Tổng hợp COVID-19:

Ngày 30/7 cả nước ghi nhận 8.649 ca mắc mới; Hà Nội kêu gọi nhân dân thực hiện nghiêm giãn cách xã hội

Ngày 30/7, cả nước ghi nhận 8.649 ca mắc mới COVID-19, trong đó 27 ca nhập cảnh và 8.622 ca ghi nhận trong nước. Thủ tướng đã yêu cầu công tác chống dịch quyết liệt hơn để bảo đảm an toàn cho nhân dân.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Chính phủ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Quyết liệt triển khai công tác phòng, chống dịch

Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố để thực hiện ngay các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, diễn ra vào ngày 30/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Chính phủ đã tích cực, quyết liệt triển khai công tác phòng, chống dịch với mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân là trên hết, trước hết; đồng thời nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội tại những nơi an toàn về phòng, chống dịch, mục tiêu cuối cùng vì ấm no, an toàn, hạnh phúc của nhân dân.

Nêu rõ những hạn chế trong công tác chống dịch thời gian qua, Thủ tướng cho rằng các chủ trương, đường lối, chính sách, quy trình rất nhất quán, rõ ràng, bám sát thực tiễn nhưng việc tổ chức thực hiện có nơi, có lúc chưa đạt hiệu quả, thậm chí còn trì trệ. Vẫn còn có nơi, có lúc có biểu hiện lơ là, chủ quan, mất cảnh giác khi chưa có dịch hoặc khi dịch đã đi qua; mất bình tĩnh, lo sợ, hoảng hốt, lúng túng, bị động, mất kiên trì khi dịch bùng phát.

Việc chuẩn bị “4 tại chỗ” chưa tốt, đặc biệt khi dịch bùng phát mạnh mẽ, diễn biến phức tạp, mất kiểm soát, không có khả năng đáp ứng. Một bộ phận người dân chưa nhận thức được hết về nguy cơ lây lan, phát triển của dịch nên ý thức chấp hành các quy định, hướng dẫn chưa nghiêm.

Cùng với đó, một số địa phương thực hiện các Chỉ thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 16/CT-TTg còn chưa nghiêm ngặt, có lúc chập chờn, người dân vẫn đi lại, tụ tập, giao lưu, không đeo khẩu trang, trong khi chính quyền chủ quan vì đã áp dụng các Chỉ thị, kiểm tra, giám sát, kỷ luật, xử lý vi phạm không nghiêm. Bên cạnh đó, dịch bệnh với biến chủng mới chưa có tiền lệ nên nhiều vấn đề chưa lường hết được. “Dịch lây giữa người với người nên chấp hành nghiêm việc giãn cách xã hội sẽ ngăn chặn ngay được sự lây lan”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Xét nghiệm nhanh COVID -19 cho công dân tại khu vực Chốt kiểm soát số 2, khu vực Trạm thu phí Quốc lộ 2, đầu đường 100, xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Thay đổi chính sách ưu tiên về vaccine  

Liên quan đến yêu cầu thay đổi chính sách ưu tiên về vacine phòng COVID-19, ngoài các lực lượng tuyến đầu, tình nguyện, các tổ COVID-19 cộng đồng, người cao tuổi, người tham gia vào các chuỗi cung ứng sản xuất, Thủ tướng tán thành với nhiều ý kiến tại cuộc họp trong việc ưu tiên vaccine cho Thành phố Hồ Chí Minh. Thủ tướng kêu gọi các địa phương trên cả nước chia sẻ, ưu tiên vaccine cho Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số địa phương có nhiều khu công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương...

Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế, các cơ quan chuyên môn tính toán cụ thể mức độ ưu tiên phù hợp với tình hình và khả năng cung ứng. Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương có diễn biến xấu về dịch bệnh phải tăng cường năng lực các bệnh viện hồi sức cấp cứu với mức độ cao hơn, việc chuẩn bị và thực hiện phải sớm hơn, cao hơn.

Bên cạnh đó, Thủ tướng nêu rõ cần huy động hơn nữa nguồn lực tư nhân về cơ sở y tế, khách sạn, nhà hàng, nguồn lực của doanh nghiệp..., đặc biệt tại một số nơi được xem như trong tình trạng khẩn cấp; đẩy mạnh hơn nữa hợp tác công tư về cơ sở vật chất y tế, mua sắm trang thiết bị… Quyết liệt hơn nữa trong thực hiện chiến lược vaccine, Thủ tướng nêu rõ nhiệm vụ đẩy mạnh ngoại giao vaccine, hợp tác công tư để mua được nhiều nhất, nhanh nhất có thể; tổ chức tiêm kịp thời, hiệu quả, an toàn, không để lãng phí vaccine và thời gian; rút gọn thủ tục hành chính để tập trung thúc đẩy nhanh chóng, mạnh mẽ, kịp thời việc nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất và công nhận vaccine trong nước để có thể làm chủ vấn đề này.

Chính phủ khuyến khích các đơn vị nghiên cứu, nhập khẩu, sản xuất thuốc phục vụ phòng chống dịch; tăng cường chuyển giao công nghệ, sản xuất máy thở. Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh việc đào tạo, nâng cao, bổ sung trình độ, kiến thức, kinh nghiệm, tay nghề, năng lực cho cán bộ y tế, từ các chuyên khoa khác, để tăng cường nhân lực cho công tác hồi sức cấp cứu; động viên, bảo đảm điều kiện làm việc đầy đủ cho bác sĩ, nhân viên điều dưỡng, kỹ thuật viên để sức chiến đấu lâu dài. Đồng thời, các lực lượng tiếp tục nghiên cứu việc hỗ trợ người lao động, người nhập cư tại Thành phố Hồ Chí Minh và các ddiạ phương có khu công nghiệp nói riêng, người bị mất thu nhập nói chung, trên cơ sở dữ liệu của ngành Bảo hiểm.

Hà Nội kêu gọi nhân dân thực hiện nghiêm giãn cách xã hội  

Quán triệt tinh thần “Lời kêu gọi toàn dân quyết tâm, đoàn kết hơn nữa để chiến thắng đại dịch COVID-19” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, quyết tâm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sức mạnh toàn dân tận dụng tối đa “thời gian vàng” 15 ngày giãn cách xã hội, thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Chỉ thị số 05-CT/TU về “Tăng cường trách nhiệm của hệ thống chính trị và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19".  

Chỉ thị nêu rõ: Sau 7 ngày thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố để tập trung phòng, chống dịch COVID-19 theo văn bản chỉ đạo số 177-CV/TU, ngày 23/7/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy và Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 của Chủ tịch UBND thành phố, cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị các cấp đã cơ bản triển khai thực hiện tốt các chỉ đạo của thành phố; tình hình phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn có chuyển biến tích cực, nhưng số ca mắc trong cộng đồng vẫn cao và chưa rõ nguồn lây, nhiều ca không có biểu hiện dịch tễ. Việc thực hiện Chỉ thị còn có những hạn chế, chưa thực sự đồng bộ, hiệu quả, chưa đúng tinh thần Chỉ thị số 17/CT-UBND và Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc nhưng cũng có địa phương, cơ quan, đơn vị còn lơ là, chủ quan. Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở còn lúng túng, chưa chủ động, chưa quyết liệt và thiếu sáng tạo, nhất là việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc chưa thực chất, chưa hiệu quả. Nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân chưa chấp hành nghiêm yêu cầu giãn cách... ảnh hưởng đến kết quả phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố.  

Trước tình hình đó, nhằm tận dụng thời gian “vàng” giãn cách, kiểm soát không để dịch lây lan diện rộng trên địa bàn thành phố, ưu tiên tối đa cho việc bảo đảm sức khỏe, đời sống của nhân dân; quán triệt Lời kêu gọi phòng, chống đại dịch COVID-19 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, quan điểm và tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch; với tinh thần xuyên suốt từ thành phố tới cơ sở và từng cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang, nhân dân Thủ đô là phải ưu tiên bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân là nhiệm vụ quan trọng trước mắt, đồng thời phải bảo vệ bằng được Thủ đô, ngăn chặn và chiến thắng đại dịch COVID-19.

Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở, trước hết là Bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ chủ chốt các cấp thực hiện nghiêm một số nội dung.

Cụ thể, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở, trước hết là Bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ chủ chốt các cấp cần nhận thức sâu sắc hơn nữa ý nghĩa, tầm quan trọng về giãn cách xã hội để tập trung phòng, chống dịch COVID-19; xác định rõ đây là sứ mệnh, là nhiệm vụ chính trị ưu tiên số 1 để bảo vệ an toàn, tính mạng nhân dân, bảo vệ cuộc sống yên bình và tương lai phát triển của Thủ đô, của đất nước. Toàn hệ thống chính trị xuyên suốt từ thành phố đến cơ sở cùng vào cuộc một cách thực chất, chủ động, quyết liệt, tập trung cao nhất triển khai đầy đủ, nghiêm túc, đồng bộ các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, văn bản số 177-CV/TU của Ban Thường vụ Thành ủy và Chỉ thị số 17/CT-UBND…

Chú thích ảnh
Chia tay đoàn cán bộ, y bác sĩ tình nguyện lên đường chi viện cho miền Nam chống dịch COVID-19. Ảnh: Hoa Mai/TTXVN

Triển khai nhiều giải pháp tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa

Ngày 30/7, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản hỏa tốc gửi các sở, ngành, địa phương về việc tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là ưu tiên tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 cho đội ngũ lái xe đảm bảo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.  

UBND tỉnh Đồng Nai giao Sở Y tế chủ trì phối hợp cùng các đơn vị liên quan tham mưu ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người điều khiển phương tiện và nhân viên đi cùng trên phương tiện vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là người hoạt động trên các tuyến vận tải bên trong hoặc ra, vào khu vực thực hiện Chỉ thị 16.  Các doanh nghiệp khai thác cảng, bến thủy trên địa bàn tỉnh kiểm soát chặt chẽ lái xe, người bốc xếp theo xe và thuyền viên… ra, vào cảng, bến thực hiện biện pháp phòng, chống dịch; làm đầu mối phối hợp với cơ quan lấy mẫu xét nghiệm đối với những trường hợp trên.

Sở Giao thông Vận tải thông báo cho các đơn vị vận tải, chủ phương tiện, lái xe, nhân viên đi cùng thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch trong suốt quá trình hoạt động vận tải; đặc biệt chỉ cho phép lái xe, nhân viên đi cùng trên phương tiện vận chuyển hàng hóa thực hiện nhiệm vụ khi có giấy giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2 (trong vòng 3 ngày).

Lực lượng tại các chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh không tổ chức kiểm tra đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống nhân dân, sản xuất kinh doanh, đưa đón công nhân viên, chuyên gia đã được cấp giấy nhận diện có gắn mã QR. Lực lượng chức năng chỉ thực hiện kiểm tra thông qua hoạt động tuần tra, kiểm soát trên tuyến đối với phương tiện có dấu hiệu vi phạm quy định về phòng, chống dịch COVID-19 và an toàn giao thông. Việc kiểm tra phải đảm bảo chặt chẽ, khoa học, không gây ùn tắc…  

Theo Sở Y tế Đồng Nai, ngày 30/7, toàn tỉnh ghi nhận 367 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 trong đợt dịch thứ 4 đến nay lên gần 4.000 ca, ghi nhận 19 trường hợp tử vong. Điều đáng nói, qua xét nghiệm sàng lọc đã phát hiện ổ dịch trong Công ty Trách nhiệm hữu hạn Action Composites Hightech Industries (Khu Công nghiệp Nhơn Trạch 3, huyện Nhơn Trạch) có 57 trường hợp dương tính. Công ty này đang thực hiện phương án "3 tại chỗ" với 400 lao động.  

Chú thích ảnh
Công dân đến khu cách ly sau khi từ thành phố Hồ CHí Minh về Bến Tre. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN

Các trạm, chốt kiểm soát dịch tạo điều kiện cho phương tiện lưu thông

Ông Đặng Hoàng Tuấn, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Long An cho biết, từ 12 giờ ngày 30/7, các trạm, chốt kiểm soát dịch không kiểm tra đối với phương tiện có Giấy nhận diện có QR Code còn thời hạn do Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố cấp vận chuyển hàng hóa phục vụ xây dựng, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, tiêu dùng (trừ các hàng hóa cấm sản xuất, kinh doanh theo quy định) trên tất cả các tuyến đường cao tốc, Quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị trên phạm vi tỉnh Long An.  

Trường hợp phương tiện không có Giấy nhận diện có QR Code hoặc có nhưng hết thời hạn, tỉnh thực hiện kiểm tra việc khai báo y tế và Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm với SARS-CoV-2 đối với người trên phương tiện.  

Long An thực hiện kiểm tra (thông qua hoạt động tuần tra, kiểm soát trên tuyến) đối với các phương tiện có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về phòng, chống dịch và an toàn giao thông. Việc kiểm tra đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa khi ra, vào các địa điểm tập kết, trung chuyển, giao nhận hàng hóa (cảng, bến, nhà ga, kho, bãi, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất…) đảm bảo tuân thủ đầy đủ các yêu cầu phòng chống dịch, không gây ùn tắc giao thông.  

Người trên phương tiện chở hàng hóa lưu thông, phải thực hiện nghiêm quy định 5K và có Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RT-PCR hoặc Test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2), trong thời hạn 72 giờ, kể từ thời điểm có kết quả xét nghiệm.    

Đối với phương tiện đã có Giấy nhận diện có QR Code do Sở Giao thông Vận tải Long An phê duyệt nhưng hết thời hạn, đơn vị sẽ tiếp tục gia hạn hiệu lực Giấy nhận diện theo thời gian quy định giãn cách xã hội của cơ quan có thẩm quyền.

V.T/Báo Tin tức
Những câu chuyện ấm áp tình người giữa mùa COVID khó khăn
Những câu chuyện ấm áp tình người giữa mùa COVID khó khăn

Sự tấn công của chủng virus Delta với tốc độ lây lan nhanh chóng đã khiến cho tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Nhưng giữa những khó khăn chất chồng mà dịch bệnh quái ác này đem lại, vẫn còn đó nhiều câu chuyện đẹp về tinh thần tích cực, lạc quan, đoàn kết của người Việt cần được sẻ chia, lan tỏa rộng khắp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN