Công tác cứu hộ, khắc phụ sự cố vẫn đang được triển khai tại hiện trường. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN |
Kỹ sư Nguyễn Tân Sơn, Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng kỹ thuật biển cho biết, thiết bị quét dưới nước trên dùng kỹ thuật siêu âm, có một bộ cảm biến đưa hình ảnh phía dưới mặt nước quét theo phương đứng và phương ngang; quét giống như camera; có thiết bị GPS với độ chính xác cao. Thiết bị này sẽ quét thấy hình ảnh chính xác công trình bị phá hủy dưới lòng sông.
“Khi thiết bị được thả xuống nước toàn bộ hiện trạng lòng sông cũng như các chướng ngại vật ở dưới sẽ được chuyển tải lên máy tính và có thể nhìn thấy bình thường. Việc ghi nhận được hình ảnh ở đáy sông góp phần xác định vị trí các hạng mục cầu bị chìm, vị trí sà lan để lực lượng cứu hộ đưa ra phương án trục vớt hiệu quả. Hình ảnh đáy sông có thể thấy được trong bán kính 200 m” - ông Sơn cho biết.
Bên cạnh việc dùng máy siêu âm quét cầu Ghềnh từ dưới lòng sông Đồng Nai, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Giao thông Vận tải và nhiều cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai cũng đưa đến hiện trường nhiều máy móc hiện đại để khắc phục sự cố sập cầu Ghềnh.
Trong sáng 21/3, nhiều ca nô, ghe, thợ lặn chuyên nghiệp vẫn đang tiếp tục công tác cứu nạn; lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy cũng được tăng cường để phân luồng giao thông; tàu thuyền đi vào khu vực cầu Gềnh được hướng dẫn quay trở ra lưu thông theo hướng khác.
Việc sà lan đâm sập cầu Ghềnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông đường sắt. Hiện tất cả các chuyến tàu từ Nam ra Bắc phải xuất phát ở ga Biên Hòa. Nhà ga này cũng trở thành ga cuối cho những chuyến tàu từ Bắc vào Nam . Ngành đường sắt đã huy động phương tiện chuyên chở khách đi tàu từ Tp. Hồ Chí Minh đến ga Biên Hòa và ngược lại. Tp. Hồ Chí Minh cũng đã huy động hàng chục xe buýt đưa đón hành khách tới ga Biên Hòa.
Do lượng hành khách quá đông, từ chiều 20/3 đến nay, ga Biên Hòa đã quá tải, tỉnh Đồng Nai phải huy động lực lượng cảnh sát giao thông tham gia giữ gìn trật tự, đảm bảo an toàn cho người dân.