thân.
HỒNG HẠNH (tổng hợp)
Đội quân robot bảo vệ vũ khí hạt nhân Nga
Đội quân robot bảo vệ vũ khí hạt nhân Nga

Hiện các nhà sáng chế Nga đang tập trung nghiên cứu phát triển loại robot mới phục vụ trong quân đội có khả năng bảo vệ kho vũ khí hạt nhân của Nga cũng như yểm trợ chiến đấu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN