Nên giữ nguyên hệ thống cơ quan thanh tra cấp hành chính

Sáng 7/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, các đại biểu Quốc hội chuyên trách đã cho ý kiến về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Chú thích ảnh
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); đã có 162 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận tại tổ và Hội trường. Đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thanh tra (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung chủ yếu của dự thảo Luật.

Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; tổ chức khảo sát, làm việc với một số cơ quan là đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp của dự thảo Luật. Tổ chức các cuộc họp để trao đổi, thống nhất nội dung tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và trình UBTVQH cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022.  

So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, dự thảo Luật trình xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tại Hội nghị này đã được chỉnh lý 87/117 điều (80 điều được chỉnh lý về nội dung, 7 điều chỉnh lý về kỹ thuật văn bản). Về bố cục, tăng thêm 1 điều và sắp xếp, bố cục lại các điều, mục trong các Chương của dự thảo Luật cho hợp lý.

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã đạt được sự đồng thuận giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo; cơ bản đáp ứng mục đích, quan điểm sửa đổi được đề ra trong Tờ trình của Chính phủ, bảo đảm phù hợp với các định hướng sửa đổi Luật Thanh tra đã được xác định tại Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.  

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Phát biểu thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) cho rằng, dự thảo có nhiều đổi mới, tuy nhiên có một số vấn đề cần xem xét, cân nhắc thêm.  

“Về thành lập đoàn thanh tra (Điều 55), dự thảo Luật quy định Đoàn thanh tra có Trưởng đoàn thanh tra và thành viên Đoàn thanh tra. Luật hiện hành quy định: Đoàn thanh tra có Trưởng đoàn thanh tra viên và các thành viên khác. Như vậy khác với là Luật hiện hành, dự thảo đã bỏ quy định Đoàn thanh tra phải có thanh tra viên. Thực tế cho thấy, có trường hợp là trưởng đoàn thì không phải thanh tra viên, nhưng trong đoàn thì phải có thanh tra viên. Thanh tra viên thì có yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn thời gian công tác, phải thi tuyển… để bảo đảm chất lượng của Đoàn thanh tra và để thực hiện các thẩm quyền của thanh tra viên”, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đề nghị cân nhắc sửa đổi thành “Nếu Đoàn thanh tra mà không cần thanh tra viên thì chế định thanh tra viên sẽ vô nghĩa. Đoàn thanh tra không có thanh tra viên thì tôi nghĩ chỉ nên là đoàn kiểm tra thôi”.

Nhìn ở góc độ tổ chức Thanh tra cấp Sở, đại biểu Phạm Đình Thanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) cho rằng, cần có quy định thống nhất, đồng bộ trong việc thành lập Thanh tra cấp Sở trên phạm vi cả nước. Chức năng nhiệm vụ của các Sở, cơ quan thuộc UBND cấp tỉnh đã được quy định rất rõ tại Nghị định 107 ngày 14/9/2020 của Chính phủ, theo đó, phạm vi quản lý và yêu cầu quản lý chuyên ngành của từng Sở là rất rõ. Vì vậy, nên căn cứ chức năng, nhiệm vụ của các Sở, cơ quan thuộc UBND cấp tỉnh quy định tại Nghị định này để quy định việc thành lập Thanh tra cấp Sở trên phạm vi cả nước, tránh tình trạng thực hiện không thống nhất, đồng bộ, hoặc thành lập theo áp lực biên chế, không phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn của từng địa phương.

Đối với việc dự kiến giao Thanh tra tỉnh thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi của các Sở không có cơ quan thanh tra, đại biểu cho rằng, để Thanh tra tỉnh hoàn thành tốt khối lượng nhiệm vụ tăng thêm này, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét, tính toán để tham mưu quy định về việc tăng cường biên chế, củng cố hoàn thiện tổ chức bộ máy thanh tra cấp tỉnh, đảm bảo thanh tra tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, liên quan đến báo cáo kết quả thanh tra, đại biểu đề nghị bổ sung, sửa đổi khoản 3, Điều 69 như sau: “Trường hợp phát hiện có hành vi tham nhũng, tiêu cực thì trong báo cáo kết quả thanh tra phải nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra hành vi tham nhũng, tiêu cực theo các mức độ sau đây: Yếu kém về năng lực quản lý; Thiếu trách nhiệm trong quản lý; Bao che cho người có hành vi tham nhũng, tiêu cực”.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Gia phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đại biểu Trần Đình Gia (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh) đồng tình với việc giữ nguyên hệ thống cơ quan thanh tra cấp hành chính, trong đó thanh tra huyện như hiện hành; đồng thời chuyển thanh tra một số sở hiện tại về thanh tra tỉnh để thành lập phòng thanh tra chuyên ngành, quy định thành lập thanh tra sở tại một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp.

Riêng đối với thanh tra sở, theo đại biểu Trần Đình Gia, chỉ những sở đặc biệt mới thành lập cơ quan thanh tra. Hiện nay tất cả những vướng mắc, chồng chéo và gây phiền hà ở cơ sở chủ yếu là nội dung này, bởi tất cả các sở đều có cơ quan thanh tra, nên thực tế có những cơ quan phải tiếp thanh tra chuyên ngành của Sở Giáo dục, thanh tra Sở Tài chính, thanh tra của Sở Nội vụ. Như vậy, có những năm các đơn vị liên tục đón các đoàn thanh tra và trong hình ảnh của đối với giáo viên, đối với học sinh, đối với phụ huynh nhà trường không còn thân thiện nữa.

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Đình Gia cho rằng, cần phân cấp nhiều hơn cho cơ quan thanh tra cấp huyện, sau khi luật có hiệu lực cần sớm hướng dẫn để tổ chức bộ máy và điều kiện đảm bảo để thanh tra cấp huyện thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

Về thẩm quyền, đại biểu Trần Đình Gia đồng tình với một số ý kiến phát biểu đó là thẩm quyền của Chánh thanh tra sở, thanh tra Tổng cục, thanh tra Cục chỉ tham mưu cho Tổng cục trưởng, Cục trưởng, Giám đốc sở ra quyết định thanh tra và kết luận thanh tra. Về tổ chức bộ máy, tại Điều 26 quy định Chánh thanh tra do Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.

Đại biểu đề nghị nghiên cứu cho phù hợp, vì Quy định số 65 của Ban Chấp hành Trung ương về luân chuyển cán bộ, tiến tới lộ trình Chánh thanh tra tỉnh không phải là người địa phương, nếu giao cho Chủ tịch UBND tỉnh thì thực hiện chủ trương này sẽ khó khăn; đề nghị nghiên cứu làm rõ và phù hợp với thực tế.

Ngoài ra, đại biểu Trần Đình Gia cũng góp ý quy định về công bố quyết định thanh tra 58 của dự thảo luật. Theo dự thảo luật, việc công bố quyết định thanh tra bằng văn bản thông báo phải nêu rõ thời gian, địa điểm, thành phần tham dự. Tuy nhiên, theo đại biểu, nội dung này quy định đối với các cuộc thanh tra chuyên ngành là chưa phù hợp. Vì đặc thù của các cuộc thi thanh tra chuyên ngành là để phát hiện, chấn chỉnh, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý, nếu thông báo trước cho đối tượng thanh tra thì dễ xảy ra việc đối tượng tẩu tán phi tang chứng cứ vi phạm…

V.Tôn/Báo Tin tức
Khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách
Khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách

Sáng 7/9, tại Nhà Quốc hội đã khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về 6 dự án Luật và một dự thảo Nghị quyết trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN