Lo ngại khó tăng trưởng nếu làm một đồng lại tiêu tới ba đồng

Sáng 9/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016, kế hoạch 2017.

Làm thêm được một đồng thì tiêu 3 đồng

Vấn đề cân đối ngân sách, nợ công nhận được nhiều ý kiến của đại biểu trong phiên thảo luận tại Quốc hội sáng nay. Phát biểu đầu tiên trong buổi thảo luận, bà Bùi Thị Quỳnh Thơ ( Hà Tĩnh) cho biết, về vấn đề chi ngân sách, theo bà Thơ, thông thường phải tăng chi đầu tư phát triển và giảm chi thường xuyên. Kế hoạch Chính phủ xây dựng trước đó cũng đề ra mục tiêu chi thường xuyên của 2016-2020 trong khoảng 25-26%, giảm so với giai đoạn trước. Tuy nhiên gần đây, chi thường xuyên lại có xu hướng tăng dần, ngược lại tổng chi đầu tư phát triển giảm.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ ( Hà Tĩnh) phát biểu tại hội trường.

Cùng với đó, bà Thơ cho rằng những năm qua Chính phủ dành ngân sách không nhỏ để trả nợ nhưng vẫn không đủ nên phải đi vay để đảo nợ. Một con số rất đáng trăn trở là năm 2017, dự toán chi trả nợ nợ gốc là 163.846 tỷ đồng, trong đó vay trả nợ gốc là hơn 156.537 tỷ đồng.

Bà Thơ cho biết: “Các con số trong báo cáo cho thấy Việt Nam đang loay hoay trong bài toán đảm bảo thường xuyên, tức là vay cho tiêu dùng và đi vay để trả nợ vay. Trong khi đó, về nguyên lý là các khoản nợ vay chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển và được sử dụng lợi nhuận của nền kinh tế để chi trả”, bà Thơ cho biết.

"Do vậy, tôi cho rằng cơ cấu lại các khoản chi theo hướng giảm chi thường xuyên, tăng đầu tư phát triển là vô cùng cấp bách. Điều đó cũng đồng nghĩa Chính phủ phải mạnh tay hơn nữa để tinh giản biên chế. Cải cách bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, tiết kiệm...", bà Thơ đề xuất.

Về vấn đề thâm hụt ngân sách, bà Thơ cũng nhấn mạnh ngân sách tiếp tục tăng nhưng chi luôn vượt thu. Thâm hụt ngân sách đã tăng từ mức 4,9% GDP giai đoạn 2001-2005 lên hơn 5% trong 2006-2010, nhưng năm 2015 con số này đã lên đến 6,28%.

"Điều đáng nói là những con số bội chi ngân sách này không những vượt trần bội chi do Chính phủ cam kết mà còn vượt khung Quốc hội giới hạn. Chúng tôi hết sức chia sẻ với những khó khăn của Chính phủ trong bối cảnh thu ngân sách hạn hẹp, nhưng việc vay nợ cần đảm bảo chi đầu tư phát triển", bà Thơ cho biết.

Đồng quan điểm, đại biểu Đặng Thuần Phong ( Bến Tre) cho rằng, nếu chia bình quân đầu người thì nợ công của Việt Nam đang ở mức cao, xấp xỉ 1.000 USD. Ngoài ra, hiệu quả trong công tác sử dụng vốn đầu tư còn thấp, áp lực chi cho đầu tư lớn trong khi tỷ lệ chi thường xuyên từ ngân sách đang ở mức cao.

Ông Phong cho biết, mức bội chi ngân sách hiện gấp 3 lần tăng trưởng, tính ra làm thêm được một đồng thì tiêu 3 đồng, điều này đã tác động từ tăng trưởng kinh tế đến xã hội chưa được như kỳ vọng.

Còn đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) cho rằng, hiện tại GDP Quý 1/2017 thấp hơn 5% năm ngoái và rất xa mục tiêu 6.7 % năm, nhiều chuyên gia nhận định mục tiêu bất khả thi. Muốn đạt mục tiêu này những quý sau GDP phải đạt hơn 7%.

"Tôi đồng tình không chạy theo mục tiêu số lượng nhưng cần cả số lượng và chất lượng, vì GDP là 1 trong4 mục tiêu qua trọng nhất, nếu 2017 không đạt mục tiêu tăng GDP thì là 2 năm liên tiếp chúng ta không đạt mục tiêu, như vậy, 3 năm sau khó khăn hơn. Trong 20 năm từ 2016 – 2035 mà kinh tế Việt Nam không đạt GDP bình quân 7% để GDP đầu người 6% thì Việt Nam không có cơ hội thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình nên giai đoạn này rất quan trọng", bà Hà nhấn mạnh.

Do vậy, Chính phủ cần xác định dư địa có thể khai thác để tăng GDP nhưng không ảnh hưởng mục tiêu kinh tế vĩ mô. Theo bà Hà, để đạt được mục tiêu cần tăng tổng cầu nền kinh tế, cụ thể tăng khối lượng tiền tệ, tăng 2% tổng dư nợ tín dụng so với kế hoạch 18 – 20%, gồm cả tín dụng đầu tư, tiêu dùng có mức tăng nhanh.

"Nếu thêm 2% tín dụng sẽ không tăng lạm phát, tuy nhiên ko điều chỉnh tăng giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục... Cùng đó, kích thích tăng cường tiêu dùng đầu tư tư nhân, tháo gỡ khó khăn cho DN. Đặc biệt có giải ngân nhanh đầu tư công gồm dự án hạ tầng giao thông, BOT...", bà Hà đề xuất.

Hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Cùng với nội dung về ngân sách, nợ công, nhiều đại biểu đề xuất để thực hiện tốt các nhóm giải pháp Chính phủ đề ra để phát triển kinh tế - xã hội cần tập trung vào phát triển kinh tế, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong nước. Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) cho biết, trong một năm qua, sự ra đời của Nghị quyết 35 của Chính phủ đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực song cộng đồng doanh nghiệp (DN) vẫn mong mỏi quyết tâm chỉ thị nêu ra thực hiện nhanh hơn.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) phát biểu. Ảnh: TTXVN


“Thời gian qua, một số nơi chưa thực sự đồng hành với DN, có thể thấy qua một vài minh chứng. Một số DN làm ăn chân chính, đầu tư vào công nghệ xử lý môi trường thì thường xuyên phải tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra, tuy nhiên sự chồng chéo đã gây sự phiền hà, sách nhiễu khiến cho DN không thể tập trung cho hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Tuấn Anh cho biết.

Ông Nguyễn Tuấn Anh dẫn ra ví dụ một DN chế biến mủ cao su tại Bình Phước bị phạt đóng cửa dây chuyền sản xuất 3 tháng chỉ vì lí do tự thay đổi công nghệ xử lý chất thải không đúng quy định, có nghĩa là dù thay bằng dây chuyền sản xuất hiện đại hơn nhưng theo đơn vị thanh tra thì không đúng quy định nên phải xử lý. Sau đó, chính đơn vị thanh tra này lại ra văn bản hủy bỏ quyết định đóng cửa dây chuyền sản xuất trong khi DN phản đối dữ dội. Thiệt hại do quyết định tùy tiện đó thì DN phải gánh chịu.

Ông Nguyễn Tuấn Anh cũng chỉ ra, theo báo cáo Chính phủ thời gian qua đã có số lượng DN thành lập mới tăng kỷ lục, tính chung 4 tháng đầu năm 2017 có 39.500 DN thành lập mới song cũng có hơn 31.000 DN hoàn thành thủ tục giải thể.

“Tức là 10 DN ra đời thì gần 9 DN rời thị trường nên rõ ràng không thể lạc quan để đạt mục đích tăng trưởng kinh tế thì phải bán thêm vài triệu tấn dầu, tài nguyên thiên nhiên. Qua các cuộc tiếp xúc, cử tri mong muốn ổn định nguồn chi cho ngân sách không nên tập trung vào khai thác dầu lửa, tài nguyên mà nên coi đó là của để dành cho con cháu mai sau, thay vào đó là tăng cường sản xuất trong nước, tạo điều kiện cho DN mở rộng sản xuất kinh doanh, nhất là đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao kèm với đó xử lý nghiêm tổ chức cá nhân gây nhũng nhiều cho DN, nhà đầu tư”, ông Tuấn Anh đề xuất.

Đồng quan điểm, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho rằng, căn bệnh được mùa mất giá, khó khăn trong tiêu thụ nông sản nhiều năm qua nhưng chưa được khắc phục. Do đó, việc nâng cao năng lực sản xuất ngành nông nghiệp là cần thiết, góp phần tăng trưởng kinh tế.

“Để phát triển nông nghiệp cần hoàn thiện chính sách đât đai, phát triển những cánh đồng lớn, thu hút DN đầu tư sản xuất lĩnh vực nông nghiệp, giải quyế khó khăn bất cập về chuyển giao KHCN, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng, năng suất”, bà Thúy đề xuất.

Cùng với đó, thúc đẩy sản xuất liên kế theo vùng, truy suất nguồn gốc, quản lý chất lượng hàng hóa cũng đóng vai trò quan trọng.

Trang Thu/Báo Tin Tức
Thay đổi mô hình tăng trưởng sẽ giúp đạt GDP cao hơn
Thay đổi mô hình tăng trưởng sẽ giúp đạt GDP cao hơn

Tăng trưởng GDP năm 2016 và quý I không đạt mục tiêu. Tuy nhiên, theo các đại biểu Quốc hội, không nên chạy theo con số tăng trưởng mà phải hướng đến tăng trưởng bền vững và tìm mô hình tăng trưởng phù hợp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN