Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Phúc chất vấn tại hội trường. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN |
“Để quản lý, điều hành tổng thể nền kinh tế thì phải biết được tổng thể thất thoát, lãng phí. Hàng năm, chúng ta tính được tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thì cũng phải tính được tổng thất thoát, lãng phí, dù là ước tính. Nếu không tính được thì làm sao đánh giá được thực chất của tăng trưởng kinh tế”, Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh bên hành lang Quốc hội.
PV: Thất thoát, lãng phí đã được nhiều đại biểu nêu lên trong các phiên họp Quốc hội, nhưng chưa đại biểu nào đề cập tới việc định lượng tổng số thất thoát, lãng phí hàng năm và trong một nhiệm kỳ 5 năm. Vì sao ông lại muốn các bộ, Chính phủ phải báo cáo con số này?Đại biểu Nguyễn Văn Phúc: Chất vấn của tôi gửi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Xây dựng là các bộ chủ chốt, cùng với các bộ, cơ quan ngang bộ khác có thể giúp Chính phủ, tính toán, định lượng được những thất thoát, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng trong việc quản lý, sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế, nhất là thất thoát lãng phí trong đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn Nhà nước. Từ đó có thể báo cáo với Quốc hội và cử tri cả nước thất thoát, lãng phí chiếm bao nhiêu % GDP trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13, từ năm 2011 tới nay, để thấy được mức độ nghiêm trọng đến đâu.
Không bàn sâu về thực trạng, nguyên nhân thất thoát, lãng phí vì ai cũng hiểu, đại biểu Quốc hội đã nêu, báo chí cũng chỉ ra những công trình có tổng mức đầu tư rất lớn được cho là thất thoát, lãng phí. Để chuẩn bị cho phiên thảo luận và chất vấn tại Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, ngày 5/10 tôi có gửi thư cho 18 Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Tổng Kiểm toán Nhà nước đề nghị cung cấp thông tin chính thức về thất thoát, lãng phí trong việc quản lý, sử dụng các nguồn lực trong các ngành, lĩnh vực, trong đó có các Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… Tôi đã nhận được công văn trả lời của 13 cơ quan, còn 6 cơ quan chưa có phúc đáp. Mục đích của tôi là qua thông tin của các ngành mà có thể đánh giá được phần nào tổng thể thất thoát, lãng phí của nền kinh tế. Nhận xét chung là nhiều cơ quan cho thấy khó định lượng được thất thoát, lãng phí tính bằng tiền hay tỉ lệ % so với GDP.
Tuy nhiên, cũng có một số cơ quan cung cấp thông tin rất bổ ích. Cụ thể, theo Bộ Công Thương, thất thoát trung bình trong khai thác than lộ thiên là 5-6%, trong khai thác hầm lò là 24-26%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thất thoát sau thu hoạch lúa gạo là 10% (như vậy sản lượng lúa năm 2014 là 45 triệu tấn thì thất thoát 4,5 triệu tấn), đó chỉ là công đoạn sau thu hoạch, còn chưa tính tới thất thoát do sâu bệnh, thiên tai; khai thác hải sản đánh bắt xa bờ thất thoát 20 -30%…
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đúng khi nói muốn có số liệu này còn phải dựa vào Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ. Từ năm 2011-2014, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 75.879 tỷ đồng, tổng số kiến nghị đã được thực hiện là 47.994 tỷ đồng (tương đương 63,25%); còn 27.885 tỷ đồng (36,75%) chưa được xử lý đang ở đâu, có tính là thất thoát, lãng phí không? Thanh tra Chính phủ, từ năm 2011 đến tháng 9/2015 đã phát hiện vi phạm 74.576 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 22.690 tỷ đồng, kiến nghị xuất toán loại khỏi giá trị quyết toán và xử lý khác là 51.886 tỷ đồng. Đã thu hồi và xử lý khác được 39.803 tỷ đồng (tương đương 53,37%). Tổng hai con số này mặc dù chưa đầy đủ như Bộ trưởng Bộ KH&ĐT khẳng định nhưng cũng có thể chỉ ra thất thoát là rất lớn.
Đúng là khó nếu chỉ dựa vào con số của các ngành, vì thường chỉ có những con số thất thoát, lãng phí do khách quan, còn thất thoát, lãng phí do chủ quan thì khó tìm được trong các báo cáo. Ví dụ công văn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không nêu ra những thất thoát, lãng phí, mặc dù ngành này từ Trung ương đến địa phương đang quản lý gần 8.000 lễ hội trong cả nước, rất nhiều công trình văn hóa, thể thao, du lịch… Có lẽ khó chủ yếu không phải vì tính toán mà là khó do ngại báo cáo hạn chế, yếu kém của ngành mình.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, tôi nêu câu hỏi rất rộng và khó định lượng được chính xác. Tôi chia sẻ khó khăn đó của Bộ KH&ĐT và các cơ quan khác. Đồng thời đánh giá cao cam kết của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh rằng khó cũng phải làm vì có thể tính được và rằng để đất nước phát triển thì phải ngăn chặn thất thoát, lãng phí.
Để quản lý, điều hành tổng thể nền kinh tế thì phải biết được tổng thể thất thoát, lãng phí. Hàng năm chúng ta tính được tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thì cũng phải tính được tổng thất thoát, lãng phí, dù là ước tính. Nếu không tính được thì làm sao đánh giá được thực chất của tăng trưởng kinh tế.
Tổ chức quốc tế còn tính được cho chúng ta thiệt hại do tai nạn giao thông đường bộ chiếm 1,41-2,45% GDP; Ngân hàng Thế giới còn tính được ô nhiễm môi trường gây thất thoát cho Việt Nam đến 5% GDP. Tổ chức quốc tế tính được, không có lý gì chúng ta lại không tính được. Do vậy, tôi chỉ tán thành một phần trả lời của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT. Vì theo như trả lời của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thì nhiều năm nay, Bộ KH&ĐT và các bộ hầu như không giúp Chính phủ tính toán được tổng thể những thất thoát, lãng phí của nền kinh tế. Trong khi đó, theo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ban hành từ năm 2005 (sửa đổi 2014), có cơ sở định lượng được thất thoát, lãng phí cụ thể. Điều 3 của Luật ghi rõ lãng phí là việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước và tài nguyên vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ hoặc không đạt mục tiêu đã định. Luật quy định bộ, cơ quan ngang bộ hàng năm phải báo cáo với Chính phủ kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để Chính phủ báo cáo với Quốc hội.
PV: Thất thoát, lãng phí đang xảy ra ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhưng vì sao ông chỉ chất vấn Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Bộ trưởng Bộ Tài Chính, Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại Quốc hội?Đại biểu Nguyễn Văn Phúc: Bộ KH&ĐT có chức năng tổng hợp, giúp Chính phủ xây dựng báo cáo tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm, giúp Chính phủ xây dựng dự toán và phương án phân bổ vốn đầu tư phát triển. Do đó, Bộ KH&ĐT có thể tổng hợp được những thất thoát, lãng phí của nền kinh tế, đặc biệt Bộ có thể sử dụng Tổng Cục Thống kê để tính toán. Bộ Tài chính cũng có chức năng tổng hợp, giúp Chính phủ quản lý thu, chi ngân sách nhà nước và tài sản công, tổng hợp quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm, giúp Chính phủ tổng hợp kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong phạm vi cả nước. Bộ Xây dựng có chức năng quản lý nhà nước về xây dựng, ban hành, kiểm tra các đơn giá về xây dựng, các định mức kinh tế - kỹ thuật… thông qua đó kiểm soát được tổng mức đầu tư, đồng thời quản lý quy hoạch xây dựng, thiết kế, thi công… nên có thể nắm được những thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng các công trình sử dụng vốn nhà nước.
Cử tri, đại biểu Quốc hội rất quan tâm, bức xúc vì tình trạng thất thoát, lãng phí nghiêm trọng các nguồn lực của nền kinh tế. Nhưng các ngành, các cấp không báo cáo hoặc báo cáo rất mờ nhạt vì sợ khuyết điểm. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã báo cáo với Quốc hội về tình hình này. Rõ ràng kỷ luật báo cáo có vấn đề, Chính phủ không nghiêm trong chuyện này, nên việc báo cáo hay không báo cáo cũng như nhau, chưa nói đến xử lý vi phạm.
PV: Để đẩy lùi thất thoát, lãng phí trong thời gian tới và nhiệm kỳ tới, theo ông Quốc hội, Chính phủ phải làm gì? Đại biểu Nguyễn Văn Phúc: Hiến pháp, Luật đã quy định nhưng thực thi chưa tốt, chưa nghiêm. Chính phủ cần chỉ đạo hướng dẫn cụ thể hơn các tiêu chí để có thể đánh giá, định lượng được kết quả thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, cần đặt ra các chỉ tiêu cụ thể đối với các bộ, ngành. Ví dụ, từ đầu nhiệm kỳ tới khi lấy phiếu tín nhiệm Bộ trưởng, Bộ Công Thương có phấn đấu giảm thất thoát trong khai thác than hầm lò từ 26% xuống 20%, Bộ Nông nghiệp có phấn đấu giảm thất thoát sau thu hoạch lúa gạo từ 10% xuống 5%, tương tự như Bộ Giao thông Vận tải phấn đấu giảm tai nạn giao thông được không? Phải có chỉ tiêu cụ thể để đánh giá. Các bộ đều phải báo cáo theo tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể do Quốc hội, Chính phủ đặt ra để đánh giá.
Quốc hội cần tiến hành giám sát tối cao chuyên đề này. Hội đồng dân tộc và các Ủy ban, nhất là Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Kinh tế cần giám sát thường xuyên các bộ, ngành. Đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội cần giám sát chặt chẽ tại các địa phương. Quốc hội cần sử dụng Kiểm toán Nhà nước là cơ quan độc lập để kiểm tra, đánh giá một cách khách quan. Kiểm toán Nhà nước cần trình bày trước Quốc hội về thực trạng thất thoát, lãng phí. Chính phủ cần sử dụng Thanh tra Chính phủ để thẩm định lại báo cáo của các bộ, ngành, địa phương. Các cơ quan điều tra của Bộ Công an phải vào cuộc điều tra nhiều vụ án gây thất thoát, lãng phí. Tòa án, Viện Kiểm sát cũng cần tăng cường truy tố, xét xử các vụ án này. Tất cả phải cùng vào cuộc thì mới giải quyết được vấn đề bức xúc, nhức nhối này.
Giảm được thất thoát, lãng phí thì sẽ có đủ tiền để xây dựng trường học, bệnh viện, để nâng lương cho người lao động mà không phải tăng nợ công. Nguồn lực của nền kinh tế có hạn, vấn đề là phân bổ và sử dụng có hiệu quả đồng thời phải thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí. Đất nước chúng ta lẽ ra đã phát triển nhanh hơn, phồn vinh hơn, dân ta đã có thể giàu hơn nếu chúng ta ngăn chặn và giảm thiểu được thất thoát, lãng phí. Các nước giàu chưa hẳn vì họ sản xuất nhiều hơn chúng ta mà do họ biết tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí. Nhật Bản là một ví dụ.