Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu khái quát những vấn đề Quốc hội cần tập trung chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN |
Sáng 17/11, các đại biểu Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Hội trường. Bên lề Quốc hội, các đại biểu đã nêu những nhận xét về vấn đề này.
Cơ bản đi thẳng vào vấn đề chất vấn Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), việc đổi mới hình thức chất vấn của kỳ họp thứ 10 là rất tốt. Hình thức này đánh giá lại những vấn đề chất vấn từ kỳ họp thứ 2 đến nay, qua đó, xem các vị “Tư lệnh” ngành đã thực hiện lời hứa đến đâu và việc gì chưa thực hiện được, như nguyên nhân vì sao. Đây còn là dịp để hệ thống lại những vấn đề đã chất vấn đối với Chính phủ và các thành viên của Chính phủ.
Qua hơn một ngày tiến hành phiên chất vấn, đại biểu Ngọc Vinh nhận xét, cơ bản các câu hỏi chất vấn đã đi thẳng vào nội dung vấn đề; nhiều câu hỏi chất vấn hết sức sắc sảo, nêu bật được những vấn đề cử tri cả nước quan tâm. Tuy nhiên, một số câu hỏi chất vấn còn dài và mang tính giải thích sự vụ. Một số đại biểu lại hỏi nhiều vấn đề đối với các Bộ trưởng, dẫn tới việc điều hành rất khó và không thể dành riêng cho một đại biểu nào đi sâu phân tích, làm rõ một vấn đề. Đồng thời, dẫn tới hạn chế việc trao đi đổi lại và không thể trả lời sâu một vấn đề. “Bước đầu phần chất vấn và trả lời chất vấn đã đạt được yêu cầu, nhưng cần phải rút kinh nghiệm cho những lần sau, sẽ tốt hơn” – đại biểu nhấn mạnh.
Cũng theo đại biểu Vinh, kiểu chất vấn này chỉ nên nên áp dụng đối với kỳ cuối cùng của khóa, còn nếu áp dụng cho các kỳ họp, cần đổi mới lại phương thức. Tức là một đại biểu chỉ nên chất vấn một hoặc hai Bộ trưởng cùng một lĩnh vực và không trao đổi lại các báo cáo, đồng thời chỉ lên phát biểu từ 2 đến 3 phút. Như vậy, mới có nhiều đại biểu được đặc câu hỏi và thời gian của phiên chất vấn cần kéo dài 3 ngày, chứ 2,5 ngày như hiện nay là hơn ít.
Đánh giá phiên chất vấn lần này có nhiều điều đặc biệt, nhất là việc tất cả các thành viên Chính phủ tham gia trả lời những câu hỏi, đại biểu Phùng Khắc Đăng (Sơn La) cho rằng: Qua hơn một ngày chất vấn, các đại biểu đã nêu nhiều vấn đề mới, nhưng cũng có nội dung đã chất vấn tại các kỳ họp trước. Phần trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ nói chung đã bám các câu hỏi của đại biểu cũng như vấn đề Quốc hội mong muốn được trả lời. Tuy nhiên, một số vị Bộ trưởng trả lời còn lòng vòng, chưa đi thẳng vào bản chất của vấn đề.
Đại biểu mong rằng, các vị “Tư lệnh” ngành đã hứa điều gì cần cố gắng làm bằng được điều đó. Bởi, lòng tin của cử tri đối với Chính phủ và các thành viên Chính phủ là bằng những việc làm cụ thể. Đặc biệt, khi các thành viên Chính phủ đã hứa, mà thực hiện được, cử tri rất hoan nghênh và lòng tin ngày càng được nhân lên.
Đại biểu Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: Càng về sau, các chất vấn phải đi vào những vấn đề rất cụ thể. Việc điều hành phải tập trung vào các vấn đề cụ thể, thậm chí đi vào những vụ việc. Tuy nhiên, tại phiên chất vấn, vẫn có một số trường hợp tranh thủ để giải trình, không cần thiết, làm mất thời gian. Theo đại biểu, thời gian còn lại của phiên chất vấn cần tập trung cụ thể hơn, vì còn rất nhiều vấn đề bức xúc, trong đó có những vấn đề liên quan đến thể chế, cơ chế trách nhiệm không rõ ràng như: Cơ chế trách nhiệm, vấn đề đó thuộc trung ương hay địa phương cũng chưa rõ.
Theo đại biểu Lịch, cách chất vấn này, chỉ nên duy trì vào cuối nhiệm kỳ, còn tại các kỳ họp khác vẫn tiến hành như cũ; đồng thời giữa nhiệm kỳ nên tiến hành một cuộc chất vấn như thế này nhằm đánh giá 2,5 năm, trên cơ sở đó lấy phiếu tín nhiệm đối với các Bộ trưởng. Như vậy, đánh giá tốt hơn chứ không phải đợi đến cuối nhiệm kỳ.
Băn khoăn vay nợ nước ngoài
Đánh giá cao phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, đại biểu Trần Ngọc Vinh cho rằng: Bộ trưởng Bộ Tài chính đã trả lời rõ 5 nhóm vấn đề và phân tích rất sâu về tình hình tài chính của đất nước, nhất là trong việc sử dụng tài chính công, thu thuế, vay vốn nước ngoài, đầu tư. Những vấn đề này, Bộ trưởng đã nắm rất chắc các con số của ngành cũng như sự điều hành tài chính. Mặt khác, Bộ Tài chính đã đổi mới vấn đề cải cách thủ tục hành chính, nhất là lĩnh vực hải quan để thu thuế thông quan, tuy nhiên, chất lượng thu thuế vẫn còn nợ đọng nhiều.
Về việc đi vay nợ nước ngoài, đại biểu Vinh rất phân vân và cho rằng: Việc vay nợ nước ngoài, chúng ta kiên quyết không để chi vào việc hành chính. Tức là không phải vay tiền để “ăn đi”, mà dùng cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất. Chứ vay để “ăn đi” hay đáo nợ, chúng ta cần hết sức nghiên cứu. Đặc biệt, khi bỏ đồng tiền ra, cần xem công trình đầu tư và thời gian ra sao. Đây là một việc rất quan trọng, do đó, Bộ Tài chính - cơ quan quản lý tiền, cần phải cùng với các bộ khác giám sát chặt chẽ khi việc bỏ tiền ra có đảm bảo về thời gian, hiệu quả và tỷ lệ thất thoát bao nhiêu phần trăm.
Vấn đề trên, đại biểu Phùng Khắc Đăng rất trăn trở, băn khăn và cho rằng: Những con số báo cáo trước Quốc hội có sự tiến triển rất tốt, nhưng đằng sau đó còn nhiều điều băn khoăn. Bởi đã tăng trưởng tốt, tại sao lại đặt vấn đề với Quốc hội vay một khoảng tiền rất lớn từ nước ngoài. Khoản nợ này, các thế hệ con cháu của chúng ta sẽ trả như thế nào, đây là một bài toán khó giải. Tuy có ý kiến cho rằng, việc vay nước ngoài để đầu tư phát triển, nhưng thực chất nguồn vay đó có dành cho đầu tư phát triển hay để đảo nợ, chi vào giải quyết cuộc sống hàng ngày. Nếu vay để đảo nợ, chi cuộc sống hàng ngày, quả thật là một vấn đề phải suy nghĩ.