Hai người bị chết là bà Lữ Thị Tú Anh, sinh năm 1959 và chị Nguyễn Lữ Vân Anh, sinh năm 1983, tại khu phố số 2, phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.
Ba người bị mất tích do nước cuốn trôi là ông Ngô Bình 54 tuổi, ở khối 7, phường An Mỹ, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam; ông Nguyễn Xuân Tâm 51 tuổi, thôn Thượng Hoà, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi; anh Nguyễn Thế C., sinh năm 1997 ở thông Chằm, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Một người bị thương ở Quảng Trị.
Mưa lũ làm 4.643 nhà ngập nước; 323 hộ hộ phải di dời khẩn cấp; 9.074 ha lúa bị hư hại; 918 ha hoa màu bị thiệt hại; 16.297 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 47.413 m đê bao, bờ bao, kênh mương bị sạt lở; 486 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập; 58.845 m đường giao thông bị hư hại, sạt lở.
Các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định và 4 xã, thị trấn ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế gồm: xã Lộc Trì, thị trấn Phú Lộc, xã Lộc An và Lộc Hoà đã phải cho học sinh nghỉ học vào ngày 10/12.
Sáng 10/12, nhiều nhà dân ở thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam bị ngập sâu trong nước từ 0,8 - 1,2 m. Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường ở Tam Kỳ cũng bị ngập, có nơi ngập từ 1 - 1,2m; tại một số đoạn Quốc lộ 1A qua địa phận Tam Kỳ, Thăng Bình nước đã tràn qua mặt đường. Tại Đà Nẵng một số tuyến đường như Lê Duẩn, Ông Ích Khiêm, Quang Trung, Đống Đa, Lý Tự Trọng... bị ngập khiến nhiều xe máy, ô tô chết máy giữa đường, giao thông khó khăn
Mưa lớn kéo dài gây ngập úng cục bộ tại một số nơi trong tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trên Quốc lộ 1A đoạn qua xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc nước ngập từ 0,2 - 0,3 m, gây ách tắc giao thông cục bộ. Tại huyện Phong Điền, nhiều nơi cũng bị chia cắt do lũ. Các tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện bị chia cắt, nguy hiểm đến việc đi lại của người dân. Tỉnh lộ 9, đoạn qua tổ dân phố Trạch Tả, thuộc địa phận thị trấn Phong Điền ngập sâu khoảng hơn 1 m. Tại xã Phong Bình khu vực qua chợ Phò Trạch (thôn Phò Trạch), nước dâng cao từ 0,5 - 1m. Tại tỉnh Bình Định, mưa lớn cũng đã làm ngập cục bộ tại hàng loạt trường, điểm trường, giao thông bị chia cắt
Để đẩy nhanh việc khắc phục hậu quả và ứng phó với mưa lũ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố nằm trong khu vực bị ảnh hưởng tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền và người dân nhất là vùng ven sông, suối, vùng trũng thấp để chủ động các biện pháp phòng tránh; tập trung huy động các nguồn lực khẩn trương khắc phục hậu quả mưa, lũ, ngập úng để sớm ổn định đời sống nhân dân.
Tỉnh Bình Định cần chỉ đạo tập trung khắc phục sự cố đập Lại Giang để hạ thấp mực nước thượng lưu, huy động nguồn lực khắc phục các sự cố đường sắt, đường bộ sớm đảm bảo giao thông. Sơ tán người dân, tài sản đến nơi an toàn ở những khu vực có nguy cơ cao bị ngập sâu, chia cắt, lũ quét, sạt lở đất; bố trí lực lượng canh gác tại những vị trí ngầm, tràn giao thông bị ngập sâu, nước chảy xiết; kiểm soát chặt chẽ các bến đò ngang, đò dọc, khu vực đường bị ngập… để hướng dẫn người, phương tiện qua lại.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố cần triển khai phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn các công trình phòng chống thiên tai, công trình đê điều, hồ đập; kiểm soát chặt chẽ việc xả lũ của các hồ chứa nhằm đảm bảo an toàn đập và vùng hạ du; vận hành công trình tiêu chống úng, chống ngập lụt khu vực đô thị đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại. Rà soát việc chuẩn bị theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy, lực lượng, phương tiện, hậu cần tại chỗ); chú trọng việc dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men, nhu yếu phẩm,… để sẵn sàng ứng phó với các tình huống; chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh tăng cường cán bộ, phương tiện để nâng cao hiệu quả công tác trực ban, tham mưu ứng phó với mưa, lũ, sạt lở đất; tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên cập nhật thông tin, báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Theo Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, ngày 10/12, tại toạ độ 17053'N (Bắc) -108026'E (Đông), cách phía Đông Đông Bắc đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị khoảng 75 hải lý và cách phía Tây Tây Nam mũi Dinh Cơ, đảo Hải Nam, Trung Quốc khoảng 40 hải lý, 12 tàu cá của Bình Định với 105 lao động (BĐ 96282TS, BĐ 98002 TS, BĐ 97963TS, BĐ 95249TS, BĐ 97913TS, BĐ97947TS, BĐ 97857TS, BĐ 95537TS, BĐ 98285TS, BĐ 97966TS, BĐ 97499TS, BĐ 96788TS) gặp thời tiết nguy hiểm sóng to, gió lớn. Các thuyền trưởng đề nghị được vào vị trí gần nhất tránh trú là đảo Hải Nam.
Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao thông báo cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội biết để chỉ đạo các cơ quan chức năng trong nước tạo điều kiện thuận lợi cho 12 tàu cá Bình Định và 105 ngư dân được vào neo đậu tránh trú gió bảo đảm an toàn.
Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam duy trì liên lạc với tàu, phối hợp với đơn vị chức năng phía bạn có biện pháp hỗ trợ và sẵn sàng cứu nạn khi có yêu cầu. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với các chủ tàu, duy trì liên lạc với các tàu cá trên; đồng thời thông báo hướng dẫn cho 12 tàu cá và 105 ngư dân di chuyển vào tránh trú gió tại đảo Hải Nam, Trung Quốc bảo đảm an toàn.
Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có Công hàm số 1361/CH-LS-BHCD ngày 10/12/2018 gửi Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội biết để chỉ đạo các cơ quan chức năng trong nước tạo điều kiện thuận lợi cho 12 tàu cá Bình Định và 105 ngư dân được vào neo đậu tránh trú gió bảo đảm an toàn.