Bên lề kỳ họp Quốc hội:

Đánh giá nghiêm túc các mặt công tác của Chính phủ

Đánh giá đúng, khá khách quan và đặc biệt trong báo cáo tóm tắt, Chính phủ đã không chỉ đi vào những cái được, mà đã dành thời lượng cần thiết để ưu tiên nêu những điểm còn tồn tại, hạn chế của lĩnh vực công tác, đó là một cách tiếp cận phù hợp.


Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long Phạm Tất Thắng phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Đó là nhận định của đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) khi trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam bên lề phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 10, ngày 16/11.

* Báo cáo của Chính phủ đánh giá nghiêm túc, thẳng thắn


Đại biểu Phạm Tất Thắng cho rằng, Chính phủ trình bày báo cáo tóm tắt nên chưa tổng hợp một cách toàn diện, đầy đủ những chất vấn của đại biểu từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Còn theo đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (Thành phố Hồ Chí Minh), báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015 do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày, đã khái quát cả quá trình trong 8 kỳ họp, đại biểu Quốc hội đã chất vấn Chính phủ. Những việc Chính phủ đã giải trình tương đối đầy đủ, bao gồm cả 17 lĩnh vực, từ kinh tế, xã hội cho đến an ninh, an toàn, y tế… Tôi thấy như vậy là thỏa đáng, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh cho hay.

Chia sẻ quan điểm trên, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, báo cáo của Chính phủ dài 15 trang đã đề cập tương đối toàn diện, tổng kết được các mặt công tác của Chính phủ, đặc biệt là việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.

Chính phủ đã đánh giá một cách nghiêm túc những mặt làm được, chưa làm được, những hạn chế và cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, đề ra những giải pháp trong thời gian tới. Báo cáo phân tích nhiều nguyên nhân do khách quan nhưng phần lớn là do chủ quan. Ông Trần Ngọc Vinh chia sẻ: “Chính phủ rất thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm về mình. Tôi thấy tương đối hài lòng với báo cáo của Chính phủ”.

* Chuyển biến còn chậm

Đánh giá về những kết quả nổi bật Chính phủ đã làm được thời gian qua, đại biểu Trần Ngọc Vinh cho biết đó là lãnh đạo về kinh tế. Chính phủ bằng mọi biện pháp và giải pháp điều hành, đưa tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,5%, đây là mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước ổn định đồng tiền Việt Nam, khơi thông được dòng vốn, xử lý được nợ xấu từ trên 17% xuống còn ở mức rất thấp.

Đặc biệt, đại biểu Trần Ngọc Vinh đánh giá cao việc Chính phủ chỉ đạo ngành ngân hàng sắp xếp lại hệ thống ngân hàng, giữ ổn định đồng tiền Việt Nam – điều mà ông đã từng đưa ra chất vấn ở Quốc hội trước đây. Ông Vinh dẫn giải: Nếu như trước kia đi mua nhà phải tính bằng vàng, nay đồng tiền Việt Nam đã thay vào vị trí này. Tiền đồng ổn định, giá vàng ổn định, thay vì “nhảy múa” lên đến 49 – 50 triệu đồng/lượng, giờ vàng giữ ở mức hơn 30 triệu đồng/lượng là rất tốt.

Ông Trần Ngọc Vinh cho rằng các ngành đều có chuyển biến, song có ngành chuyển biến chậm, vẫn bị nhân dân và cử tri kêu ca. Chẳng hạn hơn 70% dân số nước ta làm nông nghiệp. Chính phủ đã có rất nhiều giải pháp nhưng nông dân vẫn rơi vào tình trạng được mùa, rớt giá, thuốc trừ sâu, phân bón giả tràn lan, chất cấm trong rau quả, thực phẩm nhiều nhưng chưa khắc phục được.

Y tế có nhiều tiến bộ nhưng thuốc giả, tình trạng bệnh viện quá tải… vẫn tồn tại, người dân rất kêu ca. Luật Đất đai đã sửa nhưng vẫn có rất nhiều đơn thư khiếu nại về đất đai, trong đó có giải phóng mặt bằng, giá cả đền bù, tái định cư…

Nêu lên một thực tế hơn 90% doanh nghiệp trong nước là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ yếu bán sức lao động bằng việc gia công, khối doanh nghiệp FDI hiện đóng góp lớn nhưng thiếu bền vững, đại biểu Trần Ngọc Vinh cho rằng không củng cố doanh nghiệp trong nước sẽ rất nguy hiểm, khi có vấn đề bất ổn, các doanh nghiệp FDI rút đi, Việt Nam sẽ trở thành sa mạc bê tông hóa hoàn toàn. Tư bản chỉ đầu tư ra nước ngoài khi giá lao động rẻ và có chính sách ưu ái, do vậy phải củng cố, ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước về chính sách để vực dậy cho những đứa con đẻ này khỏe mạnh, có đủ sức – ông Vinh nói.

Bằng lòng với các nội dung chất vấn của mình đều được quan tâm xử lý, song đại biểu Phạm Tất Thắng cho biết kết quả đạt như mong muốn của ông và cử tri hay chưa, vẫn còn phải tiếp tục triển khai trong thời gian tới. Là Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ông đặc biệt quan tâm đến tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp chưa tìm được việc làm. Kể từ thời điểm đại biểu chất vấn đến nay, con số này chưa giảm.

Điều đó phản ánh một thực trạng là sức hấp thụ của nền kinh tế với đội ngũ lao động có chất lượng cao dường như chưa được, những giải pháp liên quan đến việc đổi mới đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội được triển khai nhưng chưa đạt được kết quả mong muốn. Rộng hơn nữa là chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đến nay mặc dù đã có đổi mới nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu căn bản, toàn diện như Nghị quyết của Trung ương mà mới thực hiện đổi mới bước đầu.

Từ góc nhìn khác, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh cho rằng trong bối cảnh bước vào năm 2011, đầu nhiệm kỳ của Quốc hội, tình hình kinh tế thế giới cũng như trong nước hết sức khó khăn, nhưng trong suốt 4 năm, Chính phủ lèo lái rất tốt con tàu kinh tế của đất nước. Giảm lạm phát, giảm lãi suất, cuộc sống người dân ổn định hơn, thị trường vàng không chao đảo lên xuống, đây là vấn đề nổi bật lớn nhất. Việt Nam không những trụ vững mà còn phát triển.

Theo đại biểu, so với mặt bằng yêu cầu phát triển của xã hội là chưa đạt, nhưng trong bối cảnh rất khó khăn, tình hình kinh tế, chính trị, an ninh thế giới hết sức phức tạp… mà vẫn giữ vững được ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để phát triển, đây là thành công rất lớn của Chính phủ trong nhiệm kỳ vừa qua. Điều tồn tại, theo đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh, đó là vấn đề an dân. Vấn đề an ninh trong nội bộ nhân dân cần phải làm tốt hơn – đại biểu nói.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Cử tri đánh giá cao việc đổi mới hoạt động chất vấn và trả lời
Cử tri đánh giá cao việc đổi mới hoạt động chất vấn và trả lời

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, ngày 16/11, Quốc hội bắt đầu phiên họp giám sát, chất vấn và trả lời chất vấn. Tại kỳ họp này, hoạt động chất vấn có sự khác biệt lớn so với các kỳ họp trước, theo đó Quốc hội chất vấn tổng thể việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ XIII đến nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN