Rút ruột công trình vì thiết kế thừa

Sử dụng lãng phí các nguồn lực của Nhà nước, vốn đầu tư công, thất thoát, rút ruột công trình xây dựng... dù đã nhiều lần được nhắc tới trên nghị trường, nhưng theo các đại biểu Quốc hội việc giải quyết vấn nạn này diễn ra rất chậm.


Vấn đề này lại một lần nữa hâm “nóng” nghị trường trong phiên chất vấn sáng nay 18/11.

Thất thoát, lãng phí không chỉ ở khâu xây dựng, đấu thầu

Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) nêu tình trạng thất thoát lãng phí xảy ra ở các công trình đầu tư công, có công trình xây xong nhưng chưa sử dụng, sử dụng kém hiệu quả…

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Phúc. Ảnh : Phương Hoa – TTXVN

“Tư lệnh” ngành xây dựng, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng thừa nhận, chưa có số liệu chính xác, nghiên cứu toàn diện về thất thoát trong xây dựng công trình, nhưng việc thất thoát là có thật và đang rất bức xúc. Tuy nhiên, sau khi có Nghị định 15 của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2013, các cơ quan chuyên môn về xây dựng đã tiến hành thẩm định dự toán thiết kế, giá trị gói thầu để đưa ra đấu thầu. Do vậy, nếu đấu thầu không minh bạch sẽ xảy ra thất thoát.

Cùng trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nêu ví dụ, trước đây, tại Quốc lộ 70 (Hà Nội – Lào Cai), Công an Lào Cai đã bắt đội trưởng đội thi công cầu Bản Phiện đang rút bớt thép trên cầu. Khi khai báo, cậu kỹ sư này nói, tôi lấy đi vì trong thiết kế thừa, thiết kế này quá an toàn, tôi có rút đi cũng chả sao. Tại sao cậu ta trả lời như vậy? Vì cậu ta cho rằng, người thiết kế được “ăn chia” theo tỉ lệ phần % giá trị công trình. Do vậy, vừa để an toàn, vừa được hưởng % giá trị công trình, nên người thiết kế đã làm tăng thêm. Cơ quan thẩm định thiết kế, dự toán cũng không phát hiện ra. Do vậy, anh ta cho rằng nên rút bớt và đảm bảo là không sập. Điều đó cho thấy, thất thoát, lãng phí có ngay từ khâu thẩm định dự toán đầu tư.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Ngoài ra, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, "cách đây 2 năm, Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) đã hỏi tôi về việc thất thoát, lãng phí của các công trình xảy ra ở những địa phương nào, địa điểm nào? Tôi đã công văn gửi các địa phương, các bộ sử dụng vốn nhà nước báo cáo việc này. Nhưng sau 7 tháng đôn đốc, chúng tôi nhận được một số báo cáo của 5 tập đoàn kinh tế nhà nước, 7 địa phương kê khai những công trình có thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả…con số này chưa phản ánh hết tất cả". 

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) về con số cụ thể về thất thoát, lãng phí các nguồn lực của nhà nước trong giai đoạn 2011-2015, hai bộ trưởng đều chưa đưa ra được con số cụ thể.

“Có thể đưa ra con số nhưng khó chính xác, vì câu hỏi rộng. Lãng phí, thất thoát các nguồn lực của nhà nước rất rộng, từ tài nguyên khoáng sản tới tiền vốn, nhân lực… mọi mặt. Muốn biết số lượng thất thoát, chúng ta cỏ thể thông qua số liệu của thanh tra chính phủ, kiểm toán nhà nước, các bộ ngành… nhưng con số này không đủ. Đi học tập nước ngoài mà không đem lại hiệu quả cũng là lãng phí. Mua sắm gửi giá cũng là thất thoát… đặc biệt là thất thoát trong việc xây dựng các công trình sử dụng vốn nhà nước còn nghiêm trọng. Chính phủ, Quốc hội, địa phương đang làm quyết liệt, khẩn trương việc này nhưng chưa kiềm chế được”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh.

Dứt khoát phải đẩy lùi


Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, vì sự phát triển của đất nước, dứt khoát chúng ta phải ngăn chặn những việc làm này. Rất khó nhưng phải quyết tâm làm để chấm dứt tình trạng này. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý về nhà nước, còn các bộ quản lý công trình, tiêu tiền phải chịu trách nhiệm quản lý đồng tiền. Đại biểu Mạnh Hùng (Thái Nguyên) nêu việc, công trình ký túc xá ở Đà Lạt (Lâm Đồng) xây tốn hàng trăm tỉ đồng nhưng chỉ có một sinh viên ở. Việc này do Bộ Xây Dựng và tỉnh quản lý, Bộ Xây dựng phân bổ, duyệt dự án từ nguồn trái phiếu Chính phủ. Do đó, các bộ chủ quản phải cùng với Bộ KH&ĐT, địa phương siết chặt lại các quy định, định mức, thẩm định chất lượng, đấu thầu tốt, thi công tốt… đây là những vấn đề lớn, chúng ta cùng phải làm, để sử dụng nguồn vốn ít ỏi của nhà nước hiệu quả hơn.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trả lời chất vấn. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN

Còn theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, sau khi có NĐ 15 của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2013, qua kiểm tra dự toán ban đầu, các địa phương, ngành báo cáo, năm 2013 cắt giảm được 9,3%; năm 2014 tiết kiệm được 5,39%, 9 tháng đầu năm 2015 cắt giảm được 5,66% tổng dự toán công trình của các tờ trình để các cơ quan nhà nước thẩm định, sau đó đưa ra đấu thầu. Như vậy, cắt giảm dự toán được trên 5%.

Ngoài ra, trong giai đoạn 2011-2015, thanh tra xây dựng tổ chức 286 đoàn kiểm tra, công bố 267 kết luận, ban hành 189 quyết định xử phạt hành chính, kiến nghị xử lý về kinh tế với số tiền 3.300 tỷ đồng, trên tổng mức đầu tư là 82.000 tỷ đồng. Đây mới chỉ là kiểm soát một số công trình. Kiểm tra bao gồm tiền trừ thanh quyết toán, áp sai đơn giá thuê đất, giảm trừ do điều chỉnh lại dự toán… chiếm tỷ lệ 4,3% tổng dự toán công trình. Hai khoản trên cộng vào sẽ khoảng 10% tổng dự toán công trình. Với tổng đầu tư bằng vốn nhà nước mỗi năm chiếm 40% tổng đầu tư xã hội, thì việc hạn chế thất thoát trong lĩnh vực này cũng là rất lớn.

H.V
Chất vấn và trả lời còn dài dòng, nặng giải thích
Chất vấn và trả lời còn dài dòng, nặng giải thích

Bên lề Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã nêu những nhận xét về phiên chất vấn tại Hội trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN