Nhiều đại biểu cho rằng, Kỳ họp này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị kỹ lưỡng, xây dựng công phu, hợp lý và hiệu quả. Kỳ họp đã được cân nhắc kỹ, rút ngắn tối đa để tiết kiệm thời gian, chi phí nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và phù hợp với điều kiện, tình hình công việc chung của đất nước.
Về công tác lập pháp, đại biểu Trần Văn Khải - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, các nội dung lập pháp đã được Ủy ban Thường vụ chuẩn bị kỹ lưỡng, được Quốc hội quyết định kịp thời và đúng đắn. Đó cũng chính là mệnh lệnh từ thực tiễn, hiện là điểm nghẽn, vướng mắc trong mọi mặt, từ cuộc sống của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
“Cá nhân tôi đã cố gắng nghiên cứu, có ý kiến tham gia vào đầy đủ các dự án luật tại tổ và tại hội trường, đặc biệt đối với bốn dự án luật, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Đây là dự án luật có nhiều nội dung liên thông chặt chẽ với nhau và có tầm quan trọng đặc biệt đối với đất nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp”, đại biểu Trần Văn Khải cho hay.
Về công tác giám sát, cũng theo đại biểu Trần Văn Khải, tại Kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo của Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và việc thực hiện chính sách pháp về y tế cơ sở và y tế dự phòng”.
Đặc biệt, các đại biểu Quốc hội rất quan tâm, đã tham gia hoạt động giám sát của Quốc hội vào các phiên chất vấn và trả lời chất vấn một số thành viên Chính phủ.
Các đại biểu Quốc hội cũng đã thảo luận, lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm đúng, trúng trong năm 2024 từ thực tiễn hiện nay làm cơ sở để quyết định lựa chọn các chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2024 nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, những vướng mắc với mục tiêu để kiến tạo, phát triển và đồng hành cùng Chính phủ.
Đồng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thanh Hải - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cho rằng: Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, diễn ra trong thời gian 4 tuần đã thu hút dư luận của cử tri và nhân dân quan tâm.
“Tôi đã có 3 khóa là ĐBQH. Tôi nhận thấy với thời gian, khối lượng công việc của Kỳ họp rất lớn, nhưng Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các cơ quan phục vụ cho Quốc hội, đặc biệt là dưới sự điều hành của Chủ tọa kỳ họp đã làm việc hết công suất và rất hiệu quả. Tôi thấy rằng, không khí kỳ họp và việc chuẩn bị tài liệu, phát biểu của các ĐBQH trong các phiên thảo luận về kinh tế xã hội, thảo luận các dự án luật và thảo luận tổ sôi nổi”, đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho hay.
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải, là Tổ trưởng tổ thảo luận có 4 đoàn đại biểu gồm Thái Nguyên, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, bà Hải nhận thấy các đại biểu Quốc hội phát biểu ở tổ rất chất lượng, chuẩn bị rất kỹ lưỡng, thời gian thảo luận sôi nổi.
“Trước đây các đại biểu Quốc hội mong muốn được phát biểu tại hội trường nhưng nay các phiên thảo luận tổ các đại biểu nhận thấy ý kiến phát biểu của mình được tập hợp, tiếp thu đầy đủ nên có thể nói thảo luận tại tổ rất hiệu quả”, đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho hay.
Điều đặc biệt trong kỳ họp này là các ĐBQH được nghỉ 1 tuần giữa kỳ họp. Đây là một việc chưa có tiền lệ. Đối với các ĐBQH là người đứng đầu địa phương thấy rằng, đây là phương pháp giúp cho ĐBQH vừa đảm bảo công việc họp Quốc hội chất lượng, hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của địa phương một cách kịp thời.
Đồng thời khoảng thời gian nghỉ 1 tuần ở giữa kỳ họp cũng đã giúp cho các cơ quan tham mưu, giúp việc của Quốc hội và các cơ quan trình văn bản lập pháp, các nghị quyết của Quốc hội có thời gian tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Nghị quyết một cách đầy đủ, thấu đáo, thận trọng.
Video đại biểu Nguyễn Thanh Hải - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên trả lời phóng viên báo Tin tức bên hành lang Quốc hội:
Đại biểu Nguyễn Thành Nam - Phó trưởng đoàn chuyên trách, đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cho rằng, những phát biểu ở hội trường của các ĐBQH cũng rất chất lượng, thể hiện ĐBQH đã nghiên cứu rất sâu sắc và có tính tranh luận, phản biện.