Cách đây 60 năm, sau khi tỉnh Lai Châu được tái thành lập, ngày 1/6/1963, Ty Giáo dục Lai Châu (nay là Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên) được thành lập. Những ngày đầu thành lập, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên phải đối diện với muôn vàn khó khăn thiếu thốn, từ cơ sở vật chất đến đội ngũ cán bộ cán bộ quản lý, giáo viên. Đây cũng là giai đoạn thầy và trò ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên cùng cả nước vừa thực hiện nhiệm vụ giáo dục, vừa cầm súng chiến đấu chống giặc Mỹ đánh phá miền Bắc. Những ngày đầu, các thầy, cô giáo lặn lội đến từng bản tuyên truyền, vận động nhân dân diệt giặc dốt, xóa bỏ hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa mới, tạo nên một khí thế giáo dục vô cùng sôi động; các thầy cô đã vận động nhân dân cùng tham gia dựng trường, thầy trò vừa học tập, vừa lao động để xây dựng lớp học, nơi ở.
Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ nhà giáo tỉnh Điện Biên luôn nhận thức rõ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục, nêu cao tinh thần trách nhiệm “Tất cả vì tương lai con em các dân tộc Tây Bắc thân yêu” sẵn sàng khắc phục khó khăn, gian khổ, đến những bản làng xa xôi nhất, mang ánh sáng văn hóa đến với người dân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “trồng người” nơi miền biên giới cực Tây của Tổ quốc. Giáo dục Điện Biên thực sự đã “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”, góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và địa phương, các chiến lược, quy hoạch phát triển giáo dục qua từng giai đoạn được xây dựng, cùng các chủ trương, nghị quyết, cơ chế, chính sách tạo điều kiện phát triển ngành Giáo dục và Đào tạo của tỉnh. Nhờ đó, mạng lưới trường, lớp các cấp học tăng nhanh, phủ kín các bản làng xa xôi nhất của tỉnh; hệ thống trường chuyên, trường chất lượng cao, trường phổ thông Dân tộc nội trú, bán trú được phát triển và củng cố; tỷ lệ huy động dân số trong độ tuổi đến trường duy trì ở mức cao; phổ cập giáo dục các cấp học, xóa mù chữ, xóa bản trắng về giáo dục được thực hiện quyết liệt; chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên; thực hiện hiệu quả đổi mới chương trình sách giáo khoa, Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018; công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục được quan tâm thực hiện vượt chỉ tiêu nghị quyết và kế hoạch tỉnh.
Bên cạnh đó, công tác bồi dưỡng học sinh năng khiếu, học sinh giỏi, hoạt động nghiên cứu khoa học ngày càng gặt hái nhiều kết quả tích cực. Từ khi chia tách tỉnh (2004) đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 200 học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học Phổ thông tiếp tục tăng; học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng và chuyên nghiệp hàng năm đạt trung bình từ 40-45%...
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên Nguyễn Văn Đoạt cho biết: Hiện nay, toàn ngành có 15.616 cán bộ, viên chức, người lao động, trên 90,6% cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ đạt chuẩn trở lên; cán bộ, giáo viên có trình độ thạc sỹ là 587, tiến sỹ 5 thầy cô giáo. Toàn tỉnh hiện có 494 trường, 129 trung tâm học tập cộng đồng với quy mô 7.773 lớp và trên 224.700 học sinh, sinh viên, học viên; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt trên 75,5%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia là 77,54%.
Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường nhấn mạnh, trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đóng góp chung vào kết quả phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và của đất nước.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên, các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, viên chức ngành tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chương trình, đề án, chính sách của Trung ương và của tỉnh về lĩnh vực Giáo dục, phát triển nguồn nhân lực; tiếp tục sắp xếp hợp lý quy mô, mạng lưới trường, lớp học, các cấp học; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập cho các nhà trường. Bên cạnh đó, ngành cần tập trung nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới; thực hiện các chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ giáo viên, cán bộ quản lý giỏi; đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ về nội dung, phương pháp dạy và học theo hướng phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực của người học.