Cần thiết sửa đổi Luật Báo chí

Tiếp tục phiên họp thứ 41, chiều 17/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Báo chí (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều khiển phiên họp.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu ý kiến. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN.


Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son nêu rõ: Quyền tự do ngôn luận là một trong những quyền cơ bản của con người, được thể hiện trong Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948 và Công ước quốc tế năm 1966 về các quyền dân sự, chính trị của Liên hợp quốc. Quyền tự do báo chí được hiểu là việc thực hiện quyền tự do ngôn luận của con người thông qua báo chí. Báo chí có vai trò là phương tiện để mọi công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình.

Trên cơ sở Công ước quốc tế và Hiến pháp nước ta qua các thời kỳ, Luật Báo chí năm 1989 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí năm 1999 đã quy định về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân. Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện quyền tự do báo chí ở nước ta hiện nay một số quy định đảm bảo quyền còn chưa được cụ thể; việc lợi dụng quyền tự do báo chí để xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức vẫn diễn ra; quy định về quyền tiếp cận thông tin còn thiếu, chưa rõ ràng nên đã dẫn đến những hạn chế trong việc cung cấp thông tin cho báo chí. Đặc biệt, Điều 25 Hiến pháp năm 2013 đã hiến định các nguyên tắc thực hiện quyền tự do báo chí: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.” Do vậy, việc sửa đổi và ban hành Luật Báo chí trong thời điểm hiện nay là cần thiết.

Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật báo chí và nhấn mạnh: Luật Báo chí sau 16 năm thi hành đã bộc lộ nhiều bất cập và không còn phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, cùng sự phổ biến của mạng xã hội làm cho hoạt động báo chí thay đổi cả về phương thức làm báo, hình thức chuyển tải nội dung thông tin và cách thức tiếp cận thông tin của người dân. Nhiều quy định trong Luật Báo chí hiện hành đã trở nên lạc hậu, thiếu tính khả thi, đòi hỏi phải đổi mới để đáp ứng tình hình mới. Vì vậy, cần thiết sửa đổi Luật Báo chí để cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp 2013 về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí; đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật; tạo lập khung pháp lý phù hợp để sắp xếp, tổ chức lại hệ thống báo chí, tạo điều kiện cho báo chí phát triển lành mạnh, hiệu quả và đúng định hướng.

Như vậy, dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) gồm 6 chương với 60 điều, trong đó có 31 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành. Điểm mới của dự thảo Luật so với Luật hiện hành là bổ sung thêm 1 chương quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí theo tinh thần Hiến pháp 2013; mở rộng và quy định cụ thể đối tượng được thành lập cơ quan báo chí; quan tâm đến kinh tế báo chí; thừa nhận và cụ thể hóa phạm vi, lĩnh vực và nội dung liên kết trong tất cả các loại hình báo chí; bổ sung một số quy định mới về tổ chức báo chí...

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến những nội dung cụ thể của dự án Luật Báo chí (sửa đổi) như: Phạm vi điều chỉnh của Luật; quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí; quản lý nhà nước trong hoạt động báo chí; những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí; đối tượng được thành lập cơ quan báo chí; báo điện tử và trang thông tin điện tử...

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Báo chí nhằm bảo đảm cho công tác quản lý, đồng thời để báo chí phát triển lành mạnh và phát huy vai trò to lớn của báo chí trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mặt khác, nâng cao vai trò của các nhà báo trong công việc, góp định kiến dư luận xã hội, để cuộc sống yên vui.

Về quan điểm sửa đổi Luật Báo chí, các ý kiến cho rằng: Luật Báo chí (sửa đổi) phải thể hiện được tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền tiếp cận thông tin, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí... Cũng vấn đề này, một số ý kiến đề nghị dự thảo Luật Báo chí cần đề cập thêm đến đạo đức của nhà báo và trách nhiệm của nhà báo trong sự nghiệp đổi mới.

Góp ý về quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Điều 25 Hiến pháp quy định “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí…”, nhưng dự thảo Luật lại phân biệt quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí thành Điều 11 và Điều 12 là không hợp lý. Vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, hiểu như dự thảo Luật là hai phạm trù khác nhau, gắn với những chủ thể khác nhau, như vậy không đúng. Bởi, Điều 11 quy định tự do báo chí chỉ đề cập đến báo chí và nhà báo; còn Điều 12 lại chỉ đề cập đến quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Quy định như vậy là tách bạch phạm trù quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí. Trong khi đó, Tờ trình của Chính phủ lại trích dẫn Công ước Công ước quốc tế năm 1966 nêu rõ: Quyền tự do báo chí được hiểu là việc thực hiện quyền tự do ngôn luận của con người thông qua báo chí. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xác định lại nội dung này.


Cùng quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, quy định như trong dự thảo Luật là không phù hợp với Hiến pháp và Điều 4 của Luật Báo chí hiện hành. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo xem lại vấn đề này.

Thảo luận về báo điện tử và trang thông tin điện tử, một số ý kiến cho rằng: Trong thời gian qua, loại hình báo điện tử phát triển mạnh mẽ với những đặc tính riêng như: khả năng tương tác cao, không bị giới hạn bởi không gian, thời gian; cập nhật tin, bài đến từng phút… đòi hỏi phải có phương thức quản lý phù hợp. Bởi vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định cụ thể về loại hình này.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu các nội dung góp ý và sớm hoàn chỉnh dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp tới.

Theo chương trình, sáng 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Đoàn giám sát báo cáo; Chính phủ báo cáo (bổ sung) về kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

TTXVN/Tin Tức
Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII
Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII

Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 41, sáng 15/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN