Luật báo chí cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013

Hơn 50% là điều mới và 29 điều sửa đổi, Luật báo chí đã cụ thể hóa được Hiến pháp và quyền con người, quyền công dân. Quyền tự do báo chí cũng được thể hiện cụ thể hóa hơn, rõ hơn về vai trò của báo chí trong thực tiễn cuộc sống – đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp thứ 10.


Đại biểu cho rằng những điểm cần phải xem xét, điều chỉnh trong Luật báo chí lần này, đó là số lượng tờ báo, số lượng chương trình phải điều chỉnh để quy định lại cho phù hợp đối với mỗi Bộ, ngành. Thu gọn số lượng tạp chí, báo cũng là hình thức để tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ và nâng cao chất lượng của báo chí, tránh tình trạng thông tin trùng lặp trên nhiều báo, tạp chí, thậm chí còn lấy cắp lẫn nhau, đưa thông tin không chính xác.

Các đại biểu thảo luận ở tổ về Dự án Luật Tiếp cận thông tin và Dự án Luật Báo chí (sửa đổi) ngày 14/11. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Chung nhận định, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng Luật báo chí đã bổ sung những quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, cụ thể là quyền báo chí và quyền tự do ngôn luận trong báo chí. Việc xây dựng quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trong báo chí là tương đối đầy đủ, bao quát hết các quyền của công dân trong việc tham gia vào lĩnh vực báo chí để có thể truyền tải và phản ánh tới bạn đọc cũng như đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Còn theo đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai), khi bàn đến quyền cơ bản của con người, nhất là trong Luật báo chí, luôn bộc lộ hai yếu tố là quản lý và quyền tự do. Các lập luận được đưa ra là quản lý để tạo tự do cho mọi người nhưng ngược lại, nó cũng hạn chế, nhất là trong điều kiện của nước ta hiện nay, xây dựng Luật phần lớn là do cơ quan hành pháp, luôn có nhiều yếu tố phải giải quyết. Bên cạnh luật pháp là việc vận dụng và giải thích luật pháp, điều đó chưa được quan tâm, khi làm Luật xong chưa bàn đến chuyện giải thích Luật như thế nào, vận dụng nó vào cuộc sống và giám sát việc thực thi ra sao, nếu chỉ đọc qua Luật thấy rất thuận, rất xuôi chiều nhưng khi vào cuộc lại khác, nhiều khái niệm rất mơ hồ - đại biểu chia sẻ.

Nói về điểm mới trong Luật báo chí, quy định cơ quan thường trú đặt ở địa phương nào phải có ý kiến của địa phương đó được chấp nhận bằng văn bản, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho hay ông ủng hộ quan điểm trên, phải quy định như vậy để quản lý báo chí. “Đây là một thủ tục hành chính cần phải có, nhà phải có chủ, anh đến tỉnh nào đặt trụ sở báo chí thì anh phải có công văn và tỉnh đó phải có trả lời, không có gì phiền hà mà đấy là điều kiện để quản lý” – ông Phương nói. Làm rõ thêm, ông Nguyễn Ngọc Phương cho rằng trước đây đã có điều Luật quy định trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố phải có trách nhiệm quản lý báo chí trên địa phương mình, như vậy là đã giao cho chính quyền địa phương có trách nhiệm quản lý mà trong Luật lại không có quy định “chấp nhận” là không đúng. Địa phương đã có công văn chấp nhận cho thường trú ở địa phương thì địa phương phải có trách nhiệm bảo vệ cơ quan báo chí đó, vào cuộc với họ khi bị hành hung, bị lực lượng khác tấn công hoặc tạo điều kiện cho họ trong các hoạt động ở tại địa phương. Như vậy chỉ tạo thuận lợi cho báo chí, không có gì là cản trở.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương dẫn chứng: hiện có tình trạng một số cộng tác viên báo chí về địa phương làm chưa đúng chức năng của báo chí là một tổ chức tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, phát hiện những gương điển hình để tuyên truyền. Có phóng viên, cộng tác viên chỉ tìm những mặt tiêu cực của xã hội để phản ánh, điều đó không đúng với chức năng của báo chí, làm thay đổi vai trò của báo chí. Những trường hợp này, cơ quan quản lý ở các tỉnh phải yêu cầu cơ quan thường trú đó phải điều chỉnh thay đổi.

Tán thành với việc mở rộng chương về quyền tự do báo chí không chỉ quy định quyền tự do báo chí trong cá nhân nhà báo mà còn nói rộng hơn là của công dân, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho hay mở rộng quyền của công dân trong báo chí là tốt, công dân chính là lực lượng báo chí rất quan trọng trong phát hiện, phòng chống tiêu cực, người dân chính là người gần gũi sát nhất với thực tế, người dân chính là lực lượng rất quan trọng phát hiện để giúp cho báo chí thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình.

Bày tỏ băn khoăn về việc quản lý các trang thông tin điện tử hiện nay, đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng các trang thông tin điện tử này chính là một trong những yếu tố làm giảm đi vai trò tác động tích cực của báo chí và nhiều khi còn có tác động không tốt lên sự phát triển, giáo dục thanh thiếu niên, sự phát triển kinh tế xã hội. Theo đại biểu, những trang tin điện tử hoạt động không tôn chỉ, mục đích, không được sản xuất tin, chỉ tổng hợp từ các trang khác, vì vậy, các thông tin tổng hợp thiên nhiều về các tiêu cực của xã hội, về những lối sống xa hoa, lười lao động của thanh niên, ít khi quan tâm tới những mặt tươi sáng của xã hội, hướng vào việc câu view, giật gân để câu khách. Dự thảo Luật báo chí đầu tiên đã nhắc tới những trang tin điện tử này nhưng trong quá trình thảo luận đại biểu thấy rằng nếu các trang tin điện tử được quy định trong Luật báo chí thì vô hình chung lại coi nó như một loại hình báo chí, vì vậy đang bỏ ra ngoài và hiện các trang thông tin điện tử này đang được điều chỉnh bởi Nghị định 72/2013/NĐ-CP quy định về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.

“Chúng ta đang làm luật và chúng ta nhận thấy một thực tế là trang tin điện tử góp phần rất ít vào sự phát triển của đất nước, mà thậm chí, nói thực, nó còn tác động tiêu cực, vì vậy tôi mong muốn ban soạn thảo cần cân nhắc việc quy định xóa bỏ trang tin điện tử loại này trong Luật” – đại biểu bày tỏ.

Liên quan đến việc phỏng vấn và trả lời phỏng vấn, đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho biết hiện nay trong Luật báo chí chưa nêu rõ vấn đề này mà quy chế về phỏng vấn và trả lời phỏng vấn mới được thực hiện bằng quy chế mà Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch ban hành năm 2002. Đây là một thực tiễn hiện rất nóng, cần phải được phải tổng kết và đưa vào trong Luật.
Theo ý kiến của đại biểu Dương Trung Quốc, người chịu trách nhiệm đối với nội dung thông tin quan trọng nhất là tổng biên tập. Tờ báo là cơ quan ngôn luận của một tổ chức, quy định như vậy sẽ là một cách quản lý tốt trong điều kiện hiện nay khi mà sự thiếu trách nhiệm của hệ thống luôn đặt ra, nhiều khi một sự việc trách nhiệm chỉ thuộc về người đánh máy.
Chu Thanh Vân (TTXVN)
Sửa đổi Luật Báo chí phù hợp thực tiễn
Sửa đổi Luật Báo chí phù hợp thực tiễn

Theo chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, dự án Luật Báo chí (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội để lấy ý kiến. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn (ảnh) đã trao đổi với các cơ quan báo chí về tinh thần, nội dung mới của dự án Luật này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN