Luật Biên phòng Việt Nam được xây dựng nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm, tư duy mới của Đảng, Nhà nước về bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, như Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 08/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng Bộ đội Biên phòng trong tình hình mới, đặc biệt là Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ Biên giới quốc gia.
Luật Biên phòng Việt Nam cũng kế thừa những quy định còn giá trị và khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng năm 1997, luật hóa các quy định hiện hành trong các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Theo Đại tá Đoàn Văn Rỹ, việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam tạo cơ sở pháp lý vững chắc, đầy đủ nhằm nâng cao hiệu lực trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới; đồng thời là cơ sở xây dựng lực lượng vũ trang nói chung, lực lượng Bộ đội Biên phòng nói riêng ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Luật Biên phòng có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội ở khu vực biên giới và mở rộng hơn so với Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng. Luật quy định chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, hoạt động, lực lượng, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân về biên phòng.
Nhiệm vụ biên phòng được quy định trong Luật một cách toàn diện, bao gồm 3 nhóm nhiệm vụ: Xây dựng - quản lý - bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới. Đây là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các lực lượng nhằm phát triển kinh tế, xã hội kết hợp với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng biên giới vững mạnh về mọi mặt; xác định rõ nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc và bảo đảm việc thi hành pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Lực lượng trực tiếp thực thi nhiệm vụ biên phòng ở khu vực biên giới, cửa khẩu là các cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân ở khu vực biên giới, cửa khẩu...
Đại tá Đoàn Văn Rỹ chia sẻ, để phát huy hiệu quả hơn nữa trong công tác phối hợp giữa lực lượng Bộ đội Biên phòng với các lực lượng chức năng khác, cũng như các cấp chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới biển, đảo, cửa khẩu cảng, đặc biệt khi Luật Biên phòng Việt Nam có hiệu lực thi hành, Bộ đội Biên phòng thành phố Hải Phòng tập trung triển khai tốt các giải pháp, phát huy kết quả công tác thời gian qua, tiếp tục sửa đổi, bổ sung, thực hiện tốt quy chế phối hợp đã ký kết, đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; phối hợp trong tham mưu, triển khai lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của Bộ đội Biên phòng thành phố, các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương.
Bộ đội Biên phòng thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về quản lý, bảo vệ biên giới của Tổ quốc; nắm vững những vấn đề cơ bản của Luật Biên phòng Việt Nam, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân đối với sự nghiệp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và trách nhiệm xây dựng Bộ đội Biên phòng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; vị trí, vai trò, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ đội Biên phòng trong tình hình mới.
Bộ đội Biên phòng thành phố Hải Phòng phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng và cấp ủy chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ gắn với phát triển kinh tế, đặc biệt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới vùng biển, đảo, cửa khẩu cảng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia và Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng thành phố Hải Phòng là một cực phát triển quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, động lực phát triển vùng Bắc bộ và cả nước.