Trung Bộ mưa lũ, thiệt hại ở nhiều nơi

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tối và đêm 30/11, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Đắk Lắk tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-70mm, có nơi trên 100mm.

Chú thích ảnh
Lũ trên sông Kỳ Lộ (đoạn qua thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) lên cao ngày 29/11. Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN

Khu vực Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Thuận, Nam Bộ và các khu vực khác ở Tây Nguyên có mưa, mưa rào và có nơi có dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 30-60mm, có nơi trên 80mm, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét và mưa đá cấp 1.

Chiều 30/11, lũ trên các sông ở Khánh Hòa và Phú Yên tiếp tục lên nhanh. Từ 19 giờ ngày 30/11 đến 1 giờ ngày 1/12, lũ trên sông Kôn, sông Kỳ Lộ, hạ lưu sông Ba (Phú Yên), sông Dinh Ninh Hòa (Khánh Hòa) dao động ở mức cao (trên báo động 3); các sông khác từ Quảng Nam đến Bình Định tiếp tục xuống.

Từ 1 giờ đến 13 giờ ngày 1/12, lũ trên các sông ở Phú Yên và Khánh Hòa xuống dần; các sông từ Quảng Nam đến Bình Định tiếp tục xuống.

Ngập lụt diện rộng tại các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa và Gia Lai. Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi tại các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên; đề phòng mưa lũ ảnh hưởng đến an toàn hồ chứa trên địa bàn các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Đến 21 giờ ngày 30/11, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ có nguy cơ xảy ra tại khu vực các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương và Tây Ninh. Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ cao tại huyện Định Quán (Đồng Nai); Dầu Tiếng (Bình Dương); Dương Minh Châu, Châu Thành, thành phố Tây Ninh (Tây Ninh).

Thiệt hại ban đầu

Theo phóng viên TTXVN tại địa phương, mưa lũ ở miền Trung đã gây thiệt hại ở nhiều nơi.

Tại tỉnh Phú Yên mưa lớn liên tục từ chiều 28/11 cộng với nước từ thượng nguồn đổ về khiến một số nơi của 2 huyện Đồng Xuân và Tuy An bị ngập lụt. Nhiều hộ dân sinh sống tại xã Xuân Sơn Bắc và Xuân Sơn Nam (Đồng Xuân) bị cô lập, không thể di chuyển bằng phương tiện giao thông đường bộ. Các hộ dân ở khu vực các xã An Định, An Nghiệp (huyện Tuy An) bị ảnh hưởng do có khoảng 3km đường từ Tuy An sang Đồng Xuân bị ngập sâu khiến giao thông khó khăn.

Đề phòng nước lũ tiếp tục lên, địa phương đã lắp các biển cảnh báo người dân tại các khu vực, tuyến đường ngập sâu; bố trí các địa điểm để di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn. Dự kiến có khoảng 300 hộ với hơn 900 nhân khẩu ở các xã Xuân Quang 2, Xuân Quang 3, Xuân Sơn Bắc và Xuân Sơn Nam phải di dời. Ngày 30/11, các địa phương tỉnh Phú Yên ở vùng hạ du sông Ba gồm huyện Sơn Hòa, Phú Hòa, thị xã Đông Hòa và thành phố Tuy Hòa đang khẩn trương di dời người, tài sản đến nơi an toàn.

Tại Ninh Thuận, mưa lớn liên tục khiến một số địa phương vùng trũng thấp bị ngập lụt, nhiều diện tích lúa và hoa màu bị ngập sâu trong nước. Tại vùng trũng thấp xã Phước Nam (huyện Thuận Nam), mưa lớn khiến hơn 200 ha lúa gieo vụ Đông Xuân sớm bị ngập trong nước. Lũ dâng cao, tràn vào khu chợ thôn Văn Lâm 3, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Nguyễn Bỉnh Khiêm; đồng thời tràn qua nhiều đoạn đường liên xã nối hai xã Phước Nam với Phước Dinh (huyện Thuận Nam) gây không ít khó khăn cho việc lưu thông của người dân.

Có 439 căn nhà của người dân ở xã Ninh Hải đã bị ngập từ 40 cm trở lên. Địa phương đã di dời 65 hộ/138 nhân khẩu ở khu vực thấp trũng đến nơi an toàn. Mưa lũ đã làm hơn 600 ha lúa và hoa màu bị ngập trong nước; nhiều đoạn kênh mương ở xã Xuân Hải bị sạt lở. Hàng trăm nhà dân tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm bị ngập trong nước từ 20 - 50cm, có nơi ngập sâu gần 1m.

Tại Quảng Ngãi, mưa lũ đã làm ngập khoảng 600 ngôi nhà ở các phường Phổ Văn, Phổ Ninh (thị xã Đức Phổ) từ 0,7 - 1m. Tại huyện Nghĩa Hành, mưa lũ cũng làm ngập đường giao thông từ 0,3 - 0,5m ở các xã Hành Tín Đông, Hành Tín Tây, Hành Thiện. Chính quyền địa phương đã chủ động di dời 42 hộ dân tại thôn Tân Hòa, xã Hành Tín Tây đến nơi ở an toàn đề phòng lũ lên cao.

Mưa lũ cũng làm sạt lở hàng nghìn mét khối đất, đá tại các tuyến Quốc lộ 24, 24 C, đường Dung Quất - Sa Huỳnh... và các tuyến đường giao thông nông thôn, nhất là các tuyến đường liên xã, liên thôn; sạt lở các tuyến kênh mương nội đồng, bờ sông và hư hỏng nhiều diện tích hoa màu của người dân.

Minh Nguyệt (TTXVN)
Bạc Liêu hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lớn kèm lốc xoáy
Bạc Liêu hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lớn kèm lốc xoáy

Ngày 30/11, theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu, mưa lớn kèm lốc xoáy đã làm thiệt hại hàng chục căn nhà của người dân ở huyện Hồng Dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN