Chiều 25/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016, những tháng đầu năm 2017 và Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), năm 2016, GDP cả nước chỉ tăng 6,21% không đạt kế hoạch 6,7% nhưng không nên quá lo lắng. Bởi tuy GDP tăng thấp nhưng các chỉ số việc làm lại tăng, thất nghiệp giảm.
Lý giải nguyên nhân, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng: Việt Nam đang thay đổi mô hình tăng trưởng. Trước đây tăng trưởng phụ thuộc vào 2 trụ cột là tăng trưởng vốn đầu tư và khai thác khoáng sản thì nay đã không coi đó là trụ cột phát triển kinh tế nữa.
“Tăng trưởng đã chuyển sang chú trọng chất lượng, bền vững nhưng cần có thời gian để mô hình tăng trưởng mới thể hiện được qua con số GDP”, ông Cường nói.
Còn theo đại biểu Phạm Phú Quốc (TP Hồ Chí Minh), GDP năm 2016 phụ thuộc chủ yếu vào công nghiệp khai khoáng, dầu thô, gói kích cầu của Chính phủ và chính sách nới lỏng tiền tệ. Chúng ta thiếu tính chủ động trong việc hướng đến nền kinh tế tự chủ.
Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân phát biểu. |
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) thì cho rằng, một trong những nguyên nhân tác động đến GDP năm 2016 là ảnh hưởng của sự cố Formosa Hà Tĩnh đã tác động đến nhiều lĩnh vực kể cả thủy sản, du lịch, công nghiệp... Trong quý I/2017, chúng ta đã kiểm soát lạm phát nhưng GDP chỉ đạt 5,1 %, thấp nhất trong 5 năm.
“GDP quý I không đạt một phần do chênh lệch xuất nhập khẩu giảm. Samsung thu hồi điện thoại Galaxy Note 7 đã ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Điều này cảnh báo, nếu quá phụ thuộc vào tập đoàn kinh tế nước ngoài thì khi có rủi ro sẽ tác động đến nền kinh tế”, đại biểu Trần Hoàng Ngân đánh giá.
Từ những phân tích trên, các đại biểu Quốc hội thống nhất cho rằng, không nên chạy theo con số tăng trưởng GDP mà phải hướng đến tăng trưởng bền vững.
“Không nên chạy theo tốc độ tăng trưởng nhanh mà nên giữ ổn định như mức hiện nay để tìm mô hình tăng trưởng phù hợp, từ đó hút vốn đầu tư”, đại biểu Cường nói.
“Để đảm bảo tăng trưởng bền vững, cần tạo môi trường thông thoáng hơn trong kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, xây dựng nền kinh tế độc lập, ít phụ thuộc vào tài nguyên khai khoáng, tập trung huy động nguồn lực trong nước thay cho việc vay vốn FDI và ODA. Cần xây dựng các tập đoàn kinh tế lớn, không phân biệt nhà nước hay tư nhân”, đại biểu Phạm Phú Quốc đề xuất.
Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội Phạm Quang Thanh phát biểu tại tổ. Ảnh: An Đăng/TTXVN |
Cùng chung quan điểm, đại biểu Phạm Quang Thanh (Hà Nội) đưa ra các giải pháp để tăng trưởng GDP bền vững. Theo đó, cần phát triển kinh tế tư nhân. Thứ hai, tập trung xuất khẩu hàng có giá trị gia tăng lớn. Thứ ba, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Thứ tư, tăng năng suất lao động. Thứ năm, giám sát chặt chẽ quá trình cổ phần hóa, hậu cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, đảm bảo không để xảy ra tình trạng “bán bò tậu ễnh ương”, sử dụng nguồn lực nhà nước không hiệu quả khiến nền kinh tế kém đi.
Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) cho rằng, kinh tế tăng trưởng kém bền vững do cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa rõ rệt. Tăng trưởng xuất khẩu dù có tăng nhưng chủ yếu do giá dầu. Doanh nghiệp thành lập nhiều nhưng thu ngân sách từ doanh nghiệp lại giảm đi. Đại biểu Nguyễn Quốc Bình đề nghị giảm lãi suất trung và dài hạn để kích thích sản xuất.
“Chính phủ cần thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho từng lĩnh vực. Xem xét việc giải ngân các dự án đầu tư công tại sao chậm”, đại biểu Bình nêu ý kiến.
“Không nhất thiết phải đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP bằng mọi giá. Chính phủ nên lựa chọn mức tăng trưởng phù hợp, nếu mục tiêu tăng trưởng GDP là 6,3% nhưng hiệu quả cao, chất lượng tốt và bảo vệ tài nguyên môi trường tốt hơn thì người dân vẫn hoan nghênh”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh.
Mặt khác, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, cần đặt thêm mục tiêu phát triển nguồn lực con người, giáo dục, lao động. Lạm phát thực tế tác động đến người dân như thế nào cần được xem xét.