Tại huyện Tuy Phước, các xã Phước Nghĩa, Phước Thắng, Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Thuận đã bị ngập sâu trong nước lũ. Giao thông nhiều tuyến đường bị chia cắt, người dân phải dùng xe tải để hỗ trợ di chuyển. Một số khu dân cư ngập sâu hơn 1m, không thể đi lại được và bị cô lập hoàn toàn. Lực lượng chức năng huyện Tuy Phước đã phải dùng ca nô để hỗ trợ người dân tại vùng bị ngập sâu đến nơi an toàn.
Đặc biệt tại xã Phước Nghĩa (huyện Tuy Phước), bà Nguyễn Thị Ngãi, 67 tuổi, phải đi cấp cứu chạy thận nhưng nhà bị nước lũ cô cập. Công an huyện Tuy Phước đã cử 4 cán bộ dùng ca nô băng dòng lũ đến chở bà Ngãi đi cấp cứu kịp thời.
Tại thị xã An Nhơn, hơn 1 triệu chậu mai của người dân tiếp tục bị ngập. Nước lũ từ sông Hà Thanh dâng cao cũng đã khiến nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt. Một số đoạn đường sát bờ sông đã bị sạt lở. Chính quyền địa phương đã phải huy động người dân dùng bao cát để đắp đập tạm với chiều dài 1 km.
Theo ông Lê Quốc Cường, Chủ tịch UBND phường Nhơn Thành (thị xã An Nhơn), sau khi nhận định nước lũ có thể cuốn trôi tuyến đường bê tông sát sông Kôn qua địa bàn phường, địa phương đã huy động hơn 100 người dân cùng lực lượng dân quân phường và các xã, phường lân cận, đắp đập tạm giữ đường. Hơn 2.000 bao cát đã được người dân và lực lượng đắp chặn bờ sông.
Ông Cường cho biết, với tình hình nước lũ trên sông như ngày 30/11 thì đê tạm có thể giữ được. Nhưng nếu nước lũ tiếp tục dâng cao, nguy cơ sẽ vỡ các tuyến đê tạm và đường bê tông sát bờ sông sẽ bị nước cuốn trôi.
Trong khi đó, tại các huyện Hoài Ân, An Lão, nước lũ trên các sông tiếp tục dâng cao khiến nhiều tuyến đường, khu dân cư bị ngập sâu. Đặc biệt tại huyện An Lão đã xuất hiện hơn 10 điểm sạt lở, chính quyền địa phường khẩn cấp di dời người dân đến nơi an toàn.
Ông Trương Tứ, Chủ tịch UBND huyện An Lão cho biết, trong các ngày 29 - 30/11, toàn huyện đã có trên 10 điểm sạt lở do mưa lớn, nước lũ tràn về. Đặc biệt, trong ngày 30/11, có 2 điểm sạt lở tại 2 xã An Toàn và An Trung với khối lượng đất đá rất lớn. Chính quyền địa phương khẩn cấp di dời người dân đến nơi an toàn.
Ông Tứ cho biết thêm, các xã An Nghĩa, An Toàn và An Vinh của huyện đã bị chia cắt hoàn toàn do các tuyến đường sạt lở nghiêm trọng. Chính quyền địa phương vận động người dân đi lại bằng các phương tiện thô sơ hoặc đi bộ qua các đoạn đường này khi cần thiết. Đối với khu vực cầu bắc qua sông, khi có lũ về lực lượng chức năng sẽ chốt chặn không để người dân đi qua hoặc đi vớt củi, bắt cá.
Theo báo cáo từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, mưa lớn trong ngày 30/11 đã khiến trên 23.000 ngôi nhà ở các huyện Phù Cát, Tuy Phước, An Lão, Hoài Ân và các thị xã An Nhơn, Hoài Nhơn cùng thành phố Quy Nhơn bị ngập trong nước.
Trong ngày 30/11, có 1 người bị nước lũ cuốn trôi mất tích và 1 người bị ngã trong nước, tử vong. Toàn tỉnh có 8 ngôi nhà bị sập; 1,5 km kè và 17 km kênh mương bị hư hỏng; 5 km đường giao thông bị sạt lở; 26 đập tạm bị phá hủy; gần 250 ha lúa và hoa màu bị hư hại; 1.250 con gia cầm bị nước cuốn trôi. Tổng thiệt hại ước 124 tỷ đồng.
Hiện tất cả 163 hồ chứa nước tại Bình Định đã qua tràn, trong đó có 91 hồ đã đầy nước. Dự báo, đêm 30/11, toàn tỉnh tiếp tục có mưa lớn, lượng mưa trung bình từ 50-70 mm, có nơi gần 100mm. Trong ngày 1/12, nước lũ các sông có khả năng tiếp tục dâng cao. Sông Hà Thanh tại thị trấn Diêu Trì (huyện Tuy Phước) có thể trên báo động 3 và đạt đỉnh.