Tiếp tục Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội Khóa XIII:

Loại bỏ những dự án thủy điện nhỏ ít hiệu quả

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến phát triển thủy điện (TĐ). Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về quy hoạch TĐ; việc quản lý, vận hành, khai thác và bảo đảm an toàn; công tác bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư, bảo vệ môi trường tại các dự án, công trình TĐ.


Nhiều dự án, công trình TĐ quan trọng của đất nước được đầu tư xây dựng đã và đang đóng góp đáng kể trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Bên cạnh những kết quả đạt được, qua việc rà soát quy hoạch tổng thể TĐ cho thấy còn tồn tại nhiều hạn chế, đặc biệt là đối với TĐ vừa và nhỏ. Nhiều dự án TĐ nhỏ được quy hoạch nhưng thiếu khả thi, chưa thực sự quan tâm đến mục tiêu tổng hợp sử dụng tài nguyên nước lưu vực sông, bảo vệ môi trường và hiệu quả kinh tế-xã hội dẫn đến phải loại khỏi quy hoạch gây lãng phí nguồn lực.

 

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) phát biểu tại hội trường.Doãn Tấn - TTXVN


Theo Báo cáo của Chính phủ, qua rà soát đã loại bỏ 424 dự án, không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng, tạm dừng có thời hạn 136 dự án, tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án. Đến nay, cả nước hiện còn 815 dự án, công trình TĐ, trong đó đang vận hành 268 dự án, đang thi công xây dựng và dự kiến khai thác từ nay đến năm 2017 là 205 dự án trên tổng số 1.239 dự án đã được quy hoạch. Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội thống nhất về nguyên tắc cần loại bỏ những dự án, vị trí tiềm năng TĐ không bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường, mất an toàn cho cộng đồng dân cư, hiệu quả đầu tư thấp, tác động tiêu cực đến KT-XH. Đối với các dự án tạm dừng có thời hạn và tiếp tục được rà soát, đánh giá, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện bảo đảm đáp ứng những yêu cầu nêu trên.


Từ kết quả rà soát quy hoạch, nhiều đại biểu cho rằng: Chất lượng quy hoạch TĐ, đặc biệt là TĐ nhỏ rất hạn chế; không ít dự án bị loại bỏ, thiếu khả thi, phải điều chỉnh sơ đồ khai thác và quy mô trong quá trình đầu tư. Các dự án, vị trí TĐ tiềm năng bị đưa ra khỏi quy hoạch vì hai lý do: Hiệu quả đầu tư thấp, không có nhà đầu tư quan tâm; có tác động xấu đến môi trường và kinh tế - xã hội (KT-XH). Số lượng các dự án TĐ nhỏ trong quy hoạch là rất lớn (gần 90%) nhưng đóng góp về công suất của các dự án này không nhiều (khoảng 26%) và tỷ trọng này sẽ thấp hơn nữa nếu một số dự án này bị loại bỏ khỏi quy hoạch (418 dự án).


Theo báo cáo cho thấy số dự án TĐ nhỏ phải loại bỏ khỏi quy hoạch là tương đối lớn (khoảng 37% tổng số dự án trong quy hoạch). Nếu tính thêm số các dự án tạm dừng, tiếp tục đánh giá thêm tác động môi trường, KT-XH và hiệu quả đầu tư thì quy hoạch TĐ nhỏ sẽ bị điều chỉnh khá nhiều. Có trường hợp trên cùng lưu vực sông, nhiều dự án TĐ lớn và nhỏ đều bị loại bỏ hoặc phải tiếp tục rà soát. Trên cơ sở quy hoạch TĐ được lập và phê duyệt, việc thu hút các nguồn vốn khác nhau để thực hiện quy hoạch là cần thiết nhưng phải đi đôi việc quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp.


Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho rằng: Thực tế cho thấy, năng lực chuyên môn của một số cơ quan, đơn vị tư vấn, cơ quan quản lý nhà nước ở nhiều địa phương chưa đáp ứng yêu cầu. Việc kiểm tra, giám sát theo phân cấp của các cơ quan chức năng chưa thường xuyên, kịp thời, đặc biệt là trong giai đoạn quyết định đầu tư, lập, thẩm định dự án. Trách nhiệm, sự phối hợp các chủ thể trong quá trình xây dựng, thực hiện quy hoạch TĐ chưa quy định rõ ràng. Ngoài ra, quy hoạch TĐ nhỏ chưa thực sự quan tâm đến mục tiêu tổng hợp sử dụng tài nguyên nước lưu vực sông, bảo vệ môi trường và hiệu quả KT-XH. TĐ nhỏ chủ yếu nằm rải rác trên các sông suối nhánh, thuộc các khu vực có điều kiện KT-XH khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, các tài liệu và thông tin cơ bản như khí tượng, thủy văn, địa hình, địa chất... còn thiếu. Mặt khác, tình hình đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết tại khu vực các dự án TĐ nhỏ còn chậm, khó khả thi, hiệu quả kinh tế của các dự án này giảm rõ rệt, không thu hút được đầu tư.


Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho biết, thời gian qua, dự án TĐ Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A đã nhận được sự quan tâm của nhiều vị ĐBQH và dư luận xã hội. Hai dự án này đã được loại khỏi quy hoạch mặc dù trước đó đã nhiều lần đưa vào quy hoạch. Vì vậy, Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc để hạn chế thất thoát và lãng phí cho người dân, doanh nghiệp và xã hội. Qua các văn bản, báo cáo có liên quan đến hai dự án này, Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội nhận thấy cần thiết phải nghiên cứu, xem xét, sửa đổi quy định về phương thức, quy trình, thủ tục lập, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường cho phù hợp. Việc loại bỏ hai dự án này khẳng định rõ thêm vai trò quan trọng của tác động môi trường, trách nhiệm các cơ quan, đơn vị trong giai đoạn lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện báo cáo tác động môi trường đối với các dự án, công trình TĐ.


Nhiều đại biểu cũng cho rằng việc rà soát quy hoạch không chỉ bao gồm các dự án và vị trí tiềm năng TĐ mà Báo cáo cũng cần bổ sung ở mức độ thích hợp kết quả rà soát, đánh giá những công trình TĐ đã và đang vận hành, khai thác.


Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Chính phủ cung thấp thêm thông tin liên quan đến quá trình, kết quả rà soát, loại bỏ các dự án, vị trí tiềm năng TĐ. Cụ thể là phương pháp triển khai trong đó có các tiêu chí rà soát, loại bỏ; tổng hợp các ý kiến khác nhau, đề xuất, kiến nghị của các địa phương, cơ quan, đơn vị trong quá trình rà soát, loại bỏ; đánh giá tác động KT-XH đối với việc thực hiện kết quả rà soát; làm rõ trách nhiệm các chủ thể có liên quan khi các dự án TĐ đã được thẩm định, phê duyệt đưa vào quy hoạch theo đúng quy định nay bị loại bỏ; số dự án TĐ đã triển khai thực hiện nhưng không có trong quy hoạch đã được phê duyệt.


 

Nguyễn Viết Tôn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN