Một thời 'tay bút, tay súng' của phóng viên Thông tấn - Bài 1: Giữ làn sóng điện không bao giờ tắt

Lúc bình thường – họ là phóng viên, là biên tập viên, điện báo viên, nhân viên văn thư, hậu cần, cấp dưỡng của cơ quan Thông tấn xã Giải phóng. Thế nhưng, khi có giặc họ trở thành những chiến binh kiên cường thi gan, đọ súng với quân thù.  

Nhiều người đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ giữa chiến trường, cũng có người anh dũng hy sinh để bảo vệ căn cứ... để cho dòng thông tin chảy mãi, kiên cường duy trì mạch máu thông tin giữa chiến trường.. 

Chú thích ảnh
Điện báo viên B8 (Thông tấn xã Giải phóng) đang thu phát tin. Ảnh tư liệu: TTXVN

Với khẩu hiệu “Làn sóng điện không bao giờ tắt” trong bất cứ tình huống nào dù chống càn hay trên đường di chuyển căn cứ phải mang vác nặng nề, cán bộ Thông tấn xã Giải phóng vẫn giữ đúng các phiên làm việc để bảo đảm mạch máu thông tin liên lạc thông suốt liên tục.

Ở đâu có trận đánh, ở đó có phóng viên Thông tấn

Cùng với việc tổ chức bộ máy hoạt động ngày đêm tại căn cứ, Thông tấn xã Giải phóng lúc nào cũng có lực lượng phóng viên tin, ảnh và điện đài sẵn sàng lên đường đi các mặt trận, các chiến dịch đánh lớn của Quân giải phóng. Cán bộ Thông tấn xã Giải phóng cũng tay viết, tay súng, tay máy như các chiến sĩ cách mạng, kịp thời điện tin về để nhanh chóng phát đi cổ vũ quân dân ta hăng hái chiến đấu.

Nhà báo Thanh Bền, nguyên phóng viên Thông tấn xã Giải phóng kể: Trong thời chiến, phóng viên cũng như tất cả cán bộ công nhân viên, nam nữ, kể cả lãnh đạo đều phải tham gia các công việc của bộ đội như: đào hầm trú ẩn, đào giao thông hào để chiến đấu, cất nhà để ở, đào giếng để có nước ăn uống, đi tải gạo (có khi tải lúa về phải đóng cối xay xát), tải giấy cho nhà in, làm rẫy để có rau xanh, tiếp phẩm thức ăn… Tất cả công việc lao động nặng nhọc đều phải làm thủ công, trông cậy vào đôi vai và đôi chân vạn dặm của phóng viên chiến trường. Sau thời gian ổn định nơi ở, phóng viên chiến trường cùng các anh chị bộ đội tham gia tăng gia sản xuất… Khi cần thiết, nguy cấp, phóng viên chiến trường cũng sẵn sàng gác bút, máy điện đài để chuyển sang cầm súng chống lại quân thù.

Trong  suốt 15 năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt (1960-1975), Thông tấn xã Giải phóng đã phải thay đổi căn cứ hàng chục lần. Khi ở chiến khu Tây Ninh, khi dời sang Mã Đà (chiến khu Đ, Đồng Nai) rồi quay lại Tây Ninh, có lúc ở giáp biên giới Campuchia, hoặc tạm lánh sang đất bạn Campuchia khi Mỹ mở rộng chiến tranh Đông Dương (1971) rồi lại trở về chiến khu Lò Gò (Tây Ninh) sau Hiệp định Paris (1973).  Khi địch càn vào căn cứ, cán bộ, phóng viên, nhân viên Thông tấn xã Giải phóng cầm súng chiến đấu bảo vệ căn cứ, phương tiện làm việc, đồng thời bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt với Hà Nội và các địa phương. Có thể nói, ở đâu có trận đánh là ở đó Thông tấn xã Giải phóng có mặt.

Từ đầu năm 1961, Ban An toàn khu quyết định các cơ quan Trung ương tạm di chuyển về căn cứ Mã Đà thuộc chiến khu Đ của miền Đông Nam bộ. Căn cứ này ở khu vực phía Bắc sông Mã Đà, thuộc xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Đây là nơi có địa hình rừng núi rậm rạp và hiểm trở, phải đi bộ nhiều ngày mới gặp dân, là nơi “rừng thiêng, nước độc” với tỷ lệ bệnh sốt rét ác tính rất cao. Cán bộ phải tự tìm nguồn lương thực trong thiên nhiên như khoai lang, củ chụp mềm xốp nằm sâu trong lòng đất đỏ. Tại đây, đơn vị kỹ thuật đóng quân ở một vùng có nhiều đồi cao, cách xa các đơn vị khác.

Tại căn cứ Mã Đà, ngày 10/10/1961, Trung ương Cục miền Nam được thành lập thay thế Xứ ủy Nam bộ. Từ đó, Ban Tuyên giáo Xứ ủy được đổi thành Ban Tuyên huấn Trung ương Cục và cũng từ đó Trung ương Cục có mật danh “R”. Từ giữa tháng 12/1961 đến tháng 1/1962, các cơ quan R được lệnh quay trở về vùng Bắc Tây Ninh. Riêng Ban Tuyên huấn R và Ban An ninh R được bố trí đóng tại vùng phía Tây quốc lộ 22, tại vùng Suối Cây, bên cạnh trảng Tà Nốt, cách biên giới Campuchia khoảng 3 km theo đường chim bay. Trong hai cuộc di chuyển dài ngày từ chiến khu Tây Ninh về chiến khu Đ và trở lại Tây Ninh, trên đường hành quân, khi đến giờ phát tin, các kỹ thuật viên dừng lại đặt máy thu phát, phát xong bản tin ra Hà Nội lại thu dọn tiếp tục hành quân. Năm 1962, Thông tấn xã Giải phóng đóng quân tại bìa trảng Cố vấn, gần biên giới Campuchia.

Từ giữa 1962, Ban Tuyên huấn bắt đầu phân chia các đơn vị chuyên môn thành 11 tiểu ban, trong đó có tiểu ban Thông tấn xã Giải phóng (B7), Đài phát thanh giải phóng (B5), Văn công văn nghệ (B2)… Tiểu ban Thông tấn xã Giải phóng chia làm 2 bộ phận: biên tập (B7) và kỹ thuật (B8), sau mới phát triển thành B7/1, B7/2, B7/3 và B8/1, B8/2. Các đơn vị chuyên môn (các B) ở sát nhau, hàng tuần toàn thể Ban Tuyên huấn đều tập hợp sinh hoạt văn nghệ và học tập thời sự, chính trị, tại Hội trường Ấp Bắc. Sau khi đồng chí Tân Đức được cấp trên điều lên phụ trách Thường trực Ban Tuyên huấn, đồng chí Bùi Thanh Tụng được giao nhiệm vụ Quyền Giám đốc cho đến tháng 5/1965, khi ông nhận nhiệm vụ làm Phó Ban Tuyên huấn T4.

Loan tin chiến thắng giữ chiến trường

Chú thích ảnh
Tổ điện báo Thông tấn xã Giải phóng (nay là TTXVN) điện tin từ mặt trận về căn cứ trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Trong thời gian này, ở các khu đều đã xây dựng được Phân xã Thông tấn xã Giải phóng, hàng ngày cung cấp tin về cho “Tổng xã” ở căn cứ Tây Ninh. Phong trào đấu tranh của quần chúng phá ấp chiến lược và hoạt động vũ trang đang lên mạnh nên tin tức các địa phương cung cấp về rất dồi dào. Lực lượng báo vụ vừa nhận tin các phân xã gửi về và chuyển tin ra Hà Nội, đồng thời nhận tin tham khảo và các loại tin khác của Hà Nội chuyển vào để cung cấp cho lãnh đạo.

Ngoài nguồn tin của các phân xã còn có thông báo của Ban Quân sự và của lãnh đạo Trung ương Cục và các đoàn thể quần chúng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam cung cấp. Đây là các tin tức mật, Thông tấn xã Giải phóng phải biên tập lại cho phù hợp để đưa ra công khai. Ngoài việc biên tập tin để cho Đài Phát thanh Giải phóng phát hàng ngày, Thông tấn xã Giải phóng còn được phân công dự thảo các bức điện chào mừng các tổ chức quốc tế hoặc Chính phủ có quan hệ với Mặt trận.

Tập trung nhất là những trận đánh của quân dân ta liên tiếp đánh bại các loại chiến lược chiến tranh của Mỹ ngụy như: Bẻ gãy kế hoạch Staley-Taylor và đánh bại chiến lược chiến tranh đặc biệt  – (1961-1965) với 2 chiến thắng lớn Ấp Bắc (1963) và Bình Giã (1964). Chiến lược chiến tranh cục bộ (1965-1968) với 3 chiến thắng lớn: – Phản công chiến lược mùa khô của Mỹ ngụy lần 1 (1965-1966); Phản công chiến lược mùa khô lần 2 (1966-1967) và cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân (1968) đánh vào Sài Gòn và các đô thị miền Nam. Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” với cuộc tiến công chiến lược 1972 (Chiến dịch Nguyễn Huệ) quân ta phối hợp 3 hướng chiến lược: Đông Nam bộ, Trị Thiên và Tây Nguyên nhằm tiêu diệt quân ngụy Sài Gòn là công cụ chủ yếu của địch, đập tan quốc sách “bình định” xương sống của “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ…
     
Từ cuối năm 1963, do yêu cầu của thông tin thời chiến, Việt Nam Thông tấn xã cũng đã thành lập Phòng Tin miền Nam để biên soạn bản tin nhanh hàng ngày, phát hành ba buổi/ngày cung cấp cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, các cơ quan nghiên cứu. Ngày 30/11/1963, khi quân đội Sài Gòn, với sự ủng hộ của Mỹ làm đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, Phòng Tin miền Nam đã biên soạn bản Tin nhanh phục vụ Trung ương. Cùng các bản tin khác, bản Tin nhanh đã góp phần cung cấp một lượng thông tin hữu ích cho các đồng chí lãnh đạo.

Tin bài, ảnh về chiến thắng của các đơn vị chủ lực đánh địch chống càn và các chiến trường trọng điểm được các tổ phóng viên và các điện báo viên của cơ quan cử đi gửi về được chuyển ngay về Hà Nội. Trong những trận đánh lớn, ngay khi tiếng súng vừa dứt, bộ đội còn trên đường hành quân chưa về tới căn cứ, tin của Thông tấn xã Giải phóng đã kịp được phát đi, Đài phát thanh Giải phóng đã loan tin chiến thắng, làm nức lòng quân dân cả nước. Ngoài tin tức, Thông tấn xã Giải phóng cũng đã chuyển phát nhanh ra Hà Nội những bài viết quan trọng của đồng chí Trường Sơn (Bí danh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh), các bài bình luận thời sự của nhà báo Thép Mới, tác phẩm "Sống như Anh" nói về gương anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi của nhà báo – nhà văn Trần Đình Vân, để kịp thời động viên tinh thần chiến đấu của toàn dân tộc. Trong cuốn sách 70 năm Thông tấn xã Việt Nam, có đoạn viết: “Năm 1964, đến thăm Thông tấn xã Giải phóng, khi xuống các hầm sâu có mái kiên cố, nơi bố trí phương tiện làm việc của Thông tấn xã Giải phóng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã khen “Xây dựng như thế này mới đánh địch được lâu dài”.

Điểm qua những chiến công vang dội trên, chúng ta hiểu sâu sắc giá trị xương máu của bộ đội ta, càng không quên những chiến sĩ Thông tấn xã Giải phóng ở tiền phương cũng như ở hậu cứ và khắp các địa phương miền Nam đã chịu bao gian khổ hy sinh, luôn vững vàng tư thế tiến công trên mũi nhọn của mặt trận chính trị tư tưởng. Nhiệm vụ chủ yếu là viết tin hay, chụp ảnh tốt, chuyển tin nhanh nhất tại trận địa phục vụ công tác tuyên truyền của Đảng, phát huy hiệu quả, cổ vũ quân dân ta quyết chiến quyết thắng. Khi tiếng súng vừa dứt, bộ đội còn trên đường hành quân về căn cứ, đài phát thanh Giải phóng đã loan tin chiến thắng ấy, bộ đội nghe vô cùng phấn khởi. Quán triệt khẩu hiệu “Làn sóng điện không bao giờ tắt” trong bất cứ tình huống nào cán bộ nhân viên Thông tấn xã Giải phóng vẫn giữ đúng các phiên làm việc để bảo đảm mạch máu thông tin liên lạc thông suốt.

Bài 2: Xung kính trên mặt trận thông tin giữa chiến trường

Hoàng Tuấn   (TTXVN)
Phát triển Thông tấn xã Việt Nam thành cơ quan thông tấn đa phương tiện chủ lực quốc gia
Phát triển Thông tấn xã Việt Nam thành cơ quan thông tấn đa phương tiện chủ lực quốc gia

LTS: Nhân kỷ niệm 95 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) Nguyễn Đức Lợi trả lời phỏng vấn báo Tin tức xung quanh nội dung phát triển TTXVN thành cơ quan thông tấn đa phương tiện chủ lực quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN