Huy động nguồn lực xã hội xử lý nợ xấu
Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng, trong bối cảnh nguồn lực ngân sách khó khăn, cần huy động nguồn lực xã hội và cụ thể là tìm đến nhà đầu tư nước ngoài.
Thống đốc Lê Minh Hưng trả lời chất vấn. Ảnh: TTXVN |
"Muốn mời được họ phải có khuôn khổ pháp lý đồng bộ với những giải pháp cụ thể hỗ trợ cho tái cơ cấu. Việc Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng là giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất để đảm bảo có đầy đủ các quy định trong luật, đúng thẩm quyền, làm cơ sở mời gọi nhà đầu tư nước ngoài", Thống đốc nhận định.
Cũng theo Thống đốc Lê Minh Hưng, trước hết cần tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội về xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng. Ngân hàng Nhà nước đã chọn 6 ngân hàng làm điểm từ nay đến cuối 2017 để đẩy nhanh xử lý nợ xấu, làm cơ sở nhân rộng ra các tổ chức tín dụng còn lại.
Các đại biểu đặt nhiều câu hỏi về giải pháp huy động vàng, tiền trong dân. Đại diện ngành ngân hàng cho rằng, Chính phủ và các bộ ngành cần kiên định mục tiêu điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dựng lòng tin của doanh nghiệp và người dân, trên cơ sở đó sẽ khiến nguồn vốn không đổ vào vàng, ngoại tệ.
"Trước đây, Việt Nam tốn nhiều ngoại tệ để nhập khẩu vàng, gây bất ổn cho thị trường. Nhiều năm qua, thị trường này ổn định, không mất ngoại tệ nhập vàng. Như vậy đã chuyển hóa một phần nguồn lực lớn từ vàng sang nền kinh tế", Thống đốc cho biết.
Thị trường ngoại hối hiện có tỷ giá ổn định, đã mua được lượng lớn ngoại tệ từ người dân bán cho các tổ chức tín dụng. Thống đốc cho rằng, nếu kiên định, giải pháp như vậy sẽ tốt.
Vốn ngân hàng cho vay BOT đã giảm
Trả lời đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) về vốn vay các dự án BOT giao thông, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay, nhu cầu vốn cho đường cao tốc rất lớn, nhưng rủi ro của hệ thống ngân hàng cũng quan trọng không kém.
Thống đốc cho biết, cho vay BOT đã thấp hơn trước, tỷ trọng tín dụng cho vay chỉ chiếm 1,5% tổng dư nợ tín dụng. Nợ xấu khu vực này cũng thấp.
"Không phải ngân hàng không cho vay BOT giao thông mà các ngân hàng phải tăng cường thẩm định phương án tài chính, năng lực tài chính của chủ đầu tư để đảm bảo tính khả thi. Chủ đầu tư có năng lực thực sự, dự án khả thi thì ngân hàng sẽ cho vay", Thống đốc nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Mai Sỹ Diến chất vấn Thống đốc. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Về việc giảm lãi suất cho vay, Thống đốc cho biết, mặt bằng lãi suất cho vay vừa qua đã giảm rất mạnh; các ngân hàng luôn hướng tới giảm chi phí cho doanh nghiệp. Để thực hiện mục tiêu giữ lạm phát ở mức thấp, ổn định kinh tế vĩ mô... ngoài công cụ chính sách ổn định thanh khoản để giảm lãi suất cho vay thì các ngân hàng cũng phải tiết giảm chi phí và đẩy nhanh xử lý nợ xấu. Hạn chế dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nhằm kiểm soát rủi ro.
"Thời gian qua, với sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất giảm mạnh. Giai đoạn 2011 – 2016, lãi suất huy động giảm 7-10%, lãi suất cho vay giảm 10-11%, góp phần giữ ổn định mặt bằng lãi suất. Hiện mặt bằng trung bình lãi suất cho vay là 9-10%", Thống đốc cho biết.
Cuối buổi chiều, các đại biểu Quốc hội đặt nhiều câu hỏi về các vấn đề: chương trình tín dụng sinh viên, gói vay hỗ trợ nhà ở xã hội, xếp nhiệm tín nhiệm ngân hàng, hoạt động của các ngân hàng 0 đồng... Những vấn đề này sẽ được Thống đốc Lê Minh Hưng giải đáp trong phiên trả lời chất vấn sáng mai.